Mẹ nào chưa từng trải qua cảnh sinh con trên đường đến bệnh viện chắc không thể nào thấu được nỗi sợ hãi giống như em đã từng trải qua.



Hôm nay lướt báo đọc thấy chị Nguyễn Thị Hương (trú tại Kim Động, Hưng Yên) đẻ rơi trên ô tô mà rùng mình.



Nhớ lại cách đây 3 năm, em cũng từng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Chỉ khác là đoạn đường em đến bệnh viện chật nêm xe cộ chứ không thênh thang như chị.




Chị Hương, người sinh con trên bệnh viện mà em đọc được trên báo ạ!




Nếu đoạn đường của chị Hương chỉ 5 km và không hề bị kẹt xe thì đoạn đường em đi phải dài gấp đến 3-4 lần. Nhà em ở Gò Vấp, đi lên bệnh viện Từ Dũ sinh phải qua khúc Cộng Hòa. Đoạn đường này thì kẹt xe thôi rồi. Bởi vậy, đã xác định từ trước rằng nếu thấy đau bụng đẻ là phóng ngay trong đêm chứ đợi đến sớm mai thì chết toi. Nhưng người tính cũng chẳng bằng trời tính.



Em đau đẻ và xuất huyết lúc 7h05 sáng. Gọi taxi cho được thì cũng mất hết 10 phút. Tài xế taxi nhìn trẻ măng nhưng xem bộ cũng lanh lẹ. Cậu này lên xe là phóng thật nhanh vì lúc này em đã vỡ ối, chảy máu và đau bụng quặn từng cơn. Nghe chồng bảo lúc đó em cũng cấu xé của anh vài miếng thịt và ít chùm tóc thì phải.



Xe vừa đến khúc ngã tư Trường Chinh, Cộng Hòa thì kẹt cứng, chẳng thể nào nhích nổi. Khổ cái không thể quay đầu nên xe cứ vậy mà bò như rùa trên đường, mặc cho con đang cố hết sức để chui ra. Rồi đến lúc em vào cơn chuyển dạ sâu, cơn đau tưởng như xé cả da, bẽ cả xương khiến em không tài nào nhịn được và chỉ còn cách rên la cho qua cơn. Em hét rất lớn, tưởng như muốn nổ tung cả nóc xe không chỉ vì đau đẻ mà vì sợ cảnh đẻ rơi con trên đường đến bệnh viện. Chồng em cũng sợ hãi không kém, liên tục hối anh tài xế:



- Anh xem có cách nào thoát khỏi đường này không chứ vợ tôi đẻ ra đây thì hai thằng đàn ông biết gì mà đỡ?



Anh chàng tài xế vã mồ hôi hột không thua vợ chồng bà đẻ. Đợi đâu được hơn 5 phút vẫn chưa nhúc nhích được, anh này mở cửa ra ngoài xin mọi người dạt qua để lấn đường. Nghe trên xe có bà đẻ, mọi người cũng dạt qua cho nên xe luồn được một đoạn khá dài mới qua được khúc kẹt.



Lúc này, em bắt đầu có cảm giác rặn nên sợ hãi, luôn miệng kêu chồng:



- Anh ơi em có cảm giác như rặn ị rồi. Chắc thằng con sắp ra rồi! Em không thể nhịn được tới bệnh viện nữa đâu!



- Ráng thêm tí đi em, qua được đoạn này là đến bệnh viện rồi!



- Không… được… mà!



Em rặn từng tiếng ngắt quãng và đúng lúc này thì rặn phọt con ra ngoài dễ dàng như không. Chồng em chẳng kịp nghĩ ngợi nhiều, đành phải trở thành bà đỡ bất đắc dĩ cho con. Nghe tiếng con oe… oe mà hai vợ chồng mừng rớt nước mắt. Vì không chuẩn bị tâm lý cho cuộc vượt cạn kỳ lạ này, em hoàn toàn lúng túng khi đón con ra ngoài. Lúc ấy chỉ biết ôm thằng bé còn nguyên dây rốn, chất nhờn nhầy, máu me mà ấp vào mình và cầu nguyện để thằng bé không bị làm sao cho đến lúc được đưa vào bệnh viện.



Đoạn đường đến viện chỉ còn cách khoảng 1km mà tưởng như dài cả trăm cây số vì con mỗi lúc một khóc yếu đi, mình mẩy dần tím tái. Vợ chồng em đếm từng giây mà như nằm trên đống lửa.



Cũng may đoạn này không bị kẹt nên mẹ con em đến bệnh viện kịp lúc và được cấp cứu kịp thời.



Sau lần sinh con rơi ấy, ai trong nhà cũng xúi em đặt tên ở nhà cho con là Rớt để ghi nhớ kỷ niệm lần đi đẻ đầu đời của mẹ. Chỉ có bà ngoại là gạt đi:



- Thằng này tên Rớt thì thằng sau là gì? Nó giống mẹ, đẻ đái nhanh gọn. Sau đẻ đứa nữa, rớt nữa thì lấy gì đặt tên cho đứa sau?



Nghe bà nói xong, cả nhà cùng vỡ một trận cười căng cả ruột. Bên cạnh là cậu con trai kháu khỉnh của em đang nằm ngủ ngon ngay.



Vậy là xong câu chuyện đi đẻ của em. Nhưng em thấy thế này: Có rất nhiều lý do khiến bà bầu sinh rơi, đẻ rớt. Tựu chung lại lý do hãi nhất ở thành phố vẫn là kẹt xe. Cho đến khi chuyện kẹt xe được giải quyết, các mẹ có thể nắm những kỹ năng đi đẻ bằng taxi hoặc ô tô sau đây để đảm bảo mẹ tròn con vuông nhé!



Làm sao biết khi nào đi đến bệnh viện: Căn cứ vào ngày dự sinh là an toàn nhất. Tuy nhiên, trước lúc chuyển dạ luôn có dấu hiệu: co thắt tử cung trong ít nhất 60 giây liên tiếp hoặc kéo dài đến 4 phút. Một số bà mẹ chảy máu và vỡ ối. Do đó, khi thấy một trong những dấu hiệu chuyển dạ này, mẹ phải nhanh chóng gọi taxi hoặc lên ô tô của gia đình ngay để tránh sinh rớt.


Chỗ ngồi trên xe: Dùng kinh nghiệm đi taxi của mình để chọn hãng xe và loại xe có băng ghế sau rộng. Nó sẽ giúp bà đẻ ngồi thoải mái hơn. Trong trường hợp sinh trên xe cũng sẽ xoay xở dễ dàng hơn. Để dễ chịu hơn, nên dùng gối lót dưới lưng khi cơn đau chuyển dạ kéo đến. Nếu bất đắt dĩ, không có xe và xe chỉ có chỗ ngồi phía trước, các mẹ có thể ngồi ngược hoặc nghiêng để có được cảm giác thoải mái nhất.


Có người ở bên khi cận ngày sinh: Nếu đã quyết định ai là người đi cùng mẹ khi sinh thì trong những ngày mẹ cận ngày dự sinh, người này phải ở cùng mẹ để hiểu mẹ cần gì và muốn gì.


Biết nơi sẽ đến: Nếu biết nơi sẽ đến và cách để đi sẽ làm giảm một số căng thẳng khi ngồi trong xe. Đừng vì thiếu thống nhất mà tranh cãi.


Mang băng lót: Nếu sợ bị vỡ ối hoặc chảy máu nhiều khi trên xe, bạn nên mặc trước ở nhà một miếng băng vệ sinh dành cho bà đẻ để nó thấm hút một phần.


Nghe nhạc: Âm nhạc giúp bạn thư giã tuyệt vời trong lúc đang căng thẳng. Có thể nghe từ máy điện thoại hoặc đĩa CD trên máy nghe nhạc của xe.


Chạy chậm: Nghe có vẻ rất phi lý nhưng đoạn đường di chuyển sẽ gây áp lực nhất định. Trừ trường hợp cơn đau đẻ đến quá nhanh, bằng không hãy chạy với tốc độ bình thường.


Tránh ổ voi, ổ gà: Trên đường di chuyển, tránh hết mức có thể những đoạn đường xấu, nhiều ổ voi, ổ gà để giảm thiểu sự đau đớn cho mẹ.


Nếu sắp sinh...: Dừng xe qua một bên đường, gọi cấp cứu và họ sẽ cho người đến giúp nếu đường đến bệnh viện còn xa. Đồng thời luôn có một người bên cạnh để sẵn sàng đỡ đẻ khi em bé chào đời.


Bảo vệ sự sống trẻ sơ sinh: Khi không có bất kỳ công cụ y tế nào trợ giúp, hãy cố đặt em bé vào lòng mẹ để bé được da tiếp da trong suốt đoạn đường đến bệnh viện.


Hỏi tài xế đường gần nhất đến bệnh viện phụ sản gần nhất: Khi không thể đến được bệnh viện theo dự định ban đầu, mẹ phải chấp nhận phương án chọn bệnh viện phụ sản gần nhất để đảm bảo an toàn cho trẻ sơ sinh.


P/S: Các mẹ xem clip này nhé. Bà mẹ này thật kiên cường vì đã tự tay đỡ đẻ cho chính mình trên xe. May mà mẹ tròn con vuông.




o3nHfdIXv7