Quả thật đọc xong
2 bài này
cảm giác như được giải phóng... không ai yêu con bằng mẹ, không ai xì trét vì con biếng ăn, còi cọc hơn mẹ...mình đã in cho chồng coi, anh khuyên mình chia sẻ với các mẹ..cùng đọc nhé



TỰ SỰ CỦA NGƯỜI MẸ NUÔI CON CÒI CỌC




"Đây là câu chuyện thật của tôi, khi "chiến đấu" với một đứa con, mà dân gian nói đơn giản là “còi”. Tôi không "phù phép" để thay đổi thể trạng của con mà tôi đã thay đổi chính cách nuôi con của mình".



Học cách tôn trọng bao tử của con



Có đứa con gái gầy trơ xương, ăn vào “nhỏ giọt”, ói như máy bơm, tôi tuyệt vọng đến mức lên một diễn đàn, làm một cái topic: “Tôi nuôi con sai rồi. Cứu mẹ con tôi với!”.


Nhiều mẹ vào topic "kêu cứu" của tôi để an ủi. Có mẹ còn cho số điện thoại riêng và nhắn “tớ phải nói chuyện với cậu mới được, vì không đủ thời gian để gõ trên mạng”. Hai bà mẹ chưa từng quen, không biết mặt, vừa ôm điện thoại vừa khóc.


Rồi các bà mẹ trên mạng chỉ cho tôi một bác sĩ. Ông là bác sĩ nhi duy nhất ân cần cầm tay con tôi, hỏi han bé, cười nựng với bé, khen ngợi bé và kiên nhẫn ngồi nghe tôi kể lể cả mấy chục phút. Ông in các tài liệu cho tôi về xem. Ông cho tôi xem hình con ông ngày nhỏ, cũng gầy gần như con tôi.




Bác sĩ nói: “Con chị hoàn toàn khỏe mạnh. Nếu trong phòng này có người bệnh, chắc đó là tôi hoặc là chị. Nuôi con, chị hãy nhìn con mình, không nhìn con hàng xóm. Chị phải tôn trọng thể tích dạ dày của bé. Chị chỉ được quyết định cho bé ăn gì và khi nào, còn bé sẽ quyết định ăn bao nhiêu. Nuôi con phải dân chủ!


Chị hãy nhìn biểu đồ tăng trưởng của con chị, đường biểu đồ đang đi lên, vậy là tăng trưởng tốt. Không cân bé hàng tháng nữa, chỉ cân 3 tháng 1 lần”.


Tôi vẫn bồn chồn hỏi: “Nhưng cân nặng của bé nằm sát đáy kênh A rồi, sắp suy dinh dưỡng rồi?"


“Chị đừng hiểu theo cách đó. Con chị ở đây, nghĩa là bé nằm trong số 5% trẻ em trên thế giới có cân nặng thế này. Cả thế giới đang đau đầu phòng chống bệnh béo phì, lẽ ra chị phải thấy mình may mắn. Chị quá stress tức là con chị bị sống trong bầu không khí “ô nhiễm” – bác sỹ giải thích cho tôi.


Vài tháng sau, có một biến cố lớn xảy ra. Bạn thân của tôi, một người xinh đẹp, giỏi giang và thành đạt đã tự tử. Tôi choáng váng tới mức buộc phải đi học các khóa học tâm lý, bình ổn tâm hồn. Tôi nhận ra rằng sức ép tinh thần có thể giết chết người ta như thế nào, sự khỏe mạnh về tinh thần nhiều khi còn quan trọng hơn chỉ số chiều cao, cân nặng.


Tôi bắt đầu kiên nhẫn và bình tĩnh với việc cho bé ăn. Bé ăn không hết thì tôi dẹp. Bé ốm thì đi khám. Tôi không tự kết tội mình nữa. Tôi cho bé học 2 năm lớp lá, 7 tuổi mới vào lớp 1. Tôi chỉ nhìn vào bé và không so sánh với các bé khác.




Làm sao để với con ăn là hạnh phúc?



Tôi đã gặp những mẹ cho con đi ăn rong, những mẹ sẵn sàng múa may làm chó làm mèo hòng cho con nuốt một miếng cháo… Tôi đã gặp một mẹ dùng súng bắn nước bắn sữa vào miệng con, một mẹ bóp mũi con để con nuốt, mỗi miếng cơm là một roi… Tôi hiểu nỗi lòng của các bạn.



Tôi cũng đã ép con ăn làm con tới tận bây giờ vẫn chưa tìm ra niềm hạnh phúc trong ăn uống. Tôi đã la mắng khi con ói làm cho bé sợ ói, giờ có khi ói ra tới miệng lại gắng nuốt ngược vào. Tôi cố sửa cho bé tật ngủ mút tay thành ra làm bé ngủ chập chờn không tròn giấc. Có những việc làm mà hậu quả của nó tôi không lường hết được.


Thạc sỹ Trần Thị Ái Liên nói: “Đừng ép trẻ ăn bằng roi, bằng la mắng, khi đó là bé đang ăn cháo cùng cortisol, một loại “hooc môn stress” làm trẻ kém tăng trưởng, vôi hóa khớp, trầm cảm, hung dữ, bạo lực…”


Ép con ăn (giả sử là ép thành công) thì con của bạn có thể tăng nhanh lên 1 ký, 2 ký nhưng làm sao có thể đong đếm những tổn thương tinh thần bên trong bé được. Tôi rất giận khi Bộ Y tế lạnh lùng chỉ đưa ra chuẩn cân nặng và chiều cao, làm các bà mẹ trẻ bấn loạn. Các bà mẹ, hãy nhớ rằng sức khỏe phải là trạng thái thoải mái cả về thể chất và tinh thần, như định nghĩa của WHO.


Hãy tôn trọng con, và thư giãn! Tôi nhìn xung quanh ngay cơ quan tôi, người ngồi bên trái nặng hơn tôi 12 ký, bạn ngồi bên phải nhẹ hơn tôi 10 ký. Cả ba chúng tôi đều làm việc tốt, đều sống bình thường, cớ sao con tôi chỉ kém bạn bè có 2 ký mà phải “xoắn” chứ!


Cao to vượt trội, thông minh vượt trội, hẳn là rất có ưu thế. Nhưng giữ được cuộc sống vui vẻ và thoát khỏi những xiềng xích mình tự trói buộc mới thật là hạnh phúc. Hãy tuân thủ sự đa dạng của cuộc sống, nếu mai này con bạn không đủ cao để làm người mẫu hay tiếp viên hàng không, con hoàn toàn có thể trở thành một nhà quản lý, một nhà thiết kế, thậm chí là một nhà khoa học tài năng.



Theo Thu Hà (Kiến thức)





5 NGÀY CHIẾN ĐẤU VỚI BỆNH BIẾNG ĂN




Sau bao lần đấu tranh tư tưởng, rồi giằng xé với những quyết định, mẹ đã thành công!


Bác sĩ yêu cầu mẹ sẽ vẫn cho con ăn đủ bữa như mọi ngày 7h - 12h - 16h - 20h. Nhưng khác ở chỗ là nếu con không muốn ăn, con mím mồm, quay mặt, ngậm trong miệng quá 5 phút, thì mẹ phải tôn trọng ý kiến của con, ngừng lại, đợi đến bữa sau cho con ăn tiếp.


Ngày thứ nhất



Con dậy lúc 7 giờ 30': Mẹ pha cho con 1 bình sữa 60ml (con uống được 20ml, thì ngưng, nhất định không uống nữa) mẹ thử trong vòng 5' con vẫn không muốn uống. Vậy là mẹ bỏ bình sữa đó đi. Cho con chơi đùa bình thường.


Mọi khi, đến 8h mà con chưa ăn xong bình sữa đó, thì khoảng 9h hoặc 10h mẹ lại thử cho con ăn tiếp. Nhưng theo bác sĩ phân tích thì lúc 7h30 sáng, con thức dậy, chưa muốn ăn, chưa thấy đói, nên con chỉ bú 20ml. Nếu mẹ để cách, và bỏ bữa đó đi rồi cho con ăn bữa trưa, lúc đó con thật sự đói, con sẽ ăn được nhiều hơn. Nhưng mẹ lại cho con ăn tiếp, con vẫn chưa đói hẳn, con ăn một ít... và thế là bụng con lúc nào cũng có cảm giác lưng lửng.


12 giờ 15' mẹ quấy cho con một nửa già bát con bột, xúc cho con ăn được 2 thìa, sang đến thìa thứ 3 là con lắc đầu, mím môi và cúi gằm mặt xuống. Mẹ thử xúc cho con thêm trong khoảng 5 phút, và nhận thấy con vẫn chưa hứng thú ăn, nếu không muốn nói là không muốn ăn. Mẹ lại bỏ bát bột đó đi.


16 giờ mẹ cho con ăn hoa quả nghiền, con ăn được khoảng hơn 10 thìa café. Mẹ thử một vài thìa nhưng con có phản ứng không thích thú. Bỏ, lại bỏ bữa đó đi.



Mẹ thật sự rất căng thẳng với bệnh biếng ăn của con. (Ảnh minh họa).



Mẹ ra ngoài trời, hít thở thật sâu, để thư giãn đầu óc. Căng thẳng, nhiều đắn đo, nhiều toan tính... đúng có, sai có.... nhưng mẹ sẽ cố gắng!


18 giờ 30 con lại tu ti sữa mẹ nhưng cũng chẳng biết là được khoảng bao nhiêu ml.


20 giờ Mẹ lại pha cho con 150 ml sữa ngoài, lần này mẹ thấy con cứ khóc ngặt nghẽo kiểu khó chịu, mẹ mừng lắm, nghĩ là con đã biết đói, biết đòi ăn rồi. Lúc nhìn thấy bình sữa là miệng con đã tóp tép, vừa đưa là con hì hục bú, bú mải bú mê… nhưng kết quả chỉ là 30ml. Giờ con đã biết đè lưỡi vào đầu ti cao su, để đầu ti bị bẹp, sữa không chảy ra được. Mẹ định đổ sữa ra xúc thìa nhưng con không há mồm, rồi quay mặt.


Con lại không muốn ăn, không được ép!


Hít thở thật sâu, hít thở, hít thở, không được cáu, không được ép, không được lo, không được nghĩ... mẹ tự trấn an mình theo cách bác sĩ hướng dẫn. Thế là lại bỏ bữa đó đi.


21 giờ Con lại tu ti sữa mẹ được tầm 10 phút, rồi lăn ra ngủ.


Cả đêm mẹ nằm suy nghĩ, suy đi rồi lại tính lại..., hỏi đi hỏi lại bố đến hàng chục lần, nào là có nên nghe theo bác sĩ không, nào là có sợ con sụt quá không... rồi mẹ lại trình bày bla... bla... con ăn ít ăn nhiều.... mẹ chỉ mong bố khuyên không nên nghe lời Bác sĩ nữa… Nhưng bố lại bảo mẹ đừng suy nghĩ nhiều.


Bác sĩ nói, muốn thay đổi chuyện biếng ăn của con thì trước tiên mẹ phải thay đổi lại chính suy nghĩ của mẹ, mẹ hãy nghĩ cho cuộc sống đơn giản hơn, mọi việc thoáng hơn... nhất là về vấn đề chăm sóc con.


Hết ngày thứ nhất, bác sĩ nghe mẹ báo cáo mọi vấn đề, mọi sinh hoạt của con xong (mẹ đã chắc mẩm bác sĩ sẽ giật mình vì số lượng ăn của con trong ngày, sẽ nói "Ôi con mày ăn ít thật, thế này thì mày phải cố ép cho nó ăn đi, không nó sẽ gầy mất"). Nhưng bác sĩ rất thản nhiên nói: Rất tốt.


Ngày thứ hai



Tình hình cũng y như hôm trước. Chỉ khác là đầu óc mẹ căng thẳng hơn, ý định không nghe theo bác sĩ trỗi dậy hơn, vì hôm nay là ngày thứ 2 con ăn ít không thể chấp nhận được rồi.


Đêm, bố và mẹ đã tranh luận gay gắt. Bố chẳng bênh mẹ và cũng chẳng thương xót con tẹo nào, chỉ toàn bênh bác sĩ. Mẹ thương và xót, lo cho con lắm! Làm thế nào bây giờ, khó quá…


Ngày thứ ba



Mẹ dậy khá muộn, vì đêm trước nằm tranh luận với bố xong, mẹ thì ấm ức không sao ngủ được.


Khoảng 8h sáng con mới tỉnh dậy, mẹ rửa mặt mũi chân tay cho con xong thì vừa lúc bác sĩ tới, thế là mẹ kêu ca thảm thiết về tình hình của con rồi lại nghe bác sĩ giảng giải. Mẹ lại được tiếp thêm năng lượng, nạp thêm pin. Hít thở thật sâu để lấy sức bước vào cuộc chiến ngày hôm nay.


9 giờ sáng, mẹ pha cho con 100ml sữa, con uống được 40ml.


12 giờ trưa: Mẹ quấy nửa bát bột, đặt con vào ghế ăn thì con khóc quầy quậy, nhất định không chịu ngồi. Mẹ định bế con trên đùi mẹ, rồi xúc cho con ăn, nhưng bác sĩ không đồng ý, bảo đợi khi nào đặt con vào ghế ăn mà con không khóc thì cho ăn.


Khoảng hơn 30' sau, thì con chịu ngồi ghế ăn, và ăn hết nửa bát. Chuyển cho con ăn sữa chua, con ăn được đúng 3 thìa thì dừng.


16 giờ Con ăn được 1/3 quả chuối con con. Bú sữa mẹ một lúc rồi mẹ con khăn gói quả mướp lên đường đi đón anh Tôm, ba mẹ con ra công viên chơi theo yêu cầu của bác sĩ.


20 giờ: Mẹ cho con ăn bột, nhìn thấy bát bột con khóc toáng lên, chưa nói gì đến đặt con vào ghế. Mẹ cố thử trong vòng 10 phút con cũng không chịu ăn, cuối cùng mẹ phải bỏ bát bột đó đi .


Pha cho con 100ml sữa ngoài, con uống được 30 ml.


Đêm hôm đó mẹ không sao ngủ được, mẹ đi ra đi vào rồi quyết định pha một bình sữa con ăn đêm (mặc kệ bác sĩ đi. Con có phải là con của Bác sĩ đâu mà xót con). Tự biện minh cho mình, thế là mẹ đi pha sữa. Đang chuẩn bị pha thì bố lại gàn, động viên mẹ cố gắng theo cho hết 5 ngày.


Lại một đêm trằn trọc.


Ngày thứ tư



7giờ con thức dậy, con ê a ầm ĩ trong giường kiểu găn gắt chứ không phải kiểu ê a chơi như mọi khi. Mẹ nghĩ ngay là con đói, bật phắt dậy pha sữa cho con. Con uống vèo hết 100ml. Mẹ có pha nhầm không nhỉ? Thấy miệng con còn nhóp nhép, mẹ pha thêm 50 ml, con uống hết 20ml.


Bố mẹ mừng rơn, sướng quá mẹ bế con nựng yêu con, con lại rúc rúc tìm ti ti, thế là hai mẹ con lại kềnh cang chiến tiếp. Một ngày đẹp trời , báo hiệu nhiều niềm vui sẽ đến.


9 giờ, bác sĩ đến. Nghe mẹ kể chuyện con ăn được như vậy mà bác sĩ chẳng hề khen con, chỉ khen mẹ thôi. Bác sĩ nói đã đến lúc con có nhu cầu ăn, sau 3 ngày con chán ăn. Thế nhưng cho dù là con đói, cảm giác sợ ăn của con chưa thể hết ngay được vì vậy mẹ phải kiên nhẫn.


12 giờ trưa con ăn hết vèo nửa bát bột trong vòng 15' kể cả thời gian chờ nguội, cộng thêm 10 thìa con sữa chua.


Mẹ thấy lòng mình nhẹ nhõm, mẹ rất muốn khoe, muốn kể về con cho ai đó nghe, mẹ muốn bày vẽ nấu nướng, liên hoan... mẹ hứng thú làm mọi thứ.


16 giờ con ăn hết nửa miếng đu đủ và bú sữa mẹ.


20 giờ mẹ tham lam quấy cho con một bát bột, chứ không nửa bát như mọi lần nữa. Con ăn đượcc nửa bát thì thôi. Mẹ không ép con nữa. Mẹ vui lắm!


21 giờ Hai mẹ con lại ôm nhau tu ti tiếp rồi con lăn quay ra ngủ như một con lợn con nằm thọt lỏm trong lòng mẹ.


Kết quả



Sau 5 ngày thắt gan thắt ruột chăm sóc con theo yêu cầu của bác sĩ, sau bao nhiêu lần đấu tranh tư tưởng, rồi giằng xé với những quyết định để chiến thắng chính bản thân mình, nhiều lúc mẹ thấy mẹ thật sự kiệt sức, không còn thể chịu đựng thêm được giây phút nào nữa... Và mẹ con mình đã thành công.


Sau đó một thời gian, con có những tiến bộ rất rõ rệt, mỗi khi đến bữa ăn con ngồi ăn rất ngay ngắn, không chơi đồ chơi, há miệng mỗi khi mẹ đút. Con uống sữa bình cũng khá hơn, uống vèo hết 100ml. Giờ ăn của con không bị kéo dài như trước, con ăn chừng 15' đến 20', cùng lắm 30' là nhiều nhất.


Đặc biệt, Tôm Em không trớ nữa, điều này là điều mẹ vui nhất, kể cả con có lẫy lật lại thì cũng không bị trớ. Cho nên mẹ để con chơi một mình thoải mái còn mẹ có bao nhiêu thời gian để làm việc khác.



(Theo Lửa ấm)