Tên bé: Nguyễn Minh


Giới tính: Nam


Ngày sinh: 25/11/2012


Ngày dự sinh: 20/11/2012


Số tuần mang thai: 40


Cân nặng: 2kg9


Chiều dài: 40cm


Nhật ký chào đời của bé: Thiên thần của mẹ!



Tôi mang thai khi tôi vừa tròn 25 tuổi. Tôi và anh lấy nhau sau 7 năm dài yêu nhau. Chúng tôi lên chức ba mẹ ngay sau đêm tân hôn. Tôi vui mừng khôn xiết khi cái que xuất hiện 2 vạch. Tôi lên mạng tìm tất cả thông tin về cách ăn uống, đi đứng, sinh hoạt, bồi dưỡng cho thai nhi và rồi tôi chết điếng: tôi đã tiêm ngừa vắc xin Rubella trước khi tôi thử que 5 ngày, tức là tôi đã tiêm ngay khi đang mang thai. Tôi đã khóc gần như ngất, tôi ăn năn vì sự lơ đễnh của mình.


Tôi tìm tất cả thông tin về trường hợp lỡ tiêm ngừa Rubella khi đang mang thai. Nhưng càng tìm tôi càng thất vọng khi tất cả đáp án đều là bỏ thai. Ngày nào tôi cũng ra vào thơ thẩn, nước mắt cứ lăn khi nghĩ đến việc phải bó cái thai. Đến lúc ăn cơm cứ thế cầm chén không mà đút vào miệng, chồng thấy thế thở dài thườn thượt, bỏ cả mâm cơm mà đi nằm. Đến đêm, tôi không tài nào chợp mắt được, hễ chợp mắt là lại thấy hình hài một bé con bụ bẫm đang tươi cười vẫy tay chào tạm biệt tôi. Chồng thấy thế ôm tôi vào lòng vỗ nhè nhẹ lưng bảo: không sao đâu em, cứ theo dõi cái thai rồi hẵng tính!


Những ngày này tôi ăn uống thật khó khắn, không phải vì tôi nghén mà là tôi buồn. Tôi buồn đến độ nuốt cơm không trôi, nhai đồ ăn không nổi. Nhưng tôi tự động viên phải cố gắng ăn vì em bé trong bụng.


Tôi vẫn luôn lang thang internet tìm thông tin. Sau đó vợ chồng tôi quyết định lên bệnh viện Phụ sản Hùng Vương khám thai.


Chuỗi ngày này thật kinh khủng với tôi. Chúng tôi từ Bến Tre lên Sài Gòn, lặn lội suốt 6 tháng trời, hơn 12 lần đến bệnh viện Hùng Vương để khám thai. Hành trình lặn lội từ quê lên thành phố Hồ Chí Minh thật vất vả, vừa mưa gió, vừa mệt, hai vợ chồng tôi phải thuê khách sạn ngủ lại qua đêm. Khi cái thai được 10 tuần, tôi làm các xét nhiệm và các kết quả về: Độ mờ da gáy, dị tật Down, dị tật nhiễm sắc thể đều bình thường. Bác sĩ ở đây cũng tư vấn đợi đến 22 tuần xét nhiệm chọc ối và xem thai nhi có dị tật thì bỏ thai, tôi bàng hoàng: lỡ như thai có dị tật, tôi không còn khả năng sinh con do bỏ thai khi thai quá lớn thì sao? Điều đó làm tôi lo lắng. Biết bao nhiêu lần lên xuống bệnh viện, bao nhiêu tiền bạc ăn uống và khám thai, vợ chồng tôi không tiếc, chúng tôi chỉ mong đứa bé bình thường mà sinh ra khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Nỗi khát khao có con giày xéo tôi bằng nỗi sợ hãi xen lẫn hồi hợp. Tôi trông chờ từng ngày… từng ngày.


Rồi đến khi cái thai được 22 tuần, chồng vợ lại đèo nhau lên thành phố. Lúc này tôi đi đứng rất mệt vì cái thai cũng đã to. Hôm đấy tôi và chồng đội mưa tầm tã suốt 3 tiếng đồng hồ. Chúng tôi đi đến đường Nguyễn Văn Linh thì chồng tôi trợt tay lái do nước mưa đọng thành vũng , tôi té lăn cù và lộn vèo đến 7 vòng mới dừng hẳn. Chồng đỡ tôi ngồi dậy đi tiếp trong tâm trạng rối bời: con chúng tôi liệu có sao không? Đến viện, tôi nhanh chóng được đưa đi siêu âm. Thật may mắn: tim thai vẫn khỏe, đứa bé không bị làm sao cả, tôi nghĩ chắc con muốn ở lại với chúng tôi, ý nghĩ giữ lại con càng thêm mãnh liệt. Rồi tôi báo kết quả với chồng. Chồng vợ mừng mừng tủi tủi, dắt díu nhau về và không làm xét nghiệm chọc ối gì cả, cứ thế mà giữ lại con.


Đêm hôm đó tôi lang thang trên internet, vô tình tôi vào trang “Chương trình vấn đáp sống khỏe”, tôi gửi mail hỏi về tình trạng của mình, một bác sĩ đã tư vấn cho tôi: em nên giữ lại thai, xác suất dị tật 1.86% là rất ít, không có tài liệu nghiên cứu nào cho thấy thai nhi sinh ra bị dị tật khi tiêm ngừa Rubella. Tôi như được tiếp thêm nghị lực và niềm tin. Thế đấy, vợ chồng tôi quá liều lĩnh giữ cái thai với sự can đảm không suy nghĩ chăng?


Cái thai ngày một lớn. Tôi ăn khỏe gớm, tôi thèm đủ thứ, tôi xơi từ thịt gà, thịt heo, thịt bò, thịt trâu, thịt rắn, thịt chuột… Chắc do thế mà con khỏe, cứ đạp bình bịch vào bụng mẹ suốt ngày. Tôi có thể sờ thấy tay, chân con mỗi lần con chòi đạp. Khi đấy bụng tôi cứ nhấp nhô lồi lõm trong đến buồn cười. Tối nào chồng tôi cũng áp tai vào bụng vợ vừa xoa xoa bụng vừa bảo: con nhanh ra nhé, cùng bố ăn hiếp mẹ mới được vì mẹ con hư lắm. Chồng lại còn mở nhạc thai nhi cho 2 mẹ con cùng nghe. Ngày ngày nhẹ nhàng trôi qua.


Cuối cùng thì con cũng đủ tháng, đủ ngày. Tôi chờ đến hết ngày vẫn không thấy dấu hiệu báo sinh. Rồi 4 ngày trôi qua vẫn không có gì lạ. Tối đấy tôi ăn một bát phở to, uống 1 ly sữa bầu mà vẫn còn thòm thèm. Chồng giục đi ngủ sớm. Đến khuya, bỗng dưng tôi thấy đau lâm râm bụng như đau bụng kinh, vợ chồng hối hả vào bệnh viện. Tôi leo lên bàn khám, bác sĩ bảo mới nở nửa phân thôi, có thể đến chiều mai mới sinh. Tôi lại trở về phòng chờ sinh, ngủ được 1 lúc thì cơn đau bụng tăng, mỗi lúc một tăng, bụng tôi méo mó đến phát kinh. Tôi cứ tưởng là rách bụng ra vì con đạp quá mạnh ấy chứ. Tôi bấu chồng thật mạnh, khiến chồng đang lơ mơ ngủ phải giật mình. Tôi đau quá, cha sinh mẹ đẻ đến giờ mới đau như thế. Tối lết đến nắm thanh sắt của giường, tay xiết chặt mà không thấy tay ửng đó sắp rướm máu, tôi chỉ thấy cơn đau phía dưới bụng. Chịu hết nổi tôi lại bò lên giường nằm, rồi lại ngồi dậy rồi lại nằm. cứ nằm ngồi liên miên. Chồng bảo: em nằm xuống ôm anh đây này! Tôi không nằm được, tôi cứ ngồi, người nhễ nhạ mồ hôi, tóc tai rũ rượi. Rồi tôi thấy phía dưới cộm hẳn lên, không tài nào ngồi được nữa, tôi đứng dậy đi nhanh đến phòng trực. Bác sĩ khám và bảo: đầu em bé ra gần tới rồi, nhanh nhanh thôi em! Lúc đấy là 5 giờ 45 phút.


Tôi hì hục leo lên bàn sinh nằm, chị hộ lý bảo: em cởi hết đồ ra. Tôi lần lữa vì ngại. Bác sĩ bảo tôi nén hơi và rặn thật mạnh. Tôi chỉ rặn 2 hơi là bé đã ra, khóc oe oe, con trai trắng bạch, nặng có 2kg 900gr. Nhìn cô hộ lý tắm cho con mà tôi vui mừng khôn tả. Thế là mẹ đã được gặp con sau bao nhiêu ngày chờ đợi. Cô y tá trao con cho tôi, chồng vội giành bồng lấy, vừa bồng vừa khóc nức nở: Ôi con ơi! Hai vợ chồng òa khóc ngon lành, khiến mẹ tôi vừa vào cũng chẳng hiểu chuyện gì. Nhìn đáy mắt long lanh của chồng, tôi cảm thấy hạnh phúc và cảm ơn ông trời đã cho con tôi sự may mắn lớn nhất.


Thời gian trôi qua thật nhanh, giờ con đã được 20 tháng tuổi, con ăn khỏe, con quậy phá từng bừng, con nghịch ngợm lắm chiêu trò, con chạy tung tăng ra đón mẹ đi làm về, con hôn má ba khi ba cho con quà… Có gì vui sướng hơn những điều đó. Tôi là một bà mẹ may mắn và hạnh phúc! Mẹ đã, đang và sẽ yêu con mãi mãi! Con yêu!