Nhà cửa, tài sản tan tác sau cơn bão số 9, đấy là chưa kể đến thiệt hại về người, giờ người dân lại phải hối hả đi chạy lụt trong đêm.

Sao bao nhiêu cái khổ, cái khó cứ dồn dập đuổi theo người dân miền Trung vậy? Có người nói với mình bão cũng đáng sợ nhưng không sợ bằng lụt, không chạy kịp có khi bị cuốn đi mất.

Nguồn tin từ trang báo Tuổi Trẻ cho biết, do mưa lớn từ cơn bão số 9, nhiều hồ thủy lợi, thủy điện ở Nghệ An đồng loạt xả lũ trong đêm. Người dân ở các vùng hạ du phải nhanh chân di dời đồ đạc lên vùng cao.

hình ảnhẢnh chụp báo Tuổi Trẻ. 

Được biết, tối hôm qua, ngày 29/10/2020, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có tới 4 nhà máy thủy điện xả lũ trong chiều và đêm hôm qua. Cụ thể:

- Thủy điện Châu Thắng, huyện Quế Phong xả lũ từ 17 giờ chiều ngày 29/10/2020 với lưu lượng 76 – 400m3/s, bao gồm xả qua các cửa van và lưu lượng phát điện qua các tổ máy.

- Thủy điện Chi Khê, huyện Con Cuông, xả với lưu lượng 500 – 1.000m3/s, bao gồm qua đập tràn và qua các tổ máy, có thể tăng thêm tùy thuộc vào lưu lượng nước về hồ.

- Thủy điện Nậm Mô, huyện Kỳ Sơn, xả với lưu lượng 140 – 400m3/s từ 19 giờ tối qua.

- Thủy điện Bản Ang, huyện Tương Dương, xả với lưu lượng 200 – 500m3/s từ 20 giờ 30 phút tối qua.

Tại khu vực thị xã Hoàng Mai, xí nghiệp Thủy lợi Hoàng Mai có kế hoạch xả lũ hồ Vực Mấu từ 1 giờ sáng đến 6 giờ sáng ngày 30/10/2020 với lưu lượng từ 20 – 100m3/s qua 2 cửa tràn.

hình ảnh


Ảnh trái: Thị trấn Dùng, huyện Thanh Chương, Nghệ An ngập sâu trong đêm 29/10/2020. Ảnh phải: Nước dâng nhanh trong đêm. Lực lượng chức năng đến đưa người dân đi sơ tán. Nguồn: Báo Tuổi trẻ. 

Tối hôm qua, ngày 29/10/2020, khu dân cư ở huyện Con Cuông, Anh Sơn, Thanh Chương, Đô Lương, Hưng Nguyên tỉnh Nghệ An nơi có sông Lam chảy qua, mực nước dâng lên rất nhanh. Người dân phải hối hả đưa đồ đạc lẫn gia sức đến vùng cao để bảo vệ tài sản.

Một số người đã lên mạng xã hội cầu cứu lực lượng cứu hộ khi bị cúp điện và nước dâng làm cô lập.

Nghe nói, các lực lượng sau khi nghe tin đã đến giúp dân sơ tán đến nơi an toàn. Tại khu vực tuyến Quốc lộ 46 từ thành phố Vinh lên thị trấn Dùng, huyện Thanh Chương đang bị chia cắt do sạt lở, đất đá tràn xuống đường.

Tại Hà Tĩnh, hôm qua có tin vỡ bờ đập Bạng nhưng sau đó, Chủ tịch UBND huyện Can Lộc đã xác minh và bác bỏ thông tin này. Do những đợt mưa lớn nhiều giờ qua, nước không chảy kịp, theo đường đập làm ngập cục bộ. Sau bão, mưa lớn vẫn xuất hiện trên diện rộng ở các địa phương tại Hà Tĩnh.

hình ảnh


Ảnh: Người dân mang áo mưa cùng chính quyền địa phương gia cố bờ kênh sạt lở ở xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Nguồn: Báo Tuổi trẻ. 

Coi tin thấy nhiều người dân chịu thiệt hại nặng nề về tài sản và về người khi thủy điện xả lũ, có mẹ thắc mắc nói vu vơ, xả lũ làm chi để dân phải chịu khổ thế này.

Để giải đáp thắc mắc này mình cũng đi tìm hiểu và chia sẻ với các mẹ. Thủy điện là nơi tạo ra nguồn điện từ năng lượng của nước. Nhiệm vụ của nó là tích nước để tạo ra dòng điện, đồng thời phục vụ cho mục đích tưới tiêu cây trồng những mùa nắng nóng, khô hạn. Khi mực nước dâng lên cao đủ đạt đến tiêu chuẩn nhất định thì phải xả lũ, vì nguy cơ vỡ đập sẽ dẫn đến hậu quả có khi còn lớn hơn.

Nguồn tin từ báo Dân Tộc cho biết, hiện nay các hồ chứa thủy điện đều có quy trình vận hành. Với các hồ có dung tích 1 triệu m3 trở lên thì Bộ Công thương có trách nhiệm phê duyệt quy trình, nhưng với những hồ nhỏ hơn thì do Sở Công thương quyết định.

Quá trình điều hành, xả lũ hay điều tiết lũ sẽ do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định việc đóng hay mở, xả bao nhiêu và lưu lương thế nào.

hình ảnh


Ảnh trái: Thủy điện bản Ang xã Xá Lượng huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An đã xả lũ. Ảnh phải: Người dân thị xã Đông Hà, tỉnh Quảng Trị tất tả chạy lũ sáng ngày 18/10/2020. Nguồn: Báo Dân Tộc. 

Một thực tế hiện nay là không phải hồ thủy điện nào cũng có chức năng cắt, giảm, làm chậm lũ, nhất là ở các khu vực miền Trung. Vì địa hình sông suối dốc, ngắn, nước chảy thẳng ra biển nên chủ yếu nhà máy tận dụng chiều cao của nước để phát điện, chứ không có dung tích phòng lũ.

Nhà máy nào không có chức năng chống lũ thì toàn bộ lũ tự nhiên được chảy qua đập tràn hoặc van cung. Nước lũ tự nhiên về bao nhiêu thì sẽ trả về dòng sông bấy nhiêu. Trường hợp quá trình vận hành xả lũ của nhà máy thủy điện ở miền Trung nói riêng và cả nước nói chung không kiểm soát chặt chẽ thì hậu quả rất khó lường.

Trước đó, như ở tại địa bàn tỉnh Quảng Nam, Chủ tịch UBND đã yêu cầu việc xả lũ không gây dòng cháy đột biến và bất thường làm đe dọa trực tiếp đến tính mạng lẫn tài sản người dân khu vực ven sông của hạ du hồ chứa.

Được biết, cách đây 2 ngày thủy điện Đắk Mi 4 tiến hành xả lũ, Quảng Nam và Đà Nẵng đối diện với nguy cơ ngập lụt.

hình ảnh


Ảnh: Thủy điện Đăk Mi 4 dự kiến xả lũ 11.400m3/s, Quảng Nam, Đà Nẵng đối mặt với ngập lụt. Nguồn: Báo Tuổi trẻ. 

Về nguyên tắc, theo quy định của pháp luật, nếu thủy điện xả lũ sai quy trình thì phải bồi thường và hỗ trợ thiệt hại đã gây ra. Song nhiều đánh giá cho rằng việc thực hiện này gặp nhiều khó khăn do vướng phải khâu thẩm định, kiểm kê những thiệt hại đã chịu ảnh hưởng.

Năm ngoái, 2019, nhà máy thủy điện Sử Pán 1, ở tỉnh Lào Cai, bất ngờ xả lũ, gây ngập úng nặng ở vùng hạ du. Sự cố xảy ra xong thì chủ đầu tư đã nhận trách nhiệm và cam kết đền bù, hỗ trợ. Mặc dầu vậy đến nay chủ đầu tư chỉ mới chuyển 700 triệu đồng để hỗ trợ Nhân dân, còn công trình dân sinh được đầu tư từ ngân sách nhà nước trên địa bàn bị hư hỏng do ảnh hưởng của việc thủy điện xả lũ vẫn giữ nguyên hiện trạng vì chưa có kinh phí sửa chữa.

Vậy đấy, nên rất cần các cơ quan chức năng giám sát, theo dõi chặt chẽ quy trình xả lũ, kiểm soát được lưu lượng chảy, tránh gây hậu quả thiệt hại đáng tiếc về người và tài sản cho dân. Nếu xảy ra thiệt hại thì phải có cơ chế yêu cầu đền bù thỏa đáng cho dân.

Tổng hợp