Một cách phổ biến để đối mặt với nỗi buồn là phủ nhận, né tránh, tự phán xét bản thân vì để rơi vào cảm xúc như vậy. Chôn vùi cảm xúc không phải là cách hiệu quả để đối mặt với nỗi buồn. Thay vào đó, hãy đối diện với cảm xúc bạn đang trải qua và sử dụng những chiến lược tâm lý lành mạnh để nâng đỡ bản thân, tìm nguồn động lực để vượt qua nỗi buồn.

1. Hiểu được điều mình đang trải qua

Đừng giữ chặt cảm xúc hay giả vờ rằng bạn đang ổn. Việc bạn cố gắng kìm nén sẽ khiến cảm xúc khó có thể thoát ra bên ngoài, giữ chân bạn tại hiện tại. Hãy dán nhãn những cảm xúc bạn đang trải qua. Nếu ai đó hỏi bạn đang cảm thấy thế nào, hãy thành thật mà trả lời “Tôi buồn.” Đó là bước đầu tiên để quá trình phục hồi và tìm kiếm sự giúp đỡ có thể diễn ra.

Nếu việc nói với ai đó về cảm xúc quá khó, hãy tự nói với bản thân trước. Hãy nhìn vào gương và đơn giản tự nói với bản thân “Tôi buồn.” Bạn cũng có thể viết ra trong nhật ký của mình.

2. Cho phép bản thân được quyền buồn bã

Bạn không cần phải quá khó khăn, dằn vặt bản thân nếu thấy buồn. Buồn bã là một cảm xúc cơ bản của con người mà ai cũng phải trải qua. Vì vậy, bạn không cần phải làm khổ bản thân vì cảm thấy buồn. Cho phép mình không gian và thời gian để cảm thấy hiện hữu với cảm xúc trong hiện tại, đừng đánh giá, chỉ trích bản thân vì những cảm xúc thoáng qua đó.

Bạn có thể làm gì mình muốn cũng được, miễn là để cảm xúc được bộc lộ ra ngoài. Khóc, lên giường nằm, ôm ấp thú cưng.

Để bạn không ôm mãi nỗi buồn trong lòng, hãy cho bản thân một giới hạn. Bạn có thể đặt ra là, “à, mình chỉ được buồn từ 1-2 ngày thôi” (hoặc hơn thế tùy tình hình.) Sau đó, hãy thực hiện những hoạt động có thể giúp bạn cải thiện tâm trạng như nghe nhạc giàu năng lượng, tập thể dục, ra ngoài đi chơi với bạn bè.

3. Tìm một cách sáng tạo nào đó để bộc lộ cảm xúc

Hãy gửi gắm những nỗi buồn của bạn thông qua các cách biểu đạt sáng tạo. Bạn có thể viết thơ, kể chuyện, sáng tác nhạc hay vẽ gì đó. Bạn cũng có thể trút bỏ nỗi buồn bằng cách thức đầy tích cực và ý nghĩa, giả dụ như:

- Vẽ một bức tranh diễn tả tâm trạng của mình này.

- Nhạc buồn không hẳn khiến bạn buồn hơn. Nhiều người nói rằng họ cảm thấy năng lượng thay đổi sau khi nghe nhạc buồn, tâm trạng cũng vì thế mà tốt hơn.

4. Hãy nhớ lại cách bạn từng vượt qua nỗi buồn trong quá khứ

Điều quan trọng bạn phải nhận ra rằng, nỗi buồn, cũng như mọi cảm xúc khác, đều ngắn hạn. Cách tốt nhất để bạn có thể vượt qua nỗi buồn là nhớ lại những lần bạn cảm thấy buồn trước đây và cách thức bạn vượt qua nỗi buồn đó.

Hồi tưởng là cách tốt để giúp bạn tìm ra cách giải quyết nỗi buồn bởi vì đó là kinh nghiệm bạn từng có. Đôi khi, cách đơn giản bạn từng làm là gọi điện thoại cho bạn thân hay chơi với thú cưng.

5. Ghi lại nhật ký cảm xúc để tìm hiểu nguyên nhân và thay đổi

Việc bạn viết ra được những cảm xúc, suy nghĩ của mình là một cách hữu ích để xác định xem đâu là nguyên nhân cho nỗi buồn thường trực. Nhờ đó, bạn có thể bước tiếp và cảm thấy vui vẻ hơn. Nếu bạn nghĩ rằng nỗi buồn của bạn chỉ phụ thuộc vào tình huống cụ thể, hãy ghi lại hoàn cảnh, tình huống khiến bạn thấy buồn; ví dụ như vì công việc quá áp lực, tài chính khó khăn. Điều này có thể giúp bạn đưa ra những giải pháp để thay đổi tình hình.