Thời gian gần đây, cộng đồng Facebook đang rộn ràng hưởng ứng Chương trình góp 100 nghìn chữ A vì người tự kỷ. Những hình ảnh tập luyện thể thao được chia sẻ rộng khắp thể hiện tình cảm, sự quan tâm của cộng đồng đối với nhóm trẻ em cần được chăm sóc đặc biệt này.

Khi con chữ biết nói lời yêu thương

Chương trình đã tạo nên làn sóng tích cực khi kêu gọi cộng đồng đăng tải những bức ảnh thể hiện tinh thần lạc quan, lối sống lành mạnh. Mỗi bức hình được chia sẻ kèm 3 hashtag #Autism, #Awareness, #A365 sẽ được tặng 3 chữ A. Khi có đủ 100 nghìn chữ A, Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam (VAN) sẽ nhận được gói tài trợ trị giá 200 triệu đồng từ Dự án A365 để đào tạo online cho cha mẹ, giáo viên và người chăm sóc trẻ tự kỷ. Chỉ sau gần 1 tháng, chương trình đã nhận được sự ủng hộ của hàng trăm người tham gia.

Nhờ tham gia chương trình, nhiều gia đình và các bạn trẻ đã nhanh chóng nhận ra việc rèn luyện thân thể cho mình còn góp phần mang đến cuộc sống tươi đẹp cho các gia đình có con tự kỷ. Chương trình nhận được sự ủng hộ của nhiều KOLs như các cầu thủ U23 Việt Nam Phan Văn Biểu, Phạm Tùng Linh, Ngô Quốc Tùng, ca sỹ Thái Thùy Linh… Những chữ A đầy yêu thương từ cộng đồng đã thắp sáng lên niềm tin và hy vọng cho các gia đình có con tự kỷ.

 hình ảnh

hình ảnh

Sự quan tâm của cộng đồng với trẻ tự kỷ ngày càng được lan tỏa

Tại buổi tọa đàm Can thiệp không bạo lực đối với trẻ tự kỷ, do A365 tổ chức vào tháng 12/2019, gần 100 người tham dự đã lặng đi trước trải lòng của bà M.N., người có hai cháu nội  rối loạn tự kỷ. Bạo lực không ở đâu xa, mà đã xảy ra ngay trong gia đình bà, hai cháu bị chú ruột đánh tới mức cha mẹ phải đưa các cháu ra ở riêng. Bản thân bà đã tham gia vào rất nhiều các hội nhóm về quyền trẻ em, nhưng vẫn phải đặt ra một câu hỏi lớn cho cơ quan chức năng: Làm thế nào để tất cả mọi người được nâng cao nhận thức hơn về Quyền trẻ em, đặc biệt là với nhóm trẻ tự kỷ, trẻ rối loạn phát triển?

Với sứ mệnh đồng hành và hỗ trợ cha mẹ/người chăm sóc trẻ trong việc can thiệp tại nhà cho các trẻ tự kỷ và có rối loạn phát triển, suốt 4 năm qua, cán bộ dự án A365 và các đối tác không ngừng triển khai các sáng kiến, tạo ra sân chơi cho trẻ tự kỷ kết hợp nâng cao nhận thức cộng đồng.

Năm 2016, lần đầu tiên trẻ tự kỷ được tham gia “Ngày hội thể thao” quy mô toàn quốc. Sự kiện được tổ chức thường niên và thu hút hàng nghìn người tham gia, trong đó số người tự kỷ chiếm gần một nửa.

hình ảnh

Sự kiện Chủ nhật vui SunPlay, hè 2017 – do Rubic Collaborative thực hiện

Trong các năm tiếp theo, ngày hội của trẻ tự kỷ lúc nào cũng tràn ngập tinh thần tương thân tương ái với Chiến dịch 400+ tấm thiệp yêu thương mang hashtag #vaad4namdinh, Ngày hội âm nhạc “Tôi đã hiểu, còn bạn?” cùng sự tham gia của ca sỹ Thái Thùy Linh.

Năm nay, tuy chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng A365 cùng VAN vẫn nỗ lực phát động ủng hộ trẻ tự kỷ thông qua các kênh truyền thông online. Song song với chương trình 100 nghìn chữ A là Thắp đèn xanh lơ - Light It Up Blue (tên gọi tắt LIUB) tại các tòa nhà và công trình xây dựng lớn, với chữ A được sử dụng làm biểu tượng chiếu sáng. Ngày càng nhiều cơ quan, tổ chức xã hội, hội nhóm hưởng ứng mặc trang phục xanh lơ để đánh thức mối quan tâm của cộng đồng về tự kỷ.

Bên cạnh các hoạt động quy mô lớn, Dự án A365 cũng tổ chức tiếp cận nhóm đối tượng theo nhiều mô hình tập trung hơn như đào tạo, tập huấn, hội thảo; các chiến dịch truyền thông, sự kiện kết nối... dành cho cha mẹ và giáo viên chăm sóc trẻ tự kỷ ở các địa phương.

Đồng hành cùng trẻ khoa học, kiên trì, bản lĩnh và yêu thương

Đối với các chuyên gia của dự án A365, yêu thương đồng nghĩa với nỗ lực để các phương pháp hỗ trợ, đồng hành cùng trẻ được kiểm chứng bởi các cơ quan chức năng, công nhận về mặt pháp lý và được ứng dụng rộng rãi. Bởi chỉ có dựa trên các nghiên cứu, bằng chứng khoa học, các giải pháp chăm sóc, hỗ trợ mới có được sự tin tưởng của gia đình, bố mẹ - những người sẽ đi cùng trẻ suốt cuộc đời.

hình ảnh

Tọa đàm Can thiệp không bạo lực đối với trẻ tự kỷ

Ngày 18/02/2020, Bệnh viện Nhi Trung ương đã thẩm định Bộ công cụ sàng lọc - theo dõi phát triển toàn diện cho trẻ từ 01 đến 66 tháng tuổi ASQ-3, và bảng hỏi sàng lọc nguy cơ rối loạn tự kỷ MCHAT-R và MCHAT R/F. Đây là các bộ câu hỏi quy chuẩn được Hiệp hội nhi khoa Mỹ và các tổ chức uy tín trên thế giới khuyên dùng để theo dõi sự phát triển của trẻ và đánh giá sàng lọc tự kỷ qua các mốc thời gian nhất định. A365 đã chỉnh sửa, phát triển và chuyển sang tiếng Việt, cung cấp miễn phí trên websitehttps://a365.vn/theo-doi-phat-trien.

Ý kiến thẩm định của Bệnh viện sẽ là căn cứ để Bộ Y tế xem xét và đưa vào hướng dẫn để ngành y tế áp dụng bộ công cụ này trên toàn quốc. Thông tin này nhanh chóng nhận được hơn 1.000 lượt tương tác trên fanpage của A365 và VAN cho thấy sự quan tâm, chia sẻ rất lớn của cộng đồng đối với hoạt động của dự án.

MỘT TRĂM NGHÌN CHỮ A ỦNG HỘ NGƯỜI TỰ KỶ 

Chương trình được tổ chức với cách thức tham gia vô cùng đơn giản:


- Chụp hình một hoạt động thể thao rèn luyện sức khoẻ mà bạn và gia đình tham gia trong cuộc sống thường ngày (đi bộ, tập thể dục, tập các bài tập rèn luyện thể chất...), hoặc các hình ảnh vui tươi, tích cực.


- Post lên trang cá nhân ở chế độ public, và gắn 3 hashtag #autism, #awareness , #a365

Chỉ cần làm như vậy thôi, bạn đã góp 3 chữ A cho mỗi bức hình. Số lượng post không hạn chế. Bạn có thể post nhiều hoạt động hàng ngày và vận động bạn bè tham gia. Khi gom đủ 100 nghìn chữ A, nhà tài trợ sẽ tặng 200 triệu đồng để mở các lớp tập huấn phụ huynh.

Chương trình được khởi xướng từ tổ chức Vietnam Autism Network (VAN) - Mạng lưới Tự kỉ Việt Nam và A365 là đơn vị đồng hành.

A365 là dự án hỗ trợ phụ huynh ở Việt Nam một giải pháp tổng thể từ tầm soát tự kỷ lúc nhỏ, đến hướng dẫn can thiệp cho con tại nhà. A365 do một tập thể các nhà chuyên môn uy tín trong và ngoài nước được đào tạo bài bản về tự kỷ cùng các bậc phụ huynh có kinh nghiệm nuôi dạy con tự kỷ xây dựng.


Nguồn do CCIHP cung cấp