Ngoại tôi năm nay 72 tuổi, cái tuổi mà chúng tôi, những người con người cháu xa nhà , đêm ngủ vẫn để chuông điện thoại vì sợ những cuộc gọi nửa đêm từ quê nhà. Sợ lắm, thực sự rất sợ. Dù ngoại vẫn còn khỏe, vẫn còn tự chăm sóc được cho bản thân mình.

Ngoại tôi sống một mình nay đã hơn 30 năm. Vì ông ngoại tôi mất năm ngoại tôi 22 tuổi, khi đấy dì tôi lên ba, mẹ tôi còn nằm trong bụng. Ông ra đi vì bom đạn chiến tranh, để lại ngoại tôi với hai đứa con thơ mà một người đầy đủ gia đình còn vất vả. Vậy mà bằng cách nào, ngoại tôi nhất quyết một lòng với ông, không đi thêm bước nữa, vẫn có thể nuôi nấng dì và mẹ thành hai cô gái xinh đẹp nhất vùng.

Có phải vì sinh ra và nuôi nấng từ một người phụ nữ quá khí chất như vậy mà mẹ tôi cũng mạnh mẽ không ngừng. Ngoại tôi là một người phụ nữ vĩ đại, vĩ đại vì đã sinh ra và nuôi nấng mẹ tôi thành một người mẹ tuyệt vời.

Cả tuổi thơ của tôi gắn liền với ngoại, bà là sự chờ đợi ngọt ngào cho những ngày cuối tuần khi được nghỉ học, 3 chị em lại nài nỉ ba mẹ để được ngủ lại nhà bà, tranh nhau nằm cạnh để hít hà mùi hương tóc bồ kết.

Phải, đối với tôi ngoại là huyền thoại, huyền thoại của những bữa ăn ngon ăn nhiều đến bội thực. Huyền thoại của những câu chuyện cổ tích cùng chiếc quạt mo phây phất giữa trưa. Huyền thoại của gói mì tôm giấy chế rau ngót nóng hổi đêm tối lạnh. Tôi nhớ ngoại những đêm cõng tôi trên lưng đi họp tổ dân phố hay những hôm đợi mãi tiếng xe đạp lạch cạch cùng dáng người gầy nhom nhỏ bé của ngoại cùng những ổ bánh mì chỉ chang nước, những bịch chè đậu mát lạnh giữa trưa hè. Tất cả đều thơm ngon chẳng thua kém món đắt tiền nào. Nhiều khi bây giờ giữa bao món ngon nơi thành phố, ao ước tìm lại chút hương vị ngày xưa lại không thể nào tìm thấy.

Bây giờ chúng tôi lớn khôn, làm việc và sinh sống tại thành phố. Xa nhà, xa mùi vị quê hương khiến chúng tôi như càng khao khát nghĩ về gốc cội. Thèm lắm cảm giác cởi chiếc xe máy bon bon vượt đoạn đường hơn 100km về thăm ngoại bất ngờ. Cái dáng vẻ gầy nhom thoăn thoắt ấy đi thật nhanh ra ngỏ, đôi mắt ánh lên niềm vui khôn tả. Rồi cũng đôi mắt ấy, ngấn lệ tiễn chúng tôi đi. Đó là thứ day dứt nhất, là thứ chúng tôi sợ chứng kiến nhất. Cuộc sống này, đôi khi đẩy chúng ta đến những hoàn cảnh thức sự đáng thương vậy. Muốn yêu thương nhưng không thể kề cạnh. Muốn chăm sóc nhưng lại phải chia xa.

Ngoại đã như vậy, dành cả cuộc đời để sống vì con vì cháu, mọi thứ tốt đẹp đều nhường nhịn chỉ dành về cho mình những thiệt thòi. Lúc nào cũng bảo mình ổn, lúc nào cũng dúi những đồng tiền dành dụm vào tay con. Còn bản thân thì tiết kiệm chiu chắt. Ngoại ơi, cứ mãi sống cho chúng con rồi đến bao giờ ngoại mới sống cho mình ?

Rồi mẹ tôi cũng vậy, mẹ sống vì chúng tôi, gồng gánh hai tấm bằng đại học bốn năm trời. Mẹ chưa bao giờ than vãn, mẹ là người kiên trì, mạnh mẽ như ngoại vậy. Mẹ cho chúng tôi những gì tốt nhất. Vì thế mà chúng tôi nổ lực dành tặng mẹ tấm bằng giỏi và hãnh diện tự đi trên đôi chân của mình. Nhưng cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa làm được gì nhiều cho mẹ. Mẹ vẫn còn khổ, vẫn còn làm việc. Tôi vẫn chưa thể nói được câu : Mẹ nghỉ ngơi đi, đến lúc chúng con lo lắng cho mẹ rồi ...

Tôi là một đứa trẻ may mắn vì có một tuổi thơ đúng kiểu dữ dội, tôi may mắn vì tôi còn ngoại, còn mẹ. Những người phụ nữ đã dành cả cuộc đời cho chúng tôi. Lại thêm một 20.10 hạnh phúc. Chúc cho hai người phụ nữ yêu tôi nhất cuộc đời sẽ mãi mãi an vui, thật nhiều sức khỏe.

Cảm ơn ngoại vì ngoại đã vun vén tuổi thơ con trọn vẹn. Là nơi để con về sau những mệt mỏi, là bàn tay ấm áp nhất con muốn nắm chặt vào giấc mơ …

Và sau cùng,

CẢM ƠN NGOẠI ĐÃ MANG TẶNG CHO CHÚNG CON MỘT NGƯỜI MẸ TUYỆT VỜI !

hình ảnh
Mơ- 23h55 ngày 18/9/2020