Có lẽ vì những ngại ngần, người ta rất khó để nói ra lời yêu thương ai đó. Dù thân lắm, máu mủ của nhau và có khi gặp nhau mỗi ngày nhưng để nói ra mấy tiếng tỏ bày sao mà khó ghê. 

Nói với người còn cận kề mình đã khó, nói với người đã không còn hiện hữu trên đời còn khó hơn. Vì người ấy đã không còn nghe, không còn đọc được những dòng thế này nữa. Nhưng trong vô vàn con sóng tồn tại ở vũ trụ, mong rằng sóng yêu thương của tôi sẽ chạm được người bà đã mất 6 năm trước, để một lần được nói cho thỏa những yêu thương vốn được nén sâu trong lòng. 

Tuổi thơ tôi ít nhiều gắn liền với quê ngoại. Cái vùng đất cao, có đập thủy điện, bụi đỏ lúc nào cũng mù trời và nhà cửa thì lưa thưa cũ kỹ. Không siêu thị, quán xá nào cũng bị ám bụi đỏ và không người xe nhộn nhịp mỗi tối.

Quê ngoại trong tôi là gốc me to trước khoảng sân rộng nhưng sau này khoảng đất ấy đã bị bán đi. Hồi đó, cứ đến mùa gió là lá me rụng tơi tả. Ngoại và mợ tôi thường xách rổ ra gốc cây lụm me dốt để nấu canh chua. Mỗi lần tôi về là tụ tập với đám em họ ngồi dưới gốc me mát rượi, nói những câu chuyện mà bây giờ tôi đã quên béng, chỉ nhớ cảm giác trong tuổi thơ dịu ngọt lắm!

Rồi cả hàng dâm bụt nở hoa đỏ lè, cũng một phần do bị bụi đỏ bám vào. Tôi về là cứ vặt trụi lủi mấy cái bông để chơi nhà chòi, ngay cả đến mấy cái nụ dài dài cũng bị tôi trưng dụng làm lồng đèn. Bây giờ hàng dâm bụt ấy cũng không còn do nhà cửa cất mới lại, không gian dành cho cây cối cứ bị thu hẹp đến mất tăm, như chính tuổi thơ của tôi chỉ còn trong ký ức.

hình ảnh
Nhìn hàng hoa dâm bụt, nhớ hồi nhỏ ở quê ngoại quá. (Ảnh Internet)

Càng lớn, số lần tôi về ngoại cũng thưa dần, nhiều khi cả năm chỉ về đôi ba lần. Do học hành, do những trò vui ở phố làm tui quên mất gốc me hàng dâm bụt hồi đó, do những chần chừ.

Đến lúc ngoại bệnh, ung thư giai đoạn cuối. Tôi nhớ lần cuối mình gặp mặt ngoại là khi ngoại nằm một chỗ ở giường, không còn nói được và chỉ gật đầu hay ra dấu. Lần đó về, tôi thưa "Con về, chuẩn bị vào năm học mới rồi!". Ngoại không nói được, chỉ nhìn và gật. Cái nhìn đó, tôi nhớ mãi, vì là cái nhìn cuối cùng của ngoại dành cho tôi. 

Những ngày cuối năm 2013 ngoại yếu hẳn, thường phải thở bằng máy oxy và không ăn được gì nhiều, chỉ uống sữa. Dì H. chăm cho ngoại, gọi điện xuống thông báo tình hình mỗi ngày làm mẹ, dì và các cậu đều thấp thỏm. Ngày 1.1.2014, dì H. lại gọi, giọng nghèn nghẹn "Về đông đủ đi! Coi chừng yếu lắm rồi!". Mẹ và dì hai tôi vội vội chạy về, để tránh trường hợp xấu nhất có thể xảy ra. Tôi lúc đó cứ chần chừ "Con sắp thi!". Rồi ở lại!

Sáng 2.1.2014, lúc 7h15' sáng, mẹ gọi. "Mất rồi! Đêm qua, nhưng sợ mày không ngủ được nên không gọi"

Tôi quơ vài bộ quần áo, mớ tài liệu ôn thi, rồi đi thông báo với vài người que. Cuối cùng là bắt buýt về lại cái thị trấn mù mịt bụi đỏ ấy, chuẩn bị đối diện với màu khăn tang và sự mất mác. Suốt thời gian từ khi nghe mẹ thông báo và ngồi trên xe, tôi rất trống rỗng trong suy nghĩ. Cho đến lúc về đến ngoài đầu hẻm, thấy lá cờ tang màu đen nằm rũ trên cao thì rõ ràng là tôi phải chấp nhận "Ngoại mất!". 

Giờ nhớ lại, hồi đó tôi sợ nhất là mỗi lúc ngồi nghe đọc kinh. Khi đó, nhìn lên tấm hình của ngoại rồi nước mắt cứ chảy, câu kinh của mình khi ấy sao mà bất an, đẫm nỗi buồn quá. Tôi nhớ hồi nhỏ khoảnh khắc hạnh phúc nhất của mình là mỗi lần về ngoại, được nằm thảnh thơi đọc sách rồi nghe ngoại mở Cẩm Ly hát "Thương nhớ người dưng" trong đĩa. Rồi ăn món canh ưa thích do ngoại nấu, cả chè đậu xanh nữa. Tối đến, tắt đèn tối om và mở phim đĩa coi, có lúc là cải lương "Lan và Điệp". Ngoại cũng nằm coi với tôi nhưng chỉ chục phút sau là nghe tiếng ngáy khò trên giường. Mẹ và mấy dì tôi hay nói "Ngoại mày dễ ngủ lắm!"

Và lần này ngoại tôi cũng dễ ngủ thiệt. Nhưng không còn như hàng vạn giấc ngủ đã từng trước đó. 

Tôi từng đọc trong một quyển sách hướng dẫn xoa dịu nỗi đau mất mát, trong đó có một lời dặn: Hãy nghĩ về người thân đã mất qua những ký ức, kỷ niệm vui. Tôi cũng dặn lòng, mỗi khi nghĩ về ngoại hãy nhớ đến cảm giác đẹp đẽ, bình yên khi ngồi trên yên sau của chiếc xe đạp và ngoại chở ra bến xe về lại thành phố. Tôi cũng dặn lòng, hãy nghĩ đến món bánh canh bột xắt ngoại nấu ngon ơi là ngon. Rồi nghĩ về gốc me êm đềm, hàng dâm bụt tuổi thơ dù chỉ còn là ký ức. 

Ngoại mất, quả là “nhà trên bếp dưới vắng tanh”. Những ngày lễ, giỗ hay tết, mẹ và các dì các cậu vẫn tề tựu đông đủ nhưng niềm vui đã khuyết đi vì không còn ngoại. Bao lì xì cũng rút lại một cái đặc biệt, vốn dĩ trước đây được dành cho ngoại. Không ai nói ra nhưng trong lòng đều cảm nhận rõ rệt cảm giác mất mát và cố ém đi, giấu lại. 

Giờ đây, mỗi lần về ngoại, thắp nén nhang lên bàn thờ, tôi dành vài phút nghĩ về những ký ức mơn man êm dịu. Trong bộ phim hoạt hình Coco, những ai đã mất sẽ vĩnh viễn tan biến thành tro bụi nếu người thân không còn tưởng nhớ đến họ. Lần ấy, xem xong bộ phim, tôi dặn lòng không bao giờ quên mất người phụ nữ đậm người, tóc ngắn, miệng luôn cười hịch hịch với con cháu và ngủ ngáy rất to, rất rõ.