Làm mẹ của một em bé giống như đọc một quyển sách cực kỳ hay. Nửa muốn ngâm nga nhấm nháp từng trang, từng dòng, vừa đọc vừa sợ hết, nửa muốn ăn gian lật nhanh đến trang cuối để xem kết cục. Thỉnh thoảng, khi hai mẹ con nhìn vào mắt nhau, hoặc mình bế con đứng trước gương và hai mẹ con cùng nhìn hình ảnh phản chiếu, trong đầu mình lại thoáng câu hỏi: “Con sẽ trở thành người thế nào? Nếu là hai người xa lạ, gặp nhau ở một buổi liên hoan, liệu chúng ta có nói chuyện hợp với nhau, có thể trở thành bạn bè?” Câu hỏi đó, dĩ nhiên bây giờ không thể trả lời được. Ngày con còn trong bụng mẹ, mình cũng hay hỏi chồng: “Không biết sự kết hợp của anh với em sẽ tạo ra một em bé thế nào?” Bây giờ, ngày ngày ngắm con mũm mĩm đáng yêu, cả mình và anh đều hỉ hả với sự kết hợp ấy lắm. Nhưng không giống đọc một quyển sách, mình không thể tua nhanh cuộc đời của con bằng cách lật đến trang cuối để thỏa mãn sự tò mò của mình, câu trả lời thì không thể biết trước, chỉ có thể hồi hộp chờ đợi.

Thật ra, nếu so sánh con với một quyển sách, thì mình cũng không phải chỉ là một người đọc. Mình là một trong những nhân vật xuất hiện đầu tiên và có ảnh hưởng nhiều nhất đến nhân vật chính. Nhưng mình cũng không phải là người viết nên quyển sách đó, không có quyền năng một tay vẽ lên thế giới trong sách như cách một tác giả có thể làm. Có rất nhiều yếu tố, sự kiện, con người, lựa chọn trong cuộc đời con sẽ vượt khỏi khả năng kiểm soát, thậm chí hiểu biết của mình.

Vừa là nhân vật, vừa là người đọc, mình có tác động nhiều đến cốt truyện, nhưng không phải muốn xoay vần ra sao cũng được. Mình háo hức muốn biết người mà con sẽ trở thành, nhưng cũng bịn rịn muốn níu giữ từng khoảnh khắc con còn bé. Những sự đối nghịch ấy khiến cho việc làm mẹ lạ lùng hơn bất cứ vai trò nào mình từng trải qua.

Có nhiều người hay nói với mình về việc sợ con bám. Bà ngoại của con là một trong số đó. Nỗi sợ con bám mẹ có vẻ như là một lo ngại phổ biến và thường trực của các bà mẹ có con nhỏ. Dĩ nhiên, có nhiều lúc mình mệt mỏi đến phát bực. Nhưng những lần như thế chỉ đếm trong đầu ngón tay. Nhìn đôi mắt trong veo của con, cánh tay vươn ra muốn với tới mẹ của con, cái đầu dụi dụi vào ngực mẹ muốn tìm hơi ấm quen thuộc của con, và cảm giác rằng người này cần mình, yêu mình, muốn ở cạnh mình, và chỉ sự có mặt của mình mới làm người đó yên tâm, làm sao có thể không mủi lòng?

Trước khi gặp con, mình đã nghĩ chỉ có những chú chó mới có thể yêu mình vô điều kiện như thế.

Thời gian con cần mẹ và chỉ mẹ mà thôi sẽ không kéo dài. Từ 6 tháng đến 1 năm là cao trào của việc bám mẹ, bởi vì đó cũng là khoảng thời gian con nhận thức rằng mình và mẹ là hai cơ thể tách biệt. Thử nghĩ xem, toàn bộ sự tồn tại của con, chỉ có mẹ là quen thuộc nhất. Khi con hình thành, con và mẹ là một. Khi con ra đời, mẹ là nguồn thức ăn, là sự an toàn, là tất cả những gì con biết về thế giới. Chỉ khoảng tuổi rưỡi, con sẽ bắt đầu quen với sự thật rằng mình là một cơ thể độc lập.

Thỉnh thoảng, mình cũng nghĩ, thật may là các em bé không có trí nhớ dài hạn, vì nếu có, chắc hẳn con đã căm thù mình vì hay bị mẹ đè ra để hút mũi, rửa mặt, những việc mà con rất ghét. Vừa kêu khóc om sòm, nước mắt dàn giụa vì bị hút mũi, được mẹ bế lên là con lại vui vẻ, yêu mẹ ngay. Tình yêu và sự bao dung của một em bé, chắc những người lớn khó mà bì được.

Có nhiều người nói họ muốn con phải hạnh phúc, con phải thành công, con phải vượt trôi. Mình nghĩ tất cả những điều đó đều chẳng có gì đảm bảo, vì hạnh phúc và thành công của người này không giống người khác. Điều mình tự hứa với bản thân đơn giản hơn thế nhiều. Mình sẽ nỗ lực hết sức để con có được một cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc.