‘Sao em mãi không ra thế hả mẹ?’ Đó là câu nói con được nghe nhiều nhất từ người chị hơn 4 tuổi. Đó cũng là câu nói mà chị hỏi nhiều nhất vì con… bướng quá, mãi chẳng chịu ra. Mẹ nói, ngày sinh con mẹ lên trạm xá từ sáng sớm, em bé nhà người ta cứ lần lượt ra đời. Còn con… mãi chẳng chịu ra. Bố bảo tại con thích sự ấm áp trong bụng mẹ.

Ngày con ra đời bố mang theo hy vọng mẹ sinh ra một ‘thằng cu’ vì nhà mình đã có tới 3 ‘nàng tiên’ rồi. Ấy thế mà cái đứa bé đen nhẻm ấy lại là một ‘con tẹt’. Và vì là con gái nên cái tên mà bố mẹ đã chuẩn bị trước chẳng thể dùng được. Bố bảo, con sinh vào ban đêm nên bố lấy luôn tên của cây hoa quỳnh trước nhà đặt cho con. Năm ấy… bố 40 tuổi.

Năm bố 50 tuổi, con lên 10. Mặc dù là con gái nhưng bố vẫn nuôi con như một đứa con trai. Bố cho con mặc đồ cầu thủ bóng đá, cắt tóc như con trai. Bố dạy con phải thật mạnh mẽ. Trong ký ức của con, con chẳng chơi búp bê hay những trò mà bọn con gái hay chơi. Thay vào đó, con chơi với bóng, chơi trò xây nhà, bắn bi, leo tường với tụi con trai trong xóm. Và con quả thực không… phụ lòng bố khi thân là nữ nhi nhưng mấy trò nhảy qua bàn đánh nhau con… đều biết.

Những năm tháng ấy cứ trôi đi, con dần lớn lên và bố dần già đi. Thế nhưng con chẳng hề nhận ra rằng tóc bố đã có sợi bạc. Bố vẫn ngày ngày nai lưng ra làm kiếm tiền nuôi con ăn học. Năm ấy, con đỗ đại học, rời xa lũy tre làng ra Hà Nội học. Con mãi chẳng thể quên ngày con biết kết quả lại đúng vào ngày chị con làm lễ ăn hỏi. Bố với một chút men rượu đã ôm con thật chặt vào lòng và nói ‘con gái của bố…’ Đó là lần đầu tiên con nhìn thấy người đàn ông vốn mạnh mẽ, ít nói, chưa bao giờ rơi lệ lại nghẹn ngào tới thế. Con chợt hiểu ra, bố chẳng phải là siêu nhân, anh hùng trong những bộ phim con đã xem. Bố là bố của con – người đàn ông làm từ da từ thịt, có đầy đủ các cung bậc cảm xúc, chỉ là bố chẳng thể hiện ra mà thôi.

hình ảnh

Ngày ấy, con rời xa vòng tay của bố mẹ, đi khỏi lũy tre làng nơi con vô tư lớn lên. Con đi rồi mang theo sự tò mò với chân trời mới và mang theo cả tình yêu, hy vọng của bố mẹ nữa. Với con, Hà Nội là chân trời mới nơi con được thoải mái vẫy vùng mà chẳng phải chịu sự quản lý của bố mẹ. Còn với bố mẹ, đó là chốn đô thành xa hoa, nơi đầy rẫy thị phi và cám dỗ. Bố mẹ lo lắng, sợ hãi con chẳng thể chịu đựng được mà sa chân vào. Còn con… cứ mãi vui với sự tự do ấy mà quên đi nỗi vất vả, nhọc nhằn của bố mẹ.

Năm bố 60, con vừa tròn 20. Năm ấy, những người bằng tuổi bố mẹ đã có con cháu đầy đàn, ngồi hưởng phúc tuổi già. Còn bố mẹ vẫn phải nai lưng ra đi làm, chắt chiu từng đồng nuôi con ăn học. Thế mà con chỉ cần gọi điện về, bố mẹ sẽ ngay lập tức lo liệu tiền bạc gửi cho con. Bố mẹ ‘thắt lưng buộc bụng’, ‘ăn chẳng dám ăn mặc chẳng dám mặc’ nhưng chưa bao giờ gửi chậm tiền cho con, dù chỉ một ngày. Con mãi chẳng biết bố mẹ từng khổ cực thế nào, lo lắng ra sao. Bởi vì những ngày ấy con còn bận chơi bời, đi hết nơi này tới nơi khác cùng bạn bè, mặc kệ sự vất vả của bố.

Ngày ấy, nhìn bạn bè dần sa ngã vào những cuộc vui, còn con vẫn thờ ơ đứng ngoài. Lúc này, con mới hiểu, con đủ mạnh mẽ, cứng cỏi chống lại cám dỗ là nhờ những ngày thơ bé bố đã nghiêm khắc với con. Khi ấy, bố chẳng bao giờ cho con tham gia tiệc tùng quá lâu với bạn bè. Bố cũng chẳng bao giờ cho con đi chơi tối. Giờ giới nghiêm của bố luôn là 8h tối. Con đã từng đôi lần trách móc, thậm chí là ghét bố vì bố quản con quá nhiều, con chẳng được thoải mái như bạn bè đồng trang lứa. Đến giờ con mới hiểu bố đã khổ tâm thế nào để nuôi dạy một đứa con gái cứng đầu cứng cổ như con.

Con cứ mãi sống cuộc sống vô tâm như thế cho tới ngày con nhận được tin bố bệnh. Thế nhưng tin ấy lại chẳng phải là từ miệng bố nói. Bố… vẫn cứ mãi thích ‘nói dối’ con như thế. Ngày ấy, con khóc như mưa gọi về, bố vẫn bảo ‘bố khỏe lắm, bố không sao, con gái bố cứ yên tâm công tác’. Con lúc này mới giật mình sợ hãi, con sợ rồi một mai bố sẽ rời xa con mà đi.

Đến giờ này khi con gái của bố đã sang tuổi 27 nhưng với bố, con vẫn mãi mãi là cô con gái nhỏ cần sự yêu thương và bao bọc từ bố. Có đôi lần con vấp ngã, quá mệt mỏi, bố chỉ bảo ‘về nhà với bố’. Không một câu trách mắng cũng chẳng một lời tra hỏi nguyên nhân, bố cứ nhẹ nhàng yêu thương con gái của bố theo cách riêng của mình.

Bố của con chẳng phải là người hoàn hảo. Bố chẳng đẹp nhất, chiều cao hơi bị ‘khiêm tốn’ tính tình cũng chẳng dễ hịu lúc nào. Thế nhưng, với con, bố luôn là người đàn ông dịu dàng, nhẫn nại, chuẩn soái ca của lòng con. Đúng là bố chẳng phải người hoàn hảo nhưng lại luôn yêu thương con theo cách hoàn hảo nhất.

Con thật may mắn và hạnh phúc khi trong quá trình trưởng thành của con luôn có hình bóng của bố ở bên cạnh. Trong mắt bố, con dù lớn tới mấy cũng vẫn mãi chỉ là cô con gái nhỏ cần sự yêu thương, bao bọc, chở che của bố. Cuộc sống này có rất nhiều chông gai nhưng với con chẳng có gì khó cả. Bởi vì con vẫn luôn có điểm tựa vững chắc nhất là bố bên con suốt cuộc đời này. Con thầm cảm ơn cuộc đời vì đã cho con được là con của bố. 

Giờ này con chẳng mong gì cả chỉ mong bố có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục đồng hành cùng con gái của bố trên những chặng đường tiếp theo. Con yêu bố