Ngày xưa khi còn bé, năm nào mình cũng được đón Trung Thu với những chiếc lồng đèn lon do tự tay Ba mình làm cho. Và khi lớn lên không khí Trung Thu đó được thay thế bằng những chiếc bánh trung thu do tự tay mình làm cho Ba Mẹ. Bánh Trung thu ngày nay thật đa dạng và nhiều hương vị nhưng gia đình mình luôn thưởng thức những chiếc bánh Trung Thu truyền thống ấm áp tình thân.


Quá trình làm ra 1 chiếc bánh trung thu thật không đơn giản, để cái bánh có màu đẹp bạn phải nấu nước đường trước cả năm thì khi dùng nước đường đó nhồi vỏ bánh, vỏ bánh sẽ lên màu rất đẹp.


Cách nấu nước đường:


- 1 kg đường vàng hoặc đỏ( đường đỏ thì nấu nước đường ra màu rất đẹp nhưng đường đỏ bây giờ hình như người ta trộn màu để cho ra đường màu đỏ thì phải vì khi mua đường đỏ về nấu nước đường mình thấy bịch đựng đường dính toàn màu đỏ luôn cả cái bịch nên về sau mình chỉ mua đường vàng về nấu cho chắc ăn)


- 600ml nước.


- 1 thìa mạch nha (30g).


- Nước cốt của 1 trái chanh.


- 1 muỗng cà phê nước tro tàu.


Cho nước và đường cho vào nồi, khuấy cho tan bớt đường rồi bắc lên bếp nấu. Khi nước còn đang ấm, khuấy cho tan hết phần đường chưa tan. Đến khi nước đường sôi thì không được khuấy nước đường nữa (nếu khuấy thì sẽ bị lại đường). Hạ nhỏ lửa, đun liu riu khoảng 20 phút thì cho từ từ nước cốt chanh và mạch nha vào, nhớ là vẫn không khuấy lên nha, đun tiếp 15 phút nữa. Hòa tan nước tro tàu với 1 ít nước rồi cho vào nồi nước đường đang sôi. Đun tiếp 5 phút nữa thì tắt bếp, để nguội và đổ vào 1 cái lọ thật sạch. Nước đường nấu càng lâu thì màu càng sậm, lúc làm bánh vỏ sẽ lên màu sậm đẹp. Tốt hơn nên nấu nước đường trước 1 năm và bảo quản thật kỷ nước đường sao cho nước đường vẫn trong veo và không mốc là được. Nếu không có điều kiện thì nước đường nấu trước khoảng 1 tháng cũng có thể dùng được.


Chuẩn bị vỏ bánh: (Với số lượng NPL như bên dưới có thể được khỏang 500gr vỏ bánh)


- 350gr bột mỳ.


- 200gr nước đường đã nấu.


- 50ml dầu ăn.


- 1/4 muỗng cafê bột nổi ( baking soda)


- 1 muỗng cafê nước tro tàu.


- 1 ít ngủ vị hương.


- Cho lần lượt hỗn hợp nước đường, dầu ăn, bột nổi, nước tro tàu và ngủ vị hương vào tô trộn đều với nhau, để hỗn hợp nghỉ ít nhất là 4 tiếng trước khi nhồi vỏ bánh .


- Sau khi hỗn hợp nước đường nghỉ 4 tiếng, cho từ từ hỗn hợp nước đường vào 300g bột mỳ, trộn đều cho đến khi thành 1 khối dẻo mịn là được. Để bột đã trộn vào nơi kín gió, nghỉ 30 phút trước khi đóng bánh. Chừa lại 50gr bột mì để áo bột và phủ khuôn bánh.



Nhân bánh thập cẩm


- 150gr hạt điều


- 120gr vừng trắng


- 120gr hạt dưa bóc vỏ


- 150gr lạp xường loại ngon


- 150gr mứt bí


- 150gr mứt sen


- 150gr mứt chanh, tắc


- 150gr mứt gừng đỏ


- 100gr mỡ, 3 muỗng cafê đường


- 150gr thịt xá xíu


- Trứng muối


- Vài lá chanh, dầu mè


- Cách làm mỡ đường:


100gr mỡ luộc khoảng 3 phút, vớt để ráo nước xắt hạt lựu, rồi trộn với 2-3 muỗng cafê đường, xóc đều cho ngấm. Phơi hh mỡ đường ngoài nắng hoặc để hỗn hợp nơi có gió để phơi cho mỡ đường trong lại là được. Nên làm mỡ đường trước 1 ngày.


- Cách làm nước sốt trộn nhân:


- 50gr đường xay


- 50gr nước lọc


- 1 muỗng cafê hắc xì dầu


- 10ml dầu mè


- 20ml rượu mai quế lộ hoặc rượu trắng loại ngon


- 50gr bột bánh dẻo


- 30ml mật ngô



Trộn đều hh trên (trừ bột bánh dẻo) với nhau ta có sốt trộn nhân.


- Cách làm nhân


- Mứt chanh, tắc, gừng, bí, sen, xắt nhỏ như hạt lựu.


- Lạp xưởng, xá xíu xắt nhỏ, lá chanh thái sợi nhuyễn.


- Hạt đều xắt nhỏ, rang vàng hạt đều, vừng và hạt dưa.


- Trứng muối rửa sạch lấy lòng đỏ ngâm rượu mai quế lộ khoảng 15', vớt ra để ráo cho vào 1 ít dầu mè rồi hấp chín.



- Cho tất cả các nguyên liệu vào thau sạch trộn đều. Cho từ từ hỗn hợp nước sốt đã trộn ở trên vào. Sau đó cho từng muỗng bột bánh dẻo vào, vừa cho vừa trộn đều. Thử nắm xem các nguyên liệu có kết dính được với nhau chưa, nếu rời rạc thì cho thêm rượu hoặc mật ngô. Nếu ướt quá thì cho thêm bột bánh dẻo. Khi các nguyên liệu có thể nắm chắc lại thành 1 khối là được. Cân nhân tùy theo khối lượng bánh bạn muốn làm theo tỷ lệ 1 vỏ - 2 nhân, sau đó cho hỗn hợp nhân đã cân vào tấm bao ny lông, trải mỏng và cho trứng muối vào giữa, gói lại vắt tròn và chắc lại (nếu trong quá trình vắt nhân bạn không làm chắc viên nhân thì khi cắt bánh ra nhân sẽ rời rạc không thể cắt được.)


Chuẩn bị hỗn hợp trứng để phết bánh khi nướng:


- 1 lòng đỏ trứng


- 1 chút xíu nước, dầu .


- 1 chút xíu nước màu hay nước đường vỏ bánh.


- Hòa tan hỗn hợp trên chúng ta có nước phết vỏ bánh.



- Sau khi đã chuẩn bị nhân và vỏ bánh, chúng ta bắt đầu đóng bánh.


- Vỏ bánh cân với tỷ lệ 1:2, tức là 1 phần vỏ bánh thì 2 phần nhân bánh. Ví dụ, với bánh 150gr thì vỏ bánh sẽ là 50gr và nhân bánh là 100gr.


- Chuẩn bị khuôn, rắc bột áo vào lòng và thành khuôn bánh


- Thoa bột đều vào tay cho đứng dính , lấy từng cục bột vỏ bánh, cán mỏng khoảng 2-3mm. Cho từng viên nhân bánh vào giữa, vừa cho vừa vê tròn sao cho vỏ bánh ôm khít nhân bánh.


- Cho bánh vào trong khuôn bánh. Dùng mu bàn tay (đừng dùng ngón tay) ấn cho thật kĩ để bánh có độ sắc nét ở mặt bánh.


- Chuẩn bị khay đã lót giấy nến. Gõ nhẹ khuôn bánh cho bánh rơi nhẹ ra khỏi khuôn và đặt vào khay, dùng tăm xăm khoảng 5 lỗ nhỏ để bánh "thở". Xếp bánh cho có khoảng cách hơi rộng để bánh khi nướng vàng đều.


- Chuẩn bị nướng bánh:


- Bật lò 200độ C trước khi nướng 10 phút


- Bánh sau khi đóng thành hình cho ngay vào lò nướng đã bật sẵn, nướng bánh khoảng 5 phút để bánh vừa chín đục, se mặt thì cho bánh ra ngoài.


- Xịt nước cho bánh nguội bớt.(bạn dùng bình tưới hoa chỉnh ở mức phun sương là tốt nhất)


- Bề mặt bánh khô lại thì phết hỗn hợp trứng đã chuẩn bị sẵn lên. Dùng chổi nhỏ, sợi lông mảnh phết 1 lượt đều và nhẹ tay rồi thôi, không phết nhiều sẽ để lại những bong bóng li ti của trứng.


- Để nghỉ khoảng 10 phút cho bánh nguội bớt rồi lại cho vào lò, nướng thêm 5-7 phút nữa.


- Bỏ khay bánh ra ngoài để bánh giảm sức nóng và tiếp tục xịt nước và phết trứng lần 2 như lần 1.


- Cho bánh vào lò 1 lần nữa, nướng thêm khoảng 10 phút cho bánh hanh vàng mặt là lấy ra được.



- Sau khi nướng xong cho bánh ra khay có trải sẵn giấy hút dầu. Bánh ra lò vẫn còn cứng, để bánh khoảng 2 ngày bánh sẽ mềm và xuống màu đẹp rất đẹp.


- Với các bé thì hương vị bánh trung thu truyền thống không thể nào hấp dẫn các con nên mình dùng xúc xích và phô mai để làm nhân cho các chú heo xinh xắn, kết quả là con gái cầm cả con heo và ăn ngấu nghiến.


- Với 1 số bạn sẽ không thích ăn bánh thập cẩm thì có thể dùng đậu xanh, mứt bí, hạt sen để làm bánh nhân đậu xanh.


- Ngoài bánh Trung Thu thì Bánh Dẻo cũng là món bánh không thể thiếu trong ngày tết Trung Thu. Bánh mình làm ở nhà có lẻ sẽ không ngon và đẹp như bánh ngoài tiệm nhưng tấm lòng của mình gửi đến Ba Mẹ trong dịp Tết Trung Thu nó đẹp và sáng như trăng ngày rằm Trung Thu.