Thiếu máu là tình trạng giảm số lượng tế bào máu hoặc số lượng huyết sắc tố ở máu ngoại vi, gây ra bởi nhiều nguyên nhân. Tùy vào nguyên nhân mà có những cách điều trị, cải thiện khác nhau. Để tìm hiểu về rõ hơn về tình trạng thiếu máu, mời các bạn theo dõi bài viết sau!

hình ảnh

1. Định nghĩa

Thiếu máu là sự giảm số lượng hồng cầu hoặc số lượng huyết sắc tố ở máu ngoại vi, khiến cho máu giảm khả năng vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng để cung cấp cho các mô, tế bào trong cơ thể.

Một người được coi là thiếu máu khi nồng độ huyết sắc tố trong máu thấp hơn so với người cùng giới, cùng lứa tuổi, cùng một môi trường sống, cũng như thấp hơn so với nồng độ sinh lý bình thường ở người đó. Ở nam giới, thiếu máu thường được định nghĩa là lượng hemoglobin dưới 13,5 gam/100 ml và ở phụ nữ là lượng hemoglobin dưới 12,0 gam/100 ml.

Tuổi thọ bình thường của một tế bào hồng cầu là khoảng 110 – 120 ngày. Tế bào hồng cầu được tạo ra trong tủy xương. Bất kỳ nguyên nhân nào phá vỡ tuổi thọ bình thường của tế bào hồng cầu đều có thể gây thiếu máu.

2. Phân loại thiếu máu

Thiếu máu được phân loại theo cơ chế bệnh sinh gồm 3 nhóm chính: thiếu máu do mất máu, thiếu máu do tan máu và thiếu máu do rối loạn chức phận tạo máu.

2.1. Thiếu máu do mất máu:

Đây là tình trạng máu bị mất ra ngoài nhanh hơn mức cơ thể có thể tái tạo. Có 2 loại:

  • Mất máu cấp tính. Thường gặp khi bị thương, phẫu thuật, tai biến sản khoa… Khi đó, cơ thể phản ứng bằng cách co mạch, tăng nhịp tim, phân phối lại máu, tăng cường hô hấp… để điều chỉnh (với trường hợp mất dưới 10 % thể tích máu). Nhưng nếu mất máu nhiều hơn (30 – 40 % thể tích máu) sẽ gây ra tình trạng sốc mất máu.
  • Mất máu mạn tính. Đây là tình trạng mất máu từng ít một, âm ỉ, kéo dài, thường gặp trong các bệnh giun móc, rong kinh, xuất huyết chảy máu tiêu hóa… Trường hợp này, máu bị mất ra ngoài nhưng tủy xương có thời gian tăng sinh hồng cầu để bù đắp lượng máu đã mất và tạo nên một cân bằng mới kém bền vững.

2.2. Thiếu máu do vỡ hồng cầu (hay thiếu máu tan máu):

Vì một số lý do, hồng cầu vỡ sớm hơn bình thường và giải phóng ra các chất vào lòng mạch. Có 2 loại:

a. Thiếu máu do bệnh lý của bản thân hồng cầu:

Thiếu máu ở nhóm này đa phần do bẩm sinh, có thể bởi

  • Tổn thương màng hồng cầu (trong bệnh hồng cầu hình tròn, bệnh hồng cầu hình bầu dục)
  • Rối loạn Hb (như bệnh Thalassemie, bệnh Hb niệu về đêm…)
  • Thiếu men hồng cầu (như thiếu men G6PD, thiếu pyruvatkinase…)

b. Thiếu máu do nguyên nhân ngoài hồng cầu:

Trong nhóm này, hồng cầu bình thường nhưng trong huyết tương có các yếu tố làm hồng cầu dễ vỡ như kháng thể, chất độc, vi sinh vật (như ký sinh trùng, vi khuẩn, virus…), cường lách do yếu tố tự miễn.

2.3. Thiếu máu do rối loạn chức phận tạo máu:

Quá trình tạo máu cần sự có mặt của sắt, protein, vitamin, các yếu tố vi lượng khác. Khi có sự rối loạn của các yếu tố trên đều gây ra thiếu máu. Bên cạnh đó, do tủy xương là cơ quan tạo máu của cơ thể nên các bệnh lý liên quan đến tủy xương có thể gây thiếu máu. Điển hình như suy tủy xương, rối loạn sinh tủy hoặc ung thư máu. Ngoài ra, nguyên nhân cũng có thể do chế độ ăn uống thiếu những chất dinh dưỡng cần thiết cho việc tạo máu. Trong nhóm này có các loại phổ biến sau:

a. Thiếu máu do thiếu sắt: gặp phải do những nguyên nhân như:

  • Do cung cấp không đủ: khi áp dụng các chế độ ăn kiêng, chế độ ăn nghèo chất dinh dưỡng,…
  • Do các bệnh đường tiêu hóa khiến sắt không được hấp thu. Ví dụ như khi viêm ruột, viêm dạ dày, cắt đoạn ruột, dạ dày…
  • Do rối loạn chuyển hóa sắt gây thiểu năng gan, tuyến giáp…
  • Do chảy máu gây mất máu và mất sắt.

b. Thiếu máu do thiếu axit folic và vitamin B12 (thiếu máu Biermer). Thường do những nguyên nhân sau:

  • Cắt đoạn dạ dày.
  • Cắt đoạn ruột hay bệnh đường ruột.
  • Có kháng thể kháng GMP.
  • Dùng nhiều thuốc ức chế sử dụng axit folic và B12 như: thuốc chống sốt rét, chống K, neomycine…

c. Thiếu máu bất sản:

Đây là tình trạng suy tủy xương hoàn toàn. Kết quả là, trong máu không đủ số lượng tế bào hồng cầu, cũng như bạch cầu và tiểu cầu. Nguyên nhân của thiếu máu bất sản bao gồm:

  • Tiếp xúc mãn tính với hóa chất độc hại
  • Điều trị ung thư (xạ trị, hóa trị).
  • Nhiễm trùng
  • Thuốc (ví dụ, chloramhenicol, carbamazepin, phenytoin).
  • Hội chứng thần kinh đệm
  • Di truyền

Như vậy thiếu máu gồm 3 loại chính:

  • Thiếu máu do mất máu
  • Thiếu máu do tan máu
  • Thiếu máu do rối loạn chức phận tạo máu.

3. Những dấu hiệu thiếu máu bạn không thể bỏ qua

Tùy vào nguyên nhân, người bệnh có thể gặp những triệu chứng khác nhau.

3.1. Triệu chứng thông thường

Những triệu chứng phổ biến mà bệnh nhân thường gặp phải là: thường xuyên mệt mỏi, cảm thấy yếu sức, khó thở, tim đập nhanh, da xanh xao, nhức đầu và tay chân lạnh.

a. Mệt mỏi:

Đây là triệu chứng phổ biến nhất của bệnh. Nguyên nhân do cơ thể không cung cấp đủ oxy cho các tế bào, khiến bạn thiếu năng lượng và mệt mỏi.

b. Khó thở:

Với hầu hết những người khỏe mạnh, lượng oxy dồi dào sẽ tới tim, cơ và các cơ quan trong cơ thể. Tuy nhiên, khi thiếu máu, phổi của bạn cần phải bù lại lượng oxy đã giảm. Vì thế có thể dẫn đến các vấn đề hô hấp như khó thở (không đỡ ngay cả khi nghỉ ngơi). Thậm chí có khi kèm theo các triệu chứng như:

  • Cảm giác tức ngực.
  • Nhu cầu thở nhiều hơn hoặc nhanh hơn bình thường.
  • Cảm giác như cơ thể không nhận đủ oxy một cách nhanh chóng

Xem thêm: Thiếu máu: Nguyên nhân, hậu quả và giải pháp - FHI