Hăm tã (hay còn gọi là viêm da tã kích ứng) là một tình trạng thường xuất hiện ở trẻ sơ sinh, gây khó chịu cho các bé cũng như mang đến phiền muộn cho các ông bố bà mẹ chúng ta. Mặc dù hăm tã không quá khó để nhận biết và điều trị, nhưng nếu không xử lí cẩn thận thì chính tã lót có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của hăm tã, hình thành nên chứng viêm da tiết bã, vẩy nến và viêm da dị ứng.

Dấu hiệu nhận biết bé bị hăm tã

Hăm tã thường biểu hiện bằng sự xuất hiện phát ban đỏ trên bìu, dương vật ở bé trai và trên môi âm hộ, âm đạo ở bé gái. Một số bé bị nặng còn đóng vảy, phồng rộp, loét, vết sưng lớn, mụn nhọt hoặc vết loét có mủ. Các khu vực này thường khiến bé bị ngứa ngáy, và ba mẹ có thể thấy con khó chịu khi bị chạm vào các vùng này. 

Trong một số trường hợp nếu da bị đỏ rộp, có nốt ban đỏ to, hay có các nốt mụn nhỏ màu đỏ ở rìa ngoài của khu vực bị ảnh hưởng, hoặc nếu bé khóc dữ dội khi nước tiểu chạm vào da, thì có khả năng bé đã bị nhiễm nấm Candida và vụ này thì các bố mẹ bắt buộc phải đưa bác sĩ da liễu khám luôn nhé chứ không ở nhà khổ con thêm.

Cách điều trị hăm tã 

1. Giữ vùng quấn tã sạch sẽ và khô ráo

Đầu tiên là các bố mẹ cần tắm cho bé mỗi ngày. Lưu ý sử dụng nước ấm với xà phòng nhẹ, không có chất tạo mùi nhé. Lí tưởng là sữa tắm có độ pH 4.5-5.5.

Tùy thuộc vào độ thấm hút và trữ nước của loại tã có thể duy trì đóng một tã khoảng 2-4 giờ. Nếu bé đi nặng thì các bố các mẹ cần thay ngay lập tức, rửa sạch sẽ và lau khô ráo cho bé. Nếu bé đang có dấu hiệu bị hăm tã thì bố mẹ cần thường xuyên thay tã hơn, kể cả phải thức dậy vào ban đêm để thay. 

Sau khi làm sạch vùng quấn tã và lau thật khô, các bố các mẹ nên thoa thuốc hăm cho bé. Hiện nay có nhiều loại sản phẩm chống hăm có tác dụng bảo vệ da dưới dạng cream, paste hoặc ointment. Tùy vào loại sản phẩm, có những sản phẩm rất bám dính và khó làm rửa trôi. Nếu lần thay tã tiếp theo cần bỏ đi lớp sản phẩm này để thoa lớp mới thì chú ý KHÔNG CHÀ XÁT vì có thể làm da bé bị tổn thương nặng hơn, mẹo là bố mẹ có thể dùng một miếng bông gòn nhúng vào Mineral oil để lau đi.

2. Giữ cơ thể thoáng mát nhất có thể

Sai lầm thường gặp của các ông bà bố mẹ người Việt Nam là bọc con quá kĩ. Trẻ sơ sinh có thân nhiệt cao hơn người lớn, càng bọc kĩ bé càng dễ toát mồ hôi, gây viêm nhiễm trên da và nảy sinh các vấn đề bệnh lí khác. Thế nên ngoài việc giữ da sạch, lau khô khi quấn tã thì bố mẹ cũng đừng quấn con trong nhiều lớp chăn quá nhé.

Các bố mẹ nên để con có “naked time”, làm thoáng da của bé bằng cách để bé đi vệ sinh không tã và bôi thuốc hăm. Các bố mẹ có thể cho bé naked time như vậy ba lần một ngày, mỗi lần khoảng 10 phút, ở những giấc ngủ ngắn. 

Tránh mặc quần và tã chật, chất liệu bí nóng. Nên sử dụng tã có cỡ lớn hơn bình thường một chút cho đến khi bé hết bị lên mẩn ngứa. 

3. Chọn và bôi thuốc hăm hợp với bé

Các bé sơ sinh rất dễ bị ảnh hưởng bởi hóa chất, dù chỉ với một lượng nhỏ. Đặc biệt là khi đóng tã thì tã sẽ như một loại băng che kín, làm tăng khả năng hấp thụ bất kỳ thành phần nào của thuốc. Bé càng bị hăm nặng, vết thương càng loét thì mức độ hấp thụ càng cao. Chính vì thế cần đặc biệt cẩn trọng khi sử dụng thuốc cho các bé, cần lựa chọn thuốc bôi có tính an toàn cao và đã được kiểm nghiệm kĩ lưỡng. Cần chọn loại kem hăm có khả năng tạo lớp màng bảo vệ da tốt khỏi các các tác nhân gây kích ứng, giúp da tránh bị ẩm ướt, không bị dính vào các vùng da đối lập tạo thành kẽ gây viêm nhiễm.

Các bố mẹ cần bôi thuốc hăm mỗi lần thay tã. Đặc biệt vào lần thay tã cuối cùng trước khi bé đi ngủ và vào những thời điểm bé chuẩn bị phải đi ra ngoài mà không tiện thay tã thì cần bôi thuốc hăm dày hơn mọi khi. 

Để dễ dàng loại trừ việc mua hết loại này đến loại kia lãng phí thì các bố mẹ nên chú ý thành phần hoạt động chính ở các loại kem (active ingredients). Thường mỗi loại thuốc hăm sẽ có một cho tới hai thành phần hoạt động chính, dưới đây là đặc tính và nồng độ thường gặp của các chất này:

- Allantoin (0,5% -2%), calamine (1% -25%), dimethicone (1% -30%), và kaolin (4% -20%) đều là những chất an toàn trong sản phẩm trị hăm cho trẻ. 

- Cod liver oil (5% -13,56%) cũng an toàn và hiệu quả nhưng có mùi khó chịu nên có thể sẽ bị kết hợp với các thành phần khác (chất tạo mùi) để ngăn mùi. 

- Lanolin (15,5%) khá hiệu quả, nhưng có thể gây kích ứng với da nhạy cảm. Các sản phẩm hiện nay có chứa lanolin bao gồm A + D Original Ointment, Weleda Baby Calendula Baby Cream, Belli Baby Protect Me Diaper Rash Cream, và Grandma El's Diaper Rash Rash Remedy.

- Mineral oil hay còn gọi là dầu khoáng (50% -100%) là chất bảo vệ làm mềm cực an toàn và hiệu quả. Nó không tan trong nước, tạo nên lớp màng bảo vệ da cực hiệu quả. Tuy nhiên, nếu không được làm sạch thường xuyên, nó sẽ tích tụ lại trên da và gây viêm nang lông. Một sản phẩm tiêu biểu có thành phần này là Johnson's Baby Oil.  

- Zinc oxide (25% - 40%) an toàn và hiệu quả đối với chứng hăm tã, nhưng ở nồng độ cao hơn, chúng khó loại bỏ khỏi da bé do đặc tính dày và dính. Nó là thành phần chính trong các sản phẩm như Desitin Paste Maximum Strength (40%) và A + D Diaper Rash Cream (10%).

- Petrolatum (30% -100%) là chất bảo vệ chống hăm tã lý tưởng. Nó hầu như không gây dị ứng, không có mùi khó chịu, dễ dàng loại bỏ khỏi da và gần như là chất duy nhất bảo vệ mà không có khả năng gây viêm nang lông hoặc kích ứng. Sản phẩm tiêu biểu chứa chất này là Vaseline Petroleum Jelly và Vaseline Baby.

- Cornstarch hay còn gọi là bột ngô (10% -98%) cũng là một thành phần có thể tìm thấy trong các sản phẩm của trị hăm, chúng thường được bào chế dưới dạng bột, phấn rôm. Mặc dù loại này từng được cho là an toàn với trẻ nhưng giờ thì đã có những nghiên cứu cho thấy nó mang lại nhiều nguy cơ hơn khi bé có thể hít phải. Cornstarch cũng bị khuyến cáo là dễ sinh ra loại nấm Candida albicans, làm trầm trọng hơn tình trạng hăm tã ở trẻ nhỏ. Sản phẩm tiêu biểu chứa cornstarch phải kể đến là Johnson’s Baby Pure Cornstarch with Magnolia Petals.

- Talc (45% -100%) từng được cho là an toàn và hiệu quả như một chất hấp thụ trong việc ngăn ngừa và điều trị hăm tã, nhưng nó có thể nguy hiểm ở dạng bột tan nếu không được sử dụng thích hợp. Một sản phẩm nổi tiếng mà thời ông bà ngày xưa rất hay dùng cho các bé có chứa chất này chính là Johnson's Baby Powder. Đã có nhiều vụ lùm xùm về sản phẩm này gây ra các nguy cơ về đường hô hấp và da liễu cho em bé, chưa kể có những cáo buộc về việc sử dụng chất này gây ung thư. Nhìn chung chất này rất tai tiếng nên các bố các mẹ nên chú ý khi lựa chọn thuốc hăm cho con nhé.

Ngoài các chất trên thì còn có nhiều thành phần khác không xác định trong các sản phẩm trị hăm. Nhiều sản phẩm được quảng cáo bán với thành phần không rõ nguồn gốc, không được kiểm định an toàn cho bé nên bố mẹ cần đặc biệt lưu ý. Những sản phẩm có chiết xuất thực vật mà không có đủ thông tin về thành phần chất có thể gây ra dị ứng, nhiễm độc với trẻ. Lời khuyên chân thành dành cho các bố mẹ là nếu có thể thì hãy chọn loại thuốc nào đơn thành phần, ví dụ như Vaseline là 100% petrolatum.

Xin lưu ý rằng một số bé có thể hợp với loại thuốc hăm này nhưng bé khác thì không. Do đó nếu đã bôi kem hăm mà bé bị nặng hơn, hoặc các triệu chứng không thuyên giảm trong 2-3 ngày bôi, thậm chí kéo dài hơn 7 ngày thì các bố mẹ hãy ngưng sử dụng loại thuốc đó và đưa bé đi khám da liễu ngay. 

4. Chọn loại tã hợp với bé

Tương tự như chọn thuốc trị hăm cho bé, mỗi bé cũng sẽ hợp với một loại tã khác nhau. Nếu đã loại trừ các vấn đề về ẩm ướt và vệ sinh nêu trên mà bé vẫn bị hăm, hoặc bé bị lên hăm sau khi đổi loại tã thì khả năng cao là bé đã bị dị ứng loại tã đó. Bố mẹ nên để ý và đổi ngay loại tã cho bé nhé.

Trên đây là một số kinh nghiệm của mình về việc trị hăm tã cho bé. Hi vọng các bố mẹ sẽ có thêm vài gợi ý hữu ích khi chăm sóc cho con.

hình ảnh

Chia sẻ từ bạn: https://hoovada.com/article/ham-ta-dau-hieu-nhan-biet-va-cach-dieu-tri

Đến từ cộng đồng: https://hoovada.com/