Các mẹ thân mên!


Hôm tháng 3 vừa qua, đứa cháu trai mình ở Cần Thơ lên bệnh viện Nhi đồng 1 khám bệnh (sau khi được xuất viện tại BV Nhi đồng Cần Thơ) cho chụp X-Quang và khám chẩn đoán là Bệnh Hirschsprung (đại tràng của cháu bị dài và rộng) phải phẩu thuật... Tại đấy có nhiều ca bệnh như thế... thật tội... Tôi tìm hiểu bệnh này qua website bệnh viện xin chia sẽ để mọi người biết tin...


Phình đại tràng (Megacolon) là gì ?



Một bệnh nhi bị bệnh phình đại tràng


Phình đại tràng là sự dãn bất thường của ruột già nhưng không do tắc nghẽn. Do đoạn ruột bị dãn làm giảm nhu động, phân di chuyển chậm hơn, ruột có nhiều thời gian tái hấp thu nước nên phân ngày càng cô đặc và cứng. Hậu quả là gây ra tình trạng táo bón kinh niên. Thậm chí có một số trường hợp, phân tạo thành những khối khô, cứng và gây tắc nghẽn đường ruột.


Nguyên nhân: thường được chia làm 2 nhóm bẩm sinh hay mắc phải


- Bẩm sinh:


1.


Phình đại tràng vô hạch hay còn gọi là bệnh Hirschsprung: ở người bình thường, ruột co bóp được là nhờ sự điều khiển của các hạch thần kinh ở trong thành ruột. Ở các trẻ bị bệnh Hirschsprung ngay từ lúc sinh ra đã không có hạch thần kinh này nên ruột không co bóp được và ngày càng dãn to.


2.


Phình đại tràng tự phát mạn tính


- Mắc phải:


1. Do thuốc: Morphin, Codein, Risperidone (thuốc điều trị bệnh tâm thần)


2. Do nhiễm độc: chủ yếu gặp trong hai bệnh viêm đại tràng loét và viêm đại tràng màng giả. Đại tràng dãn to là hậu quả của quá trình viêm mạn tính. Cơ chế chưa biết rõ nhưng có lẽ do sản xuất quá nhiều chất oxic ni tríc.


3. Bệnh Chagas: Đây là bệnh nhiễm ký sinh trùng Trypanosoma cruzi, thường gặp ở Trung và Nam Mỹ.


4. Khác: tổn thương thần kinh nặng (teo não, chấn thương tủy sống), phù niêm do suy giáp, xơ cứng da, thoái hóa tinh bột (Amyloidosis) và táo bón mạn tính.


Ở trẻ em, phình đại tràng thường do bệnh Hirschsprung.


Triệu chứng: biểu hiện thường gặp nhất là táo bón kéo dài, đau bụng từng cơn, sờ thấy khối phân cứng ở thành bụng. Ở trẻ bệnh phình đại tràng bẩm sinh (Hirschsprung) thường có dấu hiệu “tháo cống”: khi đưa ngón tay vào hậu môn bệnh nhân không sờ được phân, khi rút ngón tay ra phân ồ ạt đi theo. Khi có biến chứng viêm ruột, bệnh nhân thường sốt cao, tiêu phân máu, nhịp tim nhanh và trụy mạch.


Chẩn đoán: thường không khó dựa vào những dấu hiệu trên và chụp x-quang bụng cản quang thấy ruột già dãn to.


Điều trị:


- Điều trị triệu chứng: chế độ ăn nhiều chất xơ, tập thói quen đi cầu, uống thuốc “xổ” làm mềm phân, bơm hậu môn, thục tháo.


- Điều trị căn nguyên: tùy thuộc vào nguyên nhân. Ở trẻ em bệnh Hirschsprung thường được mổ bỏ cắt đoạn ruột bị dãn và nối lại. Hiện tại, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đang áp dụng kỹ thuật mổ “ pull-through” để điều trị bệnh này. Đây là kỹ thuật mổ cắt ruột không để sẹo đã được Bệnh viện áp dụng thành công từ nhiều năm nay.


Sưu tầm từ webiste: http://www.nhidong.org.vn/Default.aspx?sid=7&nid=1197


Cháu của tôi đã được phẩu thuật vào ngày 30/03, hiện giờ đã về nhà.. nhưng phải nong hậu môn hằng ngày... đau lắm... Nhưng không làm thì không được.


Hy vọng các bạn ở diễn đàn nếu phát hiện con cháu mình có bệnh tương tự sớm đưa điều trị....


Chào thân ái!


Thy Trúc