Tuyến Bartholin nằm giữa hai bên môi lớn và môi bé, có tác dụng bôi trơn âm đạo. Có nhiều nguyên nhân làm tuyến này bị viêm nhưng theo kinh nghiệm bản thân thì không xác định được nguyên nhân đâu. Đùng một ngày bạn phát hiện một cục u cứng cứng không đau ở môi lớn, gần cửa mình, kích cỡ khoảng viên bi. Đó là lúc mình quyết định đi khám tại bệnh viện Hạnh Phúc - NTMK. Nhiều bạn phát hiện khi chỗ viêm nhỏ bằng hạt đậu, nhưng có lẽ vô ý mình không phát hiện ra. Mình viết lại đây để chia sẻ với các bạn giai đoạn mình chiến đấu với bệnh này và cũng để nhớ mà gìn giữ….

ĐIỀU TRỊ TRƯỚC KHI RẠCH MỦ

29.04.20 Tại bệnh viện Hạnh Phúc, bác sĩ xác định mình bị viêm tuyến Bartholin và cho uống thuốc kháng sinh Augmentin TAB 1g, kháng viêm Alpha Choay ngậm và Tardyferon bổ sung sắt & acid folic để tăng sức đề kháng. Lúc đó chỗ u không đau, không viêm.

2 ngày sau khi uống thuốc, chỗ u bắt đầu sưng, rát, nhức, và ngày càng căng cứng. Đau đến nỗi mình không đứng lên đi được mà phải đi khom lưng, có người đỡ mới lết vô vệ sinh được. Khi nằm mình cũng phải chọn tư thế sao cho đỡ đau nhất & uống thuốc giảm đau mới chịu nổi….

Mình cứ nuôi hy vọng là khi chỗ sưng lên đến đỉnh điểm thì sẽ xẹp dần xuống, và nếu không bị làm mủ thì vẫn còn hy vọng…. Đó là sai lầm lớn của mình, chịu đựng thời gian đau đớn vô ích (sau này mình mới biết).

07.05.20 - 1 tuần sau khi khám tại Hạnh Phúc, mình phát hiện chỗ viêm bắt đầu làm mủ, sưng to như trái chanh đè qua bên còn lại làm hẹp cửa mình, môi nhỏ cũng sưng to và đau. Mình bị sưng bên trái và biết không thể tránh việc đi rạch rồi. Bác sĩ Hà lúc đó phải đi dự hội nghị nên bác giới thiệu cho bác Oanh, bác Châu tại Bv ĐHYD cơ sở 2. Bác Hà khám cho mình nhưng vì chiều hôm đó bác không làm việc nên nhờ bác Châu mổ thay. Bác còn nói là mình can đảm quá, chưa thấy ai có thể chịu đựng như mình. Bình thường uống thuốc 3 ngày là rạch luôn rồi.

QUÁ TRÌNH RẠCH MỦ

Chiều hôm đó mình quyết định rạch luôn dù rất sợ. Bác sĩ chích thuốc tê tại chỗ, rạch để đẩy hết mủ, khâu 2 mũi trên dưới để chừa đường thoát dịch, đặt 1 miếng gạc tại chỗ rạch và khâu lại. Chỉ khâu tiêu chậm Chromic Catgut 3,5.

Mình không thể nói tránh là không đau, thực sự là rất đau nhưng so với việc chịu đau đớn cả tuần và không đi lại được, rạch là biện pháp hợp lý…

Sau khi rạch, mình được nằm nghỉ 45 phút, có thể đi lại nhẹ nhàng hơn vì không bị vướng víu và đau rát, chỉ còn đau tại vết rạch và khâu.

Toa thuốc uống trong 5 ngày gồm:

Sumakin 1G kháng sinh, Incepdazol 250mg kháng viêm, Alphadekadk 8,4mg tan máu bầm, ngậm dưới lưỡi, Betadine 10% dùng rửa 1lần/ngày (pha loãng 2 muỗng dung dịch với 2 chén nước ấm, rửa bên ngoài).

THEO DÕI SAU KHI RẠCH

12.05.20 - 5 ngày sau mổ, mình tái khám lần 1 vì hết thuốc. Chỗ rạch vẫn còn khép kín vì chỉ vẫn còn dính chắc. Mỗi ngày từ sau mổ, dịch và máu vẫn rỉ suốt.

Bác sĩ nói vết mổ không sưng không viêm, ko cần uống thuốc nữa.

Dung Betadine chấm tại vết mổ 1 lần/ngày. Rửa bằng dung dịch vệ sinh phụ nữ 1 lần/ngày.

14.05.20 - 7 ngày sau mổ, chỉ bung ra, vết khâu hở miệng. Vẫn còn dịch và ít máu. Xung quanh môi lớn vẫn còn phồng, sờ thấy 1 chỗ tụ nhỏ ấn vào hơi cứng, đau, nên rất lo là mủ chưa ra hết, còn tụ lại. Mỗi lần đi vệ sinh, mình vẫn ấn nhè nhẹ để hy vọng ko để mủ tích tụ lại làm tái viêm. Mình có cảm giác khi đứng lâu máu tụ lại sẽ làm vết thương căng và khó lành nên mình nằm nhiều, dưỡng cẩn thận, đi nhẹ nhàng. Vết thương lành từ từ, xẹp bớt và bớt đau.

21.05.20 - 2 tuần sau mổ, vết thương sưng lại, làm sưng cả môi nhỏ. Mình tái khám ngay. Bác sĩ thấy 1 cọng chỉ còn vướng lại nên gắp ra giúp, và nghĩ rằng do cọng chỉ làm mình bị kích ứng thôi. Không cần thuốc, theo dõi nếu sưng nhiều thì tái khám. Vẫn bôi betadine tại chỗ 1 lần/ngày và rửa nước rửa vệ sinh phụ nữ 1 lần/ngày.

23.05.20 - 2 ngày sau, môi lớn gần chỗ rạch và môi nhỏ sưng lớn hơn và hơi rát. Mình quyết định dừng bôi betadine vì nghĩ có thể da mình nhạy cảm nên bôi thời gian dài không tốt. Quả đúng như vậy, chỗ sưng giảm dần.

3 tuần sau mổ, mình không thấy đau nữa, chỗ viêm đã xẹp gần như bình thường nhưng thỉnh thoảng vẫn thấy cồm cộm khi ngồi. Mình an tâm là đã qua đợt viêm này và dưỡng thêm 1 tuần trước khi trở lại sinh hoạt bình thường.

Đó là tất tần tật quá trình chiến đấu với bệnh của mình. Tổng thời gian từ khi phát hiện chỗ viêm đến khi lành hẳn là đúng 1 tháng đau khổ, vật vã. Mình ghi lại chi tiết để giúp các bạn nếu lỡ có bệnh giống mình thì đỡ hoang mang tìm kiếm thông tin khắp các trang mạng.

TỔNG KẾT – GHI NHỚ

  • Nên đi khám ngay khi phát hiện u, viêm.
  • Nếu bác sĩ định bệnh là viêm tuyến Bartholin, đừng ngần ngại theo chỉ định bác sĩ uống thuốc 3-5 ngày trước khi rạch, và nhất định là nên rạch sớm, đừng cố gắng hy vọng sẽ tự khỏi.
  • Tránh để chỗ viêm tự vỡ vì sẽ khó điều trị hơn. Dù có vỡ cũng nên đến bệnh viện ngay để bác sĩ nặn cho hết mủ, không bị nhiễm trùng và viêm dai dẳng.
  • Sau khi rạch, lắng nghe cơ thể mình và quan sát chỗ rạch hằng ngày, có bất thường là tái khám ngay, cũng để giải toả tâm lý.
  • Thay BVS thường xuyên, không để viêm nhiễm thời gian này.
  • Tăng sức đề kháng bằng thức ăn, vitamin C (nước cam) và bổ sung vitamin tổng hợp.
  • Ngủ nghỉ đúng giờ và đủ giấc, tránh thức khuya. Biết rằng trong lúc ngủ, cơ thể sẽ tự tạo ra kháng thể giúp cơ thể mau hồi phục.

Cầu chúc cho các bạn nữ luôn khoẻ mạnh và không bao giờ phải biết đến bệnh này.