Viêm tắc tĩnh mạch
chi là tình trạng viêm có liên quan đến cục máu đông trong tĩnh mạch chi. Hiện nay các bệnh lý về tĩnh mạch ngày càng trở nên phổ biến, song, theo một thống kê nghiên cứu đa trung tâm do trường đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh chủ xướng thì đa số bệnh nhân (77,6%) không hề biết về bệnh tĩnh mạch trước đó.



Điều này phản ánh thực trạng về bệnh lý tĩnh mạch ở nước ta, trong đó chủ yếu là bệnh nhân ít quan tâm, ngại đi khám, thầy thuốc coi nhẹ và bỏ sót các triệu chứng. Trong đó có 91,3% bệnh nhân không được điều trị và 8,7% bệnh nhân được điều trị không đúng phương pháp; chủ yếu là sử dụng các loại thuốc chữa triệu chứng như aspirin, lợi tiểu…Do đó bạn phải quan tâm đến các triệu chứng của bệnh để khám và điều trị kịp thời, đúng phương pháp.



Vậy biểu hiện của bệnh viêm tắc tĩnh mạch chi như thế nào?



- Ở giai đoạn đầu, chân xuất hiện những đám tĩnh mạch nổi ở dưới da, tạo thành hình vằn vện màu đỏ hoặc màu xanh ở bắp chân, hoặc chằng chịt như hình mạng nhện rất ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Lâu dần, máu bị ứ trệ ở chân gây căng tức bắp chân, nặng chân, mỏi chân, đau tê, phù…gây khó chịu. Sự khó chịu đó sẽ giảm khi vận động hoặc gác chân lên cao.




- Ở mức độ nặng hơn nữa, màu da ở chân sẽ đổi màu, bị chàm. Tình trạng viêm tắc tĩnh mạch này có thể gây biến chứng loét, hoại tử chi, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.



Viêm tắc tĩnh mạch chi được chia làm hai loại:



- Viêm tắc tĩnh mạch nông chi dưới xảy ra ở các tĩnh mạch nông, thường gặp khi bệnh nhân bị giãn tĩnh mạch nông.



-
Viêm tắc tĩnh mạch sâu chi dưới
thường gặp sau chấn thương, bỏng, sinh khó hoặc sẩy thai ở phụ nữ hay sau phẫu thuật cơ quan tiêu hóa, tiết niệu.



Bệnh có tỷ lệ mắc tăng cao cùng với tuổi, nữ gặp nhiều hơn nam và có liên quan đến các yếu tố nguy cơ khác như: tư thế đứng, nghề nghiệp, béo phì và chế độ ăn thiếu vitamin, yếu tố gia đình và yếu tố cơ địa. Đây là một bệnh lý rất phức tạp, cần được theo dõi để chẩn đoán xác định và lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp.