Viêm nha chu là gì: Bệnh lý gây viêm mô nâng đỡ răng, phá hủy mô mềm(nướu, dây chằng nha chu) và mô cứng nâng đỡ răng( xương ổ răng). Gây mất bám dính của nướu trên răng, tiêu xương quanh răng. Sự tạo thành túi nha chu là hậu quả của quá trình diễn tiến bệnh

 Nha chu là gì: Nha chu là các thành phần xung quanh răng bao gồm nướu răng, xương ổ răng. Dây chằng nha chu và xê- măng răng. Có chức năng nâng đỡ răng, lưu giữ răng trong xương hàm và cảm nhận lực khi ăn nhai

2. Nguyên nhân gây ra bệnh nha chu

Nguyên nhân của bệnh là do vi khuẩn có trong mảng bám. Trong mảng bám răng có rất nhiều vi khuẩn cùng tồn tại. Sự tương tác giữa chúng khiến vi khuẩn giúp đỡ và hỗ trợ lẫn nhau gây bệnh. Vì chúng liên kết với nhau nên vi  khuẩn trong mảng bám thường ít nhạy với kháng sinh hơn khi đứng riêng lẻ

Vi khuẩn ở mảng bám tích tụ ở viền nướu và khe nướu với số lượng và thời gian tiếp xúc đủ lâu gây ra các phản ứng viêm, gọi là viêm nướu

Mảng bám lắng đọng các chất khoáng có trong nước bọt, thức ăn trở thành vôi răng. Vôi răng cứng, bám chặt vào răng và được bồi đắp theo thời gian

Nguồn: Nha Khoa Kim Xuan.

Vôi răng không được làm sạch định kỳ. Quá trình viêm sẽ lan rộng xuống dây chằng nha chu và xương ổ răng, dẫn đến phá hủy dây chằng nha chu và tiêu xương ổ răng hay nói cách khác là từ viêm nướu sẽ trở thành viêm nha chu

Quá trình phá hủy dây chằng nha chu và tiêu xương diễn ra liên tục. Nếu không điều trị sẽ dẫn đến lung lay răng và mất răng do viêm nha chu

3. Các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh viêm nha chu

Yếu tố nguy cơ không phải là nguyên nhân gây bệnh. Nhưng nó là các yếu tố gây tăng khả năng mắc bệnh và trầm trọng thêm bệnh viêm nha chu

Yếu tố tại chỗ :

Răng chen chúc, mão sứ bị dư, làm sai hình dạng giải phẫu, miếng trám dư hở làm tăng lưu giữ mảng bám, cản trở việc làm sạch mảng bám làm tăng nguy cơ bị viêm nha chu.

Yếu tố toàn thân

  • Đái tháo đường: Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng. Bệnh đái tháo đường làm tăng 3 lần nguy cơ bị bệnh viêm nha chu. Bệnh đái tháo đường không làm thay đổi hệ vi khuẩn của bệnh viêm nha chu. Nhưng nó gây ra tình trạng thu hẹp mạch máu, tăng phá hủy các dây chằng nha chu, làm chậm quá trình lành thương nướu và xương ổ răng
  • Béo phì: Là tình trăng lượng mỡ vượt quá giới hạn cơ thể. Gây nên sự tích tụ có ảnh hưởng bất lợi cho cơ thể. Béo phì làm tăng nguy cơ bị viêm nha chu gấp 2 lần. Béo phì là tình trạng viêm nhẹ toàn cơ thể. Phóng thích các chất tiền gây viêm, kết hợp với vi khuẩn trong miệng sẽ gây ra tình trạng viêm mạn tính trên mô nướu
  • Loãng xương: Thiếu lượng canxi, vitamin D ở trẻ em hay thiếu niên gây nên tình trạng loãng xương. Tình trạng thiếu xương toàn thân làm giảm mật đồ xương ổ răng làm tăng nguy cơ tiêu xương ổ, làm trầm trọng thêm bệnh viêm nha chu.
  • Phụ nữ mãn kinh: suy giảm estrogen làm giảm khoáng hóa ở xương và tăng thải canxi, tăng nguy cơ gãy xương, tăng tiêu xương

Yếu tố hành vi và môi trường

  • Stress: Stress làm tuyến yên ở não tiết các chất làm ngăn cản chức năng của các tế bào miễn dịch, từ đó làm giảm đáp ứng miễn dịch, làm chậm quá trình lành thương
  • Hút thuốc lá: làm tăng nguy cơ bị viêm nha chu gấp 4 lần. Bệnh nhân viêm nha chu có hút thuốc sẽ có nhiều răng bị tổn thương và tiêu xương nhiều hơn. Hút thuốc lá làm tăng số lượng vi khuẩn của mảng bám dưới nướu. hút thuốc lá làm giảm chất lượng và số lượng các tế bào miễn dịch. Ngoài ra, nicotine có trong thuốc lá sẽ làm giảm khả năng lành thương của nướu

4. Triệu chứng của bệnh viêm nha chu

  • Chảy máu nướu

Chảy máu nướu lúc chải răng, ăn nhai hay trong quá trình điều trị nha khoa hay thậm chí có thể chảy máu tự phát. Chảy máu nướu có thể ngẫu nhiên hay kéo dài, ít hay nhiều, trên một số răng hoặc trên toàn bộ hai hàm

Là dấu hiệu của sự suy yếu nướu, tăng tốc độ và lưu lượng máu do viêm.

  • Thay đổi màu sắc nướu

Bình thường có màu hồng, khi viêm sẽ tăng tốc độ và lưu lượng máu dẫn đến nướu có màu đỏ, đỏ sậm

  • Răng lung lay và di chuyển

Bình thường răng luôn có độ lung lay nhất định.

Khi bị lộ chân răng, thì chiều dài chân răng trong xương sẽ giảm xuống sẽ gây nên tình trạng lung lay hay di chuyển răng ít hay nhiều tùy thuộc vào mức độ tiêu xương

răng lung lay và di chuyển gây nên sự xáo trộn tiếp xúc giữa các răng, dẫn răng đến răng phải chịu lực nhiều hơn tiêu xương nặng hơn và càng làm tăng sự lung lay răng

  • Hôi miệng

Hôi miệng có thể có nguyên nhân từ răng, mô nha chu, niêm mạc miêng hay từ hệ thống tiêu hóa, hô hấp hay do sử dụng thuốc.

Vi khuẩn trong mảng bám vôi răng trong bệnh nha chu, tiếp xúc với lượng đường trong thức ăn sẽ tạo thành các khí có chứa lưu huỳnh gây mùi hôi như : sulfur hydro (H2S), methyimercaptan(CH3SH), disulfur dimethyl(CH3-S-S- CH3). Ngoài ra, các hợp chất lưu huỳnh còn tác động độc hại lên mô nướu, gây rối loạn quá trình lành thương

  • Nhồi nhét thức ăn

Phần lớn thức ăn được loại bỏ ngẫu nhiên khi ăn nhai. Tuy nhiên, vùng kẽ răng rộng sẽ chứa nhiều mảng bám và lưu giữ nhiều thức ăn

Việc nhồi nhét thức ăn sẽ trầm trọng hơn khi có răng sứ bị dư, hở hay miếng trám dư

Vôi răng cũng làm cho việc nhồi nhét thức ăn nhiều hơn giữa hai răng

Túi nha chu cũng lưu giữ lượng lớn mảnh vụn thức ăn nhỏ, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển

  • Răng  tụt nướu và nhạy cảm

Khi dây chằng nha chu và xương ổ răng bị phá hủy lâu ngày dẫn đến tụt nướu làm lộ bề mặt chân răng. Bề mặt chân răng có thể bị tấn công bởi sâu răng hay mòn lớp xê măng chân răng, bộc lộ ngà răng gây ê buốt khó chịu hoặc thậm chí là đau nhói khi tiếp xúc với kim loại hay cọ xát nóng lạnh

  • Chảy mủ

Vi khuẩn có khả năng gây độc quá mạnh, các tế bào miễn dịch không đủ khả năng bảo vệ cơ thể dẫn đến hậu quả tạo các túi mủ ở vùng nướu, dùng tay ấn nhẹ  mủ có thể chảy ra

Abcess nha chu có thể dẫn đến viêm tủy. liên quan giữa mô tủy và mô nha chu thường gặp ở các ống ngà có đường kính lớn nên vi khuẩn có thể từ mô nha chu đi ngược vào tủy răng

Abcess nha chu có thể dẫn đến biến chứng toàn thân như nhiễm khuẩn phổi hay abcess não

  • Vôi răng

Vôi răng hiện diện ở bề mặt chân răng. Thường tích tụ ở vùng kẽ răng và vùng kết nối răng nướu

5. Viêm nha chu ảnh hưởng đến các bệnh lý toàn thân

Bệnh lý tim mạch: Vi khuẩn gây bệnh viêm nha chu góp phần tạo ra hình thức tổn thương hoại tử. Các nút xơ hóa che chở cho tổn thương hoại tử bị mòn, hoặc bị vỡ tạo nên các huyết khối bít tắc động mạch gây nên hiện tượng nhồi máu hay đột quỵ

Vi khuẩn có trong bệnh nha chu cũng được tìm thấy ở động mạch vành. Trong các tế bào lót tim

Bệnh lý đường hô hấp: Vi khuẩn trong bệnh nha chu có thể hít vào phổi từ miệng. Vi khuẩn trong viêm nha chu tiết các chất làm hư hỏng lớp niêm mạc đường hô hấp, tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh. Ngoài ra chúng còn làm giảm hiệu quả các yếu tố bảo vệ,

Phụ nữ mang thai sinh non và sinh con nhẹ cân: Sinh non và nhẹ cân là hậu quả gián tiếp của hiện tượng gây viêm do vi khuẩn.

Viêm nha chu không được điều trị ở phụ nữ mang thai là yếu tố nguy cơ đưa đến sinh non và sinh con nhẹ cân.

Bệnh viêm khớp dạng thấp: Viêm khớp dạng thấp là bệnh tự miễn, đặc trưng bởi tình trạng viêm phá hủy mạn tính ở màng hoạt dịch khớp và xương, gây nên viêm hoạt dịch, hủy cấu trúc khớp, xáo trộn chức năng. Ngoài ra nó còn biểu hiện ở phổi, mạch máu, mắt.

Viêm nha chu: Thúc đẩy các phản ứng miễn dịch ở màng hoạt dịch. Làm mất tính tự kháng và hình thành tính tự miễn ở bệnh nhân viêm khớp dạng thấp

Béo phì: Vi khuẩn trong bệnh viêm nha chu là tăng khả năng thèm ăn, tăng khả năng chuyển hóa các chất trong cơ thể, đề kháng với insulin làm cơ thể sẽ tích tụ nhiều mỡ hơn dẫn đến tình trạng béo phì trầm trọng hơn

6. Cách điều trị viêm nha chu

  • Lấy vôi răng: Vôi răng chứa vi khuẩn và cũng là một yếu tố lưu giữ lại mảng bám. Vì vậy lấy vôi răng nhằm giảm số lượng vi khuẩn gây bệnh. Loại bỏ một trong số các yếu tố lưu giữ mảng bám giúp giảm viêm, giảm hay không còn chảy máu, giảm lung lay răng
  • Loại bỏ các yếu tố lưu giữ mảng bám khác: miếng trám dư hở, các mão sứ dư
  • Đánh giá các răng lung lay và chỉ định răng buộc phải nhổ không giữ được
  • Nẹp cố định răng lung lay bằng kẽm, composite hay các loại sợi sinh học
  • Thực hiện lại các phục hình sai hay phục hình tạm khi cần thiết

Các trường hợp nặng, chỉ lấy vôi hay làm sạch vôi răng ở chân răng không đủ. Để tái lập sự lành mạnh hay ngăn ngừa sự tái phát của bệnh nha chu buộc lòng chúng ta phải sử dụng phương pháp phẫu thuật

Sau khi điều trị, chúng ta cần trở lại thăm khám nhằm:

  • Phát hiện những nhiễm trùng mới để lên kế hoạch điều trị thích hợp. Kiểm soát các vùng có thể tái nhiễm lại
  • Đánh giá và củng cố quá việc chăm sóc răng miệng tại nhà đúng cách.
  • Duy trì sự lành mạnh và chức năng môi trường miệng. Đánh giá sâu răng mới hay tái phát, điều trị nội nha cho những răng viêm hay chết tủy.

Nhiều nghiên cứu lâm sàng cho thấy. Nếu khoảng thời gian giữa các lần thăm khám để kiểm soát không quá 6 tháng thì kết quả sẽ được duy trì liên tục.

7. Các biện pháp phòng ngừa viêm nha chu

  • Tự phát hiện mảng bám, vôi răng tại nha hay tại các phòng khám.

Sau khi xử lý vôi răng, mảng bám không được kiểm soát thì quá trình viêm sẽ trở lại. Việc kiểm soát mảng bám tại nhà góp phần không nhỏ. Trong quá trình phòng ngừa và điều trị cũng như duy trì kết quả sau khi điều trị.

  • Chải răng theo phương pháp Bass biến đổi
  • Sử dụng các biện pháp làm sạch mảng bám vùng kẽ. Sử dụng chỉ nha khoa, sử dụng bàn chải kẽ, sử dụng tăm nước
  • Nước súc miệng
  • Thay đổi thói quen nha khoa, hút thuốc, uống rượu bia.
  • Kiểm soát các bệnh lý toàn thân, chế độ ăn uống, tình tặng cân nặng.
  • Cân bằng cuộc sống, giảm stress.