Việc tập thể dục, đi bộ thường được đề xuất là phương pháp rèn luyện sức khỏe hiệu quả. Tuy nhiên, nhiều người đang gặp vấn đề về xương khớp, đặc biệt là đau khớp gối, đặt ra câu hỏi liệu người bị đau khớp gối có nên đi bộ không? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.

hình ảnh

1. Nguyên nhân gây đau gối phổ biến

Khớp gối là khớp vận động nhiều nhất và chịu sức nặng của toàn cơ thể nên nó rất dễ bị tổn thương. Triệu chứng đầu tiên báo hiệu cấu trúc bên trong khớp gối đang gặp vấn đề là những cơn đau đầu gối, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường tập trung ở người trung niên và cao tuổi. Có 2 nguyên nhân gây đau gối chủ yếu là do chấn thương và các bệnh lý về xương khớp.

Chấn thương đầu gối do chơi thể thao, tai nạn giao thông hoặc tai nạn lao động có thể dẫn đến bong gân, gãy xương, trật khớp, tổn thương dây chằng hoặc tổn thương sụn chêm, gây ra các cơn đau hoặc cũng có thể làm khớp gối bị cứng.

Ngoài ra, đau đầu gối còn là dấu hiệu cảnh báo của một số bệnh lý cơ xương khớp khởi phát như: thoái hóa khớp gối (xảy ra khi hệ thống sụn khớp bị bào mòn, gây biến đổi bề mặt khớp), viêm khớp dạng thấp (bệnh lý tự miễn gây tổn thương nghiêm trọng đến khớp gối), bệnh gout (hàm lượng axit uric tích tụ quá nhiều trong khớp xương) hoặc bàn chân bẹt (khiến các xương ở cẳng chân xoay khi người bệnh hoạt động chạy nhảy, dẫn đến xoay lệch khớp đầu gối, gây ra hiện tượng viêm đau, từ đó đẩy nhanh quá trình thoái hóa khớp gối).

2. Người đau khớp gối có nên đi bộ không?

Không giống như cơ bắp, sụn khớp không nhận được chất dinh dưỡng từ máu, mà được nuôi dưỡng từ dịch khớp (chất nhờn). Đi bộ là một hình thức vận động nhẹ nhàng tạo nên dịch khớp nuôi dưỡng sụn, đồng thời giúp bôi trơn khớp gối, giảm tình trạng khô khớp, ngăn ngừa cứng khớp. Nhiều nghiên cứu cho thấy, đi bộ đúng cách giúp giảm đau rõ rệt, tốt cho người đang bị cứng khớp hoặc viêm khớp gối.

Ngoài ra, đi bộ còn giúp duy trì khối lượng cơ, tăng tính linh hoạt của xương khớp, hỗ trợ giảm cân hiệu quả, giảm áp lực đè nén lên đầu gối, nhờ vậy cơn đau cũng được cải thiện. Tuy nhiên, người đau khớp gối nên đi bộ đúng phương pháp, xây dựng chế độ luyện tập phù hợp, nếu không sẽ làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp gối.

3. Đi bộ như thế nào là đúng cách?

– Lựa chọn giày đi bộ chuyên dụng, ưu tiên giày có kích cỡ phù hợp, thoải mái, đế giày mềm dẻo với bề mặt tiếp xúc có nhiều rãnh nhỏ để tăng độ bám, tránh giày cao gót mũi nhọn. Đối với trường hợp bàn chân bẹt, nên đi giày có đế chỉnh hình để giữ cho bàn chân luôn ở vị trí đúng và ngăn chặn các vòm chân bị sụp xuống.

– Trước khi đi bộ, cần khởi động kỹ để làm nóng cơ và khớp bằng các động tác gập duỗi, căng cơ trong khoảng 5 – 10 phút.

– Để tránh gây áp lực lên khớp gối, chỉ nên đi bộ khoảng 6.000 bước mỗi ngày, không nên sải bước quá dài hoặc di chuyển với tốc độ quá nhanh, điều này càng tạo thêm áp lực lên phần khớp đang bị tổn thương. Thay vào đó, hãy đi chậm rãi, vừa sức, giữa hai lần bước chỉ nên cách nhau 1 hoặc 2 bàn chân. Thời gian đi bộ khoảng 30 phút mỗi ngày.

– Môi trường đi bộ cần trong lành, không nắng gắt. Nên đi bộ ở những nơi bằng phẳng để dễ dàng kiểm soát vận động của khớp gối, tránh địa hình trơn trợt hay dốc cao.

Đi bộ là hình thức hoạt động dễ thực hiện nhưng đó không phải là lựa chọn duy nhất. Nếu đầu gối đau không thể đi bộ được, bạn có thể lựa chọn những bộ môn khác như chạy xe đạp, bơi lội hoặc tập dưỡng sinh. Tuy nhiên, trước khi luyện tập cần tham khảo ý kiến của bác sĩ. Mọi trường hợp đau gối dù xuất phát từ nguyên nhân nào cũng cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn, thăm khám và điều trị sớm, tránh để lâu gây nên biến chứng nguy hiểm.

Nguồnhttps://duocmyphamkhanglinh.vn/