Giờ thì chắc hẳn, trong mỗi chúng ta đều hiểu rõ tầm quan trọng của hệ miễn dịch, những chiến binh âm thầm, lặng lẽ bảo vệ cơ thể, và sở hữu đội binh hùng dũng này là điều ta luôn mong muốn. Vậy hãy cùng kiểm tra danh sách các thói quen sau đây để có được đội quân tinh nhuệ, bất khả chiến bại, bất chấp tuổi tác cận kề nhé.

1. Ngủ đủ giấc là chìa khóa cho hệ phòng thủ của cơ thể - sức đề kháng khỏe mạnh

Trong vài thập kỷ qua, khoa học về giấc ngủ đã phát triển vượt bậc, cho thấy tầm quan trọng sâu rộng của giấc ngủ đối với mọi chức năng của cơ thể. Ngày càng nhiều các nghiên cứu đã chỉ rõ giấc ngủ và hệ miễn dịch có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.

Có nhiều cách lý giải, trong đó, các nhà nghiên cứu đã phát hiện: trong giấc ngủ hàng đêm, một số thành phần nhất định của hệ thống miễn dịch được gia tăng hoạt động. Ví dụ, có sự gia tăng sản xuất các cytokine, là các protein hoạt động như sứ giả cho hệ thống miễn dịch.

Dễ dàng nhận thấy, khả năng bị cảm lạnh hoặc nhiễm trùng sẽ cao hơn khi ngủ không đủ giấc. 

Với người trưởng thành, duy trì giấc ngủ từ 7-9 giờ, và người lớn tuổi duy trì trên 6 giờ mỗi ngày là một thói quen tốt.

2. Tập thể dục giúp các chiến binh của hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả

Tập thể dục nhẹ nhàng đều đặn giúp lưu thông máu, là điều kiện quan trọng để các chiến binh của hệ miễn dịch đến từng tế bào của cơ thể, thực hiện các công việc dọn dẹp, phát hiện và đưa tin về sự xâm nhập của tác nhân lạ.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chỉ cần duy trì đi bộ 10 phút ở người lớn tuổi mỗi ngày thì đã đem đến tác động lớn đến sức khỏe miễn dịch. Ngoài ra, có thể thực hiện các bài tập đơn giản tại nhà như hít thở rút cơ bụng dưới, yoga, bài tập vẩy tay, bài tập co chân trên ghế, …

Một thông điệp đơn giản, chỉ cần hoạt động nhẹ nhàng, phù hợp và duy trì thường xuyên.

3. Chế độ dinh dưỡng - xây dựng nền móng hệ tường thành – sức đề kháng

Chế độ dinh dưỡng cân bằng tinh bột, đạm, chất béo, vitamin, khoáng chất sẽ tốt hơn nhiều so với chế độ kiêng khem.

Hãy ăn nhiều trái cây, rau củ. Một số loại giàu dinh dưỡng dễ tiêu hóa, vitamin và các chất khoáng vi lượng được ưu tiên lựa chọn: trái cây (họ cam quýt, táo, nho, ổi, lê, kiwi, quả cơm cháy đen Sambucus, các loại rau xanh, các loại củ, một số loài nấm (nấm hương, nấm rơm, linh chi), hoặc đơn giản hơn hãy làm giá đỗ tại nhà và thưởng thức món giá xào cùng cơm nóng, sẽ giúp nhiều cho hệ thống miễn dịch.

4. Căng thẳng kéo dài – điều nên tránh để sức khỏe miễn dịch bền lâu

Căng thẳng như một phần tất yếu của cuộc sống. Nhưng căng thẳng kéo dài sẽ là điều hoàn toàn không tốt, khi cơ thể thường xuyên bị hormon stress thường trực và ngăn chặn hoạt động của các phản ứng miễn dịch.

Khó có thể thoát khỏi căng thẳng của mình một cách hoàn toàn, nhưng bạn có thể kiểm soát nó tốt hơn bằng các hoạt động đơn giản như: thiền, yoga, hít thở, nấu món mình thích, trồng và yêu thương chậu bonsai nhỏ, vẽ tranh, đọc sách, hôn nhẹ người bạn đời,…

Một số nghiên cứu cho thấy những người thiền định thường xuyên có thể có phản ứng hệ miễn dịch khỏe mạnh hơn. Trong một thí nghiệm tại Mỹ, những người thiền định trong khoảng thời gian 8 tuần tạo ra nhiều kháng thể đối với văc xin cúm hơn so với những người không thiền định, kết quả là phản ứng miễn dịch của họ tăng lên gấp nhiều lần ở thời điểm 4 tháng sau đó.

Khi không buông bỏ được căng thẳng, theo kinh nghiệm cá nhân, tôi sẽ chấp nhận sống cùng và quên dần nó bằng các hoạt động giản đơn hàng ngày, chẳng hạn như thường xuyên lau nhà và dọn dẹp bụi bặm.

5. Sự cô đơn không làm các chiến binh miễn dịch vui tí nào

Có những mối quan hệ bền vững và một mạng lưới xã hội tốt sẽ giúp ích cho cuộc sống của bạn rất nhiều.

Các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ, trong một nghiên cứu xã hội học đã chỉ ra rằng: những người cảm thấy kết nối với bạn bè - cho dù đó là một vài người bạn thân hay một nhóm lớn - thì khả năng miễn dịch của họ mạnh hơn những người cảm thấy cô đơn.

Hoặc, trong một nghiên cứu định lượng về khả năng đáp ứng vaccin, những sinh viên năm nhất cô đơn có phản ứng miễn dịch với vắc xin cúm kém hơn những người luôn kết nối với quan hệ bên ngoài.

Vậy, trong lúc này đây, việc làm nhanh nhất để kết nối xã hội là gì? Hãy bình luận bài viết, tăng sự tương tác, và bạn đã có một người bạn mới, là tôi nhé.

6. Uống đủ nước – điều giản đơn nhưng giúp hệ miễn dịch phát huy sức mạnh.

Một cách ví von, nước như dầu bôi trơn cho hệ thống miễn dịch, bạn không thể đua xe khi thiếu dầu, và cơ thể không thể chống lại sự xâm nhập của vi rút, vi khuẩn khi thiếu nước.

Mỗi chúng ta ai cũng đều hiểu rõ vai trò của nước. Nước là thành phần chính của nước bọt, giúp điều chỉnh thân nhiệt, bảo vệ mô, tủy sống và khớp, giúp bài tiết các chất thải qua mồ hôi, nước tiểu và đại tiện, tối đa hóa hiệu suất thể chất, ngăn ngừa táo bón, hỗ trợ tiêu hóa, giúp hấp thu các chất dinh dưỡng, giảm cân, cải thiện lưu thông oxy trong máu, tăng cường năng lượng, giúp trí não minh mẫn, cải thiện tâm trạng, giúp làn da tươi sáng,…

Vậy uống nước bao nhiêu là đủ:

Theo Viện Hàn lâm khoa học kỹ thuật Hoa Kỳ, lượng nước đáp ứng nhu cầu của một người lớn mỗi ngày (chưa bao gồm lượng nước từ thức ăn) bình thường là:

  • 13,5 cốc nước (tương đương 3 lít) cho nam giới
  • 9,5 cốc nước (tương đương 2 lít) cho nữ giới

Hãy tăng lượng nước nếu đang tập thể dục cường độ cao hoặc sống ở vùng nắng nóng.

Cách nhận biết cơ thể thiếu nước dễ dàng là dựa vào cảm giác khát và màu sắc nước tiểu.

Nếu cảm giác khát xuất hiện, đây là chỉ dấu cho sự thiếu nước của cơ thể. Điều quan trọng cần lưu ý, người lớn tuổi sẽ bắt đầu mất cảm giác thèm uống vì cơ thể họ không báo hiệu cơn khát một cách đầy đủ. Do vậy, nếu có chỉ dấu khát là cơ thể thiếu nước khá nghiêm trọng rồi đấy.

Nước tiểu có màu hoặc sậm màu cho thấy cơ thể đang thiếu nước. Lượng nước thích hợp thì nước tiểu sẽ nhạt màu hoặc không màu.

Vậy sau khi đọc bài này xong, chúng ta cùng tự thưởng thức một ly nước mát tinh khiết và ngon lành nhé, món quà quý giá của cơ thể bạn!

Tăng sức đề kháng không ngăn chặn COVID-19, nhưng chúng có thể củng cố khả năng phòng thủ của cơ thể chống lại các mầm bệnh có hại.

(Bài viết được dịch và biên soạn từ tài liệu nguồn: https://www.sleepfoundation.org/, https://www.webmd.com/, và https://www.healthline.com/ )