From www.home.vnn.vn/gocyte


Biện pháp phòng ngừa bệnh thấp tim


Thấp tim là gì? Nhiều bà mẹ trẻ chưa hình dung nổi thấp tim là gì và mối nguy hiểm của thấp tim ra sao để biết cách phòng và chống bệnh. Thấp tim là một bệnh khá nguy hiểm bởi khi bị thấp tim thương tổn có tính chất toàn thân. Các bộ phận như: tim, thận, khớp, phổi, thần kinh, da v.v... đều có thể bị tổn thương ở mức độ khác nhau. Bệnh thường gặp ở độ tuổi từ 5-15, nếu không được chẩn đoán, điều trị đúng sẽ để lại di chứng đe dọa tính mạng lâu dài. Vì vậy có người đã ví bệnh thấp tim là kẻ thù nguy hiểm nhất của trẻ em tuổi học đường. Tuy nhiên, bệnh có thể phòng được.


Nguyên nhân của bệnh thấp tim: Bệnh thường được bắt nguồn sau một đợt viêm họng, viêm amidan, viêm xoang hoặc viêm da do nhiễm loại vi khuẩn có tên là: Liên cầu tan huyết nhóm A (streptococus typ A). Đặc biệt là sau nhiều đợt viêm cấp tái phát thì nguy cơ bị thấp tim càng cao.


Những biểu hiện của bệnh thấp tim


Trẻ thường sốt từ 38-40oC, có thể họng đỏ, vã mồ hôi, chảy máu cam, đái ít, mệt mỏi, kém ăn, sắc mặt nhợt nhạt.


Biểu hiện ở khớp: Điển hình là đau viêm sưng nóng đỏ ở một số khớp như: cổ chân, khớp gối, cổ tay, khớp khuỷu tay, ngón tay (viêm khớp di chuyển từ khớp này sang khớp khác) trong vòng 4-5 ngày rồi tự khỏi không để lại di chứng, không biến dạng khớp. Trường hợp nhẹ, trẻ chỉ đau mỏi khớp nên dễ bỏ qua.


Biểu hiện ở tim: Đây là biểu hiện thường gặp và rất nguy hiểm. Tổn thương ở tim có thể là: viêm màng trong tim và các van tim, viêm cơ tim hoặc viêm màng ngoài tim đơn độc. Song có thể toàn bộ tim bị viêm làm trẻ có biểu hiện như: mệt mỏi, tức ngực, hồi hộp, khó thở, loạn nhịp tim hoặc có những tiếng bất thường ở tim. Tình trạng viêm tim nặng có thể dẫn đến suy tim cấp nếu không được cứu chữa kịp thời có thể tử vong rất nhanh, hoặc để lại di chứng ở van tim nặng nề nguy hiểm về sau.


- Biểu hiện ở thần kinh: Đây là thể thấp tim rất đặc biệt; biểu hiện lúc đầu có thể trẻ chỉ thay đổi tâm tính, hay cáu gắt, mệt mỏi, có thể kèm theo rối loạn như: múa tay chân bất thường, nói khó, cầm đũa, bút viết hay rơi; viết xấu, không thẳng hàng v.v...


- Biểu hiện ở da: Trên da, đặc biệt là xung quanh một số khớp xuất hiện những hạt cứng bằng hạt ngô, hạt lạc, hạt táo hoặc những ban màu hồng bằng đồng xu ở ngực, tay, dọc cột sống, lưng v.v...


Kinh nghiệm cho thấy: Khi thấy trẻ ở lứa tuổi từ 5-15 bị viêm họng nhiều lần có đau mỏi, sưng, nóng đỏ ở các khớp, mệt mỏi, tức ngực, khó thở hoặc hồi hộp, đau vùng tim, hoặc có những biểu hiện bất thường về tâm thần vận động, tay múa vờn không tự chủ thì cần phải cho trẻ đi khám để phát hiện và điều trị phòng bệnh thấp tim ngay. Không nên chữa bằng các biện pháp dân gian, cúng bái sẽ rất nguy hiểm cho trẻ về sau.


Mặc dù bệnh thấp tim rất nguy hiểm nhưng nếu có ý thức phòng bệnh tốt sẽ tránh được nhiều hậu quả đáng tiếc và giảm khả năng mắc bệnh đáng kể.


Biện pháp phòng bệnh thấp tim cho trẻ em


Vệ sinh phòng bệnh tai mũi họng:


- Súc miệng, đánh răng hằng ngày, giữ ấm cổ, ngực, mũi họng về mùa đông. Không để trẻ nằm ngủ quay mặt trực tiếp vào luồng gió của quạt về mùa hè. Giữ vệ sinh nơi ở, tránh ẩm thấp, bẩn.


- Nếu trẻ bị viêm họng, viêm amidan hoặc viêm xoang cần phải đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng để điều trị triệt để.


- Nếu theo dõi thấy trẻ có một trong những dấu hiệu của thấp tim như đã mô tả ở trên cần phải đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế khám và điều trị kịp thời và tuân thủ chế độ tiêm phòng tái phát thấp tim theo sự hướng dẫn của thầy thuốc.


Việc tiêm phòng thấp tim ở trẻ đã bị thấp tim sau khi đã điều trị ổn định là rất cần thiết. Nếu không tiêm phòng bệnh sẽ dễ dàng tái phát nhiều lần và để lại di chứng ngày càng nặng dẫn đến suy tim không hồi phục rất nguy hiểm đến tính mạng cho trẻ.


Tốt nhất là tiêm phòng bằng thuốc penixilin đào thải chậm là: benzathyl penixilin, tiêm vào bắp thịt 3 tuần/lần. Thời gian tối thiểu là 5 năm. Nếu trong thời gian tiêm phòng mà trẻ vẫn bị tái phát bệnh thấp tim thì phải tiêm tới khi 21 tuổi hoặc suốt đời.