Bây giờ dịch thế này nên bọn trẻ con đều phải học online. Mà bọn trẻ học online thì xảy ra đủ thứ chuyện trên đời. Nhất là mấy đứa trẻ còn đang học cấp 1, đến khổ. Xong còn ảnh hưởng tới sức khỏe nữa chứ. Vì phải ngồi nhìn màn hình máy tính, điện thoại trong nhiều giờ, không hề tốt cho mắt, tai và có thể bị đau đầu nữa.

Mới đây, báo chí cũng có đăng tải những chia sẻ của BS. Trương Hữu Khanh (Trưởng khoa Nhiễm – Thần Kinh, BV Nhi đồng 1, TP. HCM) về vấn đề này. Theo đó, BS. Khanh đã có nhiều lời khuyên ý nghĩa về việc trẻ học trực tuyến trong mùa dịch.

Trẻ học online mùa dịch tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Theo BS. Khanh: Đã có nhiều trẻ học online than đau tai, đau đầu, ngứa mắt, nháy mắt. Gia đình cần hạn chế dùng tai nghe, giữ không gian yên lặng cho trẻ học, nếu cần thì gắn thêm loa ngoài. Nếu có thể thì đừng dùng điện thoại học online, nếu có thể đừng dùng máy tính bảng học online, hãy dùng màn hình to nhất. Tốt nhất là chuyển sang màn hình tivi.

Bên cạnh đó, gia đình cũng nên chú ý không để trẻ chơi game sau giờ học, bớt cho trẻ xem tivi sau giờ học. Thay vào đó, hãy cho trẻ tập thể dục và thực hiện các hoạt động thư giãn khác sau giờ học. ‘Hư mắt, hư tai hết, cẩn thận’, ông nói.

Việc để mắt phải tập trung nhìn các thiết bị điện tử trong thời gian dài dễ gây ra hội chứng khô mắt, mỏi mắt.

Trẻ em còn hay gặp phải tình trạng nóng mắt, ngứa mắt, chảy nước mắt. Thậm chí, nhìn nhiều quá có khi còn bị mờ nhòa, nhìn 1 mà ra 2 – 3 hình.

Những đứa trẻ phải học online bằng điện thoại thì còn nguy hiểm hơn. Bởi kích thước nhỏ khiến trẻ phải ‘dán’ mắt tập trung cao độ mới nhìn thấy rõ ràng mọi thứ được.

hình ảnh

Tuy nhiên, học online không tốt cho sức khỏe bé. Ảnh minh họa, nguồn: Internet

Dịch phức tạp, trẻ vẫn chưa thể đến trường thì học online là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, làm thế nào để có thể hạn chế tác hại

Trả lời vấn đề này, BS. Trần Đình Tùng (Trương khoa mắt, BV Thống Nhất) cho hay: Mùa dịch này, các bệnh về mắt phổ biến nhất với học sinh, sinh viên. ‘Trên máy tính, chữ sẽ không như mình đọc trên giấy. Chữ luôn nhấp nháy không có sự chính xác hoàn toàn. Sự tương phản của chữ trên màn hình cũng khác biệt, khiến mắt phải điều tiết liên tục để nhìn cho rõ chữ’, BS. Tùng nhận định.

Theo BS. Tùng, để khắc phục tạm thời những tác hại đến mắt khi phải học online, phụ huynh cần nhắc trẻ:

+ Để mắt nghỉ ngơi hợp lý giữa các quãng thời gian học tập: Cứ 20 phút lại để mắt nghỉ 20 giây bằng cách nhắm mắt hoặc nhìn xa. Nên nháy mắt 15 – 20 lần/phút để dàn đều nước mắt trên bề mặt nhãn cầu. Việc này giúp làm giảm nguy cơ bị khô mắt.

+ Thiết kế khu vực học tập phù hợp cho trẻ, cung cấp đủ ánh sáng, nên để nguồn sáng từ sau lưng chiếu đến.

+ Đặt máy tính, điện thoại cách xa mắt trẻ khoảng 1 cánh tay, để màn hình ngang với tầm mắt, tránh trường hợp cao hoặc thấp quá.

+ Chỉnh cỡ chữ và độ sáng trên màn hình phù hợp để mắt trẻ thấy dễ chịu.

hình ảnh

Tai, mắt bé có thể chịu ảnh hưởng xấu. Ảnh minh họa, nguồn: Internet

Đối với tai, để bảo vệ cơ quan này, BS. Nguyễn Vĩnh Phước (Trưởng khoa Tai – Mũi – Họng, BV Thống Nhất) chia sẻ: Việc sử dụng các thiết bị tai nghe là một phương pháp phổ biến với gia đình đông con hoặc gia đình mà cha mẹ và con đều phải online. Do đó, để giảm tác hại tới tai, hãy:

+ Cho trẻ dùng tai nghe loại chụp để đỡ cấn vào ống tai, đỡ làm đau tai và tránh được tiếng ồn nhiều hơn.

+ Điều chỉnh âm lượng vừa phải, khoảng 40 – 50 đề xi ben.

+ Với các loại tai nghe nhét tai, cần sử dụng loại có kích thước phù hợp để không làm tai chấn thương. Khi nhét tai nghe cũng nên nhẹ nhàng để tránh nguy cơ bị xước.

+ Nên vệ sinh tai nghe thường xuyên để tránh các loại vi khuẩn xâm nhập.

Tốt nhất, cha mẹ nên để bé học ở phòng riêng và sử dụng trực tiếp âm thanh từ máy tính, điện thoại sẽ tốt hơn.

Đây là toàn bộ kiến thức được đăng tải trên báo chí mà các mẹ nên biết để giúp con an toàn, khỏe mạnh qua mùa học online này đấy ạ.

Nguồn: Tổng hợp