Hôm qua đi làm về bà ngoại Sâu hốt hoảng bảo: Dịch chân tay miệng đang bùng phát đấy, có trẻ chết rồi, từ giờ phải cẩn thận với con Sâu và thằng Khoai mới được.

Nghe bà nói thế em mới lên mạng xem thông tin mà sốc luôn các mẹ ạ, bệnh đang tăng nhanh và diễn biến vô cùng phức tạp lắm, có 4 trẻ mất rồi, Bộ Y Tế cũng đã ra công văn khẩn về việc tăng cường chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh tay chân miệng rồi.

Cụ thể, từ đầu năm 2021 đến nay đã có 17.451 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng. Trong đó 4 trường hợp bé tử vong (tại Kiên Giang 2 , An Giang 1 và Long An 1). So với năm 2020 thì con số này tăng 4 lần, và chủ yếu ở khu vực miền Nam và một số tỉnh thành phố như: TP.HCM, Đồng Nai, Long An, Đồng Tháp, An Giang.

Bệnh này lưu hành quanh năm và lây qua đường tiêu hóa vì thế nên trẻ em là đối tượng dễ bị nhiễm bệnh nhất vì bọn nhóc chưa có kỹ năng vệ sinh cá nhân tốt và chưa tự thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Nhiều mẹ ở đây còn chưa biết về dấu hiệu của bệnh, em đã tham khảo và note dưới bài viết, các mẹ đọc để có kiến thức về căn bệnh nguy hiểm này ạ:

hình ảnh

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

1. Dấu hiệu nghi ngờ

- Con tự nhiên bỏ ăn, chảy nước miếng, khóc, hoặc kêu đau miệng.

- Sốt 1, 2 lần sau đó hết sốt thì nổi mụn ở lòng tay, chân, mông, đầu gối và trong miệng.

Lúc này các mẹ nên đưa khám đi ngay ạ

2. Dấu hiệu đã nặng hơn chút

- Sốt kéo dài 2 ngày, trên 39 độ, uống thuốc khó hạ sốt.

- Nôn ói

Nếu thêm 2 dấu hiệu này nữa thì các mẹ cần phải đưa con đến viện để kiểm tra và điều trị ạ.

hình ảnh

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

3. Dấu hiệu nặng

- Bé bị giật mình. Nhưng các mẹ phải để ý kỹ ạ nếu là kiểu giật mình lăn qua lăn lại khi ngủ sâu lại không phải dấu hiệu của bệnh chân tay miệng đâu ạ.

Phải là kiểu: Lúc vừa thiu thiu ngủ bé giật nảy người, nâng 2 tay, 2 chân lên, mở mắt rồi nhìn lên 1 nhịp rồi lại nhắm mắt thiu thiu ngủ lại. Như vậy mới là dấu hiệu của bệnh chân tay miệng ạ. Và nếu bệnh nặng thì sẽ lặp lại kiểu giật mình này.

- Tay chân yếu, người run, đi không vững.

Nếu thấy con bị như vậy thì các mẹ cần đưa bé đi viện gấp để được thăm khám, điều trị.

4. Nặng nghiêm trọng

- Thở mệt, da nổi bông, không thấy mạch hoặc đập quá nhanh.

Trường hợp này các mẹ phải đưa con đi bệnh viện gấp.

Cách phòng bệnh

hình ảnh

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

- Rửa tay: Trẻ cần rửa tay trước khi vào lớp, trước khi về nhà. Người lớn cũng phải rửa tay trước khi chăm bé, đặc biệt là mới đi ra ngoài về.

- Nếu con bị bệnh mà trước đó có đi học thì phải báo cô giáo để phòng cho các bé khác. Sau đó nghỉ học ít nhất 10 ngày.

- Ra phường xin thuốc sát trùng sàn nhà, đồ chơi.

- Vệ sinh nơi bé sinh hoạt, đồ chơi...

Nguồn tổng hợp