Mùa hè đang đến rất gần rồi và việc các bậc cha mẹ, người trông giữ trẻ phải tự nhắc bản thân mình cẩn thận hơn không bao giờ là thừa đâu bà con ạ. Việc trẻ bị đuối nước trong mùa hè thì năm nào cũng lặp lại rồi, đáng nói là trẻ có thể bị 'đuối nước' ngay cả khi không tắm nữa.

Một trường hợp bé 3 tuổi vừa mới xảy ra đây, mình đọc được thông tin trên báo mà xót xa vô cùng. Mình chia sẻ lại câu chuyện này ở đây mong là tất cả mọi người sẽ tự rút ra được bài học cho chính mình. Trẻ em không có lỗi nhưng lại là đối tượng gánh chịu hậu quả nếu chúng ta không cẩn thận hơn.

Cụ thể là ngày 8/5 vừa qua, bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) đã chia sẻ trên báo chí rằng bệnh viện vừa tiếp nhận một trường hợp bé N.T.H (3 tuổi, ngụ Long An) bị ngạt nước.

hình ảnh

Em bé được cấp cứu tích cực, ảnh: SK và ĐS

Tình huống vô cùng thương tâm. Gia đình của bé kể lại là trong lúc lấy nước (trong chiếc xô cao 50 cm) để chơi súng nước, không may bé H. bị ngã chúi đầu vào xô. Dù xô chỉ đựng một ít nước nhưng đến khi gia đình phát hiện bé đã tím tái, bất động. Ngay sau đó bé được chuyển đến bệnh viện địa phương trong tình trạng mạch và huyết áp bằng 0. Tại đây, bé được các bác sĩ tiến hành hồi sức tim phổi, đặt nội khí quản và chuyển ngay đến TP HCM cấp cứu.

Dù được các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Đồng 1 tích cực điều trị suốt 3 ngày nhưng thật sự đáng tiếc là cuối cùng bé đã không qua khỏi. 

Bác sĩ cảnh báo, chỉ trong vòng một tháng qua, tại các bệnh viện nhi trên địa bàn TP HCM liên tục tiếp nhận cấp cứu trẻ bị ngạt, đuối nước tại nhà. Khi trẻ đuối nước ngưng tim, phổi cần được hồi sức tim, phổi ngay tại hiện trường. Nếu tình trạng thiếu ôxy não kéo dài quá 4 phút, trẻ sẽ bị di chứng não nặng nề. Nếu kéo dài quá 10 phút, trẻ có thể nguy kịch đến sự sống.

Gần đây nhất là cách khoảng 1 tuần, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố cũng tiếp nhận 4 trẻ bị ngạt nước liên tục. Trong đó, một trường hợp bé gái 2 tuổi cũng nguy kịch vì ngã chúi đầu vào xô nước cao 50 cm. Thời gian bé bị ngã khoảng 5 phút dẫn đến bất tỉnh, tím tái. May mắn hơn trường hợp nói trên là bé được cứu kịp thời nên đã qua cơn nguy kịch.

hình ảnh

Xô nước, ảnh: DA

Bác sĩ Phương cảnh báo tai nạn đuối nước ở trẻ nhỏ có thể xảy ra tại hồ bơi, ao hồ và ngay cả trong nhà với các vật dụng như xô, chậu nên các gia đình đều cẩn hết sức cẩn thận.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TP HCM) khi trẻ ngạt nước, cha mẹ cần tránh thực hiện các cách sơ cứu sai lầm như xốc nước, hơ lửa. Làm như vậy không có tác dụng cấp cứu mà còn khiến con bỏ lỡ thời gian vàng được cứu chữa đúng.

Cách đúng nhất khi trẻ đuối nước cần nhanh chóng đặt nằm chỗ khô ráo, thoáng khí. Nếu bé bị ngưng thở, hãy tiến hành ấn tim ngoài lồng ngực ở nửa dưới xương ức. Phối hợp ấn tim và thổi ngạt trong 2 phút rồi đánh giá xem nạn nhân có thở lại được không. Nếu không thì vẫn phải tiếp tục các động tác cấp cứu này ngay cả trên đường chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế.

Nếu thấy bé còn tự thở hoặc đã tự thở lại sau khi sơ cứu thì vẫn cần được nhanh chóng đưa đến bệnh viện vì nguy cơ khó thở thứ phát có thể xảy ra vài giờ sau ngạt nước.