Trẻ dưới 1 tuổi, nhất là những bé dưới 6 tháng thì thường diễn biến nhanh lắm nha các mẹ!

Nhất là khi thấy con có biểu hiện gì không ổn là phải theo dõi thật kĩ, tốt nhất nên có số điện thoại của 1 bác sĩ chuyên khoa để tham khảo ý kiến nếu không thì sẵn sàng đưa con đi viện bất cứ lúc nào.

Thực tế nhiều trường hợp đã phải hối hận rồi đấy. Hôm nay mình lại đọc được 1 trường hợp về em bé này mới 2 tháng tuổi. Chỉ sau 3 ngày thờ khò khè và sốt, bé đã chuyển biến xấu rất nhanh, vào viện phải bật báo động đỏ toàn bệnh viện.

Các mẹ nghĩ đi, đứa con dứt ruột đẻ ra chưa nói đến công lao nuôi dưỡng chăm sóc thì tình cảm dành cho con cũng là vô bờ bến rồi, nếu con có mệnh hệ gì liệu bố mẹ có sống tiếp được không? Vì thế đừng vì một phút chủ quan mà để rồi phải ân hận cả đời các mẹ ạ.

Mình chia sẻ lại câu chuyện ngay bên dưới cho mọi người cùng biết nhé

Câu chuyện này được Thạc sĩ Bác sĩ Nguyễn Đức Long - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ chia sẻ lại trên báo. Qua đây cũng cảnh báo cho các mẹ đang nuôi con nhỏ đừng bao giờ coi thường những biểu hiện ở con dù cảm giác như đó chỉ là những triệu chứng đơn giản nhé.

Cụ thể trường hợp của em bé này mới 2 tháng tuổi ở Phú Thọ.

3 ngày trước khi được bố mẹ đưa vào viện, bé có biểu hiện sốt từng cơn, ho, thở khò khè.

hình ảnh

Báo động đỏ toàn bệnh viện để cấp cứu em bé 2 tháng, ảnh: PNPL

Bác sĩ Long cho biết, khi vào khoa cấp cứu bệnh viện, bé đã hôn mê sâu, da môi tím tái, SpO2 không đo được, tây chân lạnh, đồng tử giãn, tim ngừng đập, bụng chướng căng, gan lách không sờ thấy.

Nhận thấy tình hình vô cùng cấp bách, các bác sĩ đã kích hoạt báo động đỏ toàn viện. Sau 45 phút cấp cứu liên tục, êkip gồm các bác sĩ khoa cấp cứu, khoa Hồi sức tích cực, khoa Sơ sinh đã tập trung bóp bóng, ép tim, tiêm thuốc trợ tim thì trẻ mới bắt đầu có nhịp tim trở lại. 

Sau đó, con được đưa lên khu điều trị tích cực tại khoa Hồi sức tích cực - chống độc, các bác sĩ tiên lượng nặng.

Theo như gia đình kể lại, khi thấy con có biểu hiện sốt, khò khè, gia đình đã đưa bé đến khám tại một phòng khám tư nhân. Sau đó, con được bác sĩ ở đây chẩn đoán bị viêm phế quản, được kê thuốc uống.

Sau 2 ngày dùng thuốc, bé đã đỡ sốt, vẫn còn thở khò khè nhưng không đi ngoài, có hiện tượng bụng chướng và bú kém hơn.

Đến sáng sớm 10/1, bố mẹ thấy bé lịm dần đi nên vội vàng đưa vào Bệnh viện Sản nhi cấp cứu.

Về tiền sử sức khỏe, em bé này sinh đủ tháng, con ăn hoàn toàn sữa mẹ, sức khỏe từ khi sinh ra phát triển bình thường, không có bệnh tật gì đáng chú ý.

Vậy mà chỉ sau 3 ngày có biểu hiện, con đã chuyển biến rất nhanh. Chính vì vậy, bác sĩ Long đã đưa ra khuyến cáo cho các mẹ như sau:

Với trẻ dưới 3 tháng tuổi bị viêm đường hô hấp thì có thể diễn biến rất nhanh. Người chăm sóc con là bố mẹ cần lưu ý điều này. Nếu thấy con biểu hiện như sốt, khó thở, bỏ bú thì cần nhanh chóng đưa vào bệnh viện để kiểm tra. Nếu muốn ra phòng khám tư cũng được nhưng cần chọn địa chỉ uy tín, đặc biệt là cần khám đúng bác sĩ có chuyên môn về nhi khoa để được chẩn đoán bệnh cũng như có phác đồ điều trị  chính xác cho bé.

hình ảnh

Trẻ sơ sinh bị viêm đường hô hấp cần được theo dõi kĩ lưỡng, ảnh minh họa, nguồn: VM

Theo quan điểm của Thạc sĩ BS Nguyễn Tiến Tùng (BV Medlatec): Trẻ sơ sinh do sức đề kháng kém, khó thích nghi với những thay đổi môi trường nên có nguy cơ cao mắc các bệnh viêm đường hô hấp.

Cách nhận biết triệu chứng của bệnh viêm đường hô hấp trên là: ngạt mũi, sổ mũi, thò khò khèm, sốt nhẹ, hắt hơi, ho ít, nôn trớ,...Lúc đầu thường nhẹ, nhưng nếu chăm sóc không đúng hoặc đề kháng yếu thì sẽ tiến triển thấy rõ qua các triệu chứng tăng nặng lên. Thậm chí, có những trường hợp viêm đường hô hấp trên ở các bé sơ sinh tiến triển thành viêm đường hô hấp dưới rất nguy hiểm.

Các bác sĩ phân tích thêm giúp mẹ nhận biết về viêm đường hô hấp trên do virus là: Dịch mũi của trẻ trong suốt, lỏng, ban đầu chỉ có ít nhưng về sau sẽ nhiều dần lên.

Khác với trường hợp bị bội nhiễm hoặc viêm do vi khuẩn thì dịch mũi sẽ đục, đặc hơn, có màu vàng hoặc xanh trong 2 - 3 ngày sau khi khởi phát.

Nếu bé có các biểu hiện như thở nhanh, sốt vừa đến sốt cao, ho nhiều, co rút lồng ngực, da hoặc môi lưỡi tím tái thì đã ở tình trạng nặng đến rất nặng. Lúc này, trẻ cần được cấp cứu càng sớm càng tốt, bố mẹ tuyệt đối không nên chần chừ đi viện kẻo khiến con gặp nguy hiểm.

Để phòng ngừa trẻ sơ sinh bị viêm đường hô hấp, bác sĩ khuyên bố mẹ nên làm những việc sau:

Giữ gìn không gian sống, phòng ngủ sạch sẽ. Chú ý đến nhiệt độ phòng thích hợp cho bé ở khoảng 25 - 26 độ C kể cả khi trời nóng (chú ý đây là nhiệt độ phòng chứ không phải nhiệt độ trên máy điều hòa)

Cho bé ăn uống đủ chất, đúng với như cầu: Bú sữa mẹ hoặc sữa công thức, bổ sung các loại vitamin theo tư vấn của bác sĩ

Chú ý vệ sinh đường thở cho trẻ bằng nước muối sinh lý, không dùng các cách truyền miệng như dùng tỏi, hành, mật ong...