Bệnh dại là căn bệnh rất đáng sợ do virus dại gây ra. Hàng năm vẫn có rất nhiều những trường hợp ra đi vì căn bệnh này dù đã có vaccine phòng bệnh dại.

Đặc biệt rất nhiều trường hợp là trẻ nhỏ, khi bệnh khởi phát thì dù có là bác sĩ giỏi cỡ nào cũng bó tay. Cả gia đình và bác sĩ đều bất lực nhìn nạn nhân ra đi trong đau đớn mà không cách nào cứu nổi.

Như 2 trường hợp gần đây báo chí đưa tin cũng vậy. 2 em nhỏ cùng ở Phú Thọ đều không qua khỏi sau khi bị chó mang virus dại cắn. Theo các bác sĩ thì trường hợp của 2 bé này nếu được tiêm vắc xin phòng dại sớm thì chuyện đau lòng đã không xảy ra.

2 bé, một bé mới 16 tháng tuổi và 1 bé 4 tuổi. ThS.BS Cao Việt Hưng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ cho biết: Cả hai bệnh nhi đều nhập viện hồi tháng 8.

Trường hợp đầu tiên là bé T.M.L (16 tháng tuổi). Bé nhập viện ngày 12/8 trong tình trạng rất nặng: Suy hô hấp, tím tái toàn thân, ý thức lơ mơ. Tại bệnh viện bé L được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng, nhiễm trùng huyết, chưa loại trừ được viêm cơ tim cấp và viêm não - màng não.

Các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, ngay lập tức đã tiến hành điều trị tích cực, cho thở máy nâng cao, dùng các thuốc trợ tim vận mạch nhằm giúp trẻ duy trì sự sống. Đồng thời, các bác sĩ tiến hành siêu lọc máu liên tục, loại trừ độc tố trung gian, hỗ trợ các tạng suy để ổn định chỉ số sinh tồn.

hình ảnh

Virus gây bệnh dại. Ảnh minh họa, nguồn: Internet

Thế nhưng, đến ngày thứ 2 điều trị tình trạng của L càng nặng hơn. Bé bị viêm phổi nặng, toan hóa máu không cải thiện kèm theo chảy máu tiêu hóa.

Các bác sĩ tiến hành thăm khám kỹ thì phát hiện dưới mi mắt trẻ có vết sẹo mờ nhưng đã khỏi. Hỏi về vết sẹo này thì được gia đình bé L cho biết là: Khoảng 1 tháng trước đó, bé có ra đường và bị chó cắn hay cào gì đó vào vùng mi mắt dưới bên trái khiến da bị rách.

Sau đó gia đình có đưa bé đến bệnh viện khâu vết thương, lúc đó gia đình cũng được các bác sĩ chỉ định nên tiêm phòng vắc xin dại cho bé.

Nhưng vấn đề là gia đình nghĩ vết thương cũng nhỏ, bé lại không đau lắm, và đặc biệt là sợ tiêm phòng dại có thể làm con bị suy giảm trí nhớ nên gia đình bé L quyết định không tiêm.

Ngay sau khi biết được thông tin đó thì các bác sĩ lập tức tiến hành chọc dịch não tủy của bé L để làm xét nghiệm PCR tìm virus dại. Kết quả là phát hiện rất nhiều virus dại trong dịch não tủy của bé L.

Bé L sau đó dược trả về với gia đình vì bệnh dại khi phát cơn thì không còn cách nào cứu chữa nữa. 2 ngày sau khi về nhà bé L ra đi.

hình ảnh

Tiêm vắc xin giúp phòng bệnh dại. Ảnh minh họa, interenet

Trường hợp thương tâm thứ 2 là bé V.V.H (4 tuổi). Ngày 26/8 bé H nhập viện tại bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ. Bé nhập viện trong tình trạng: Kích thích, hoảng hốt, mắt đảo liên tục, hét, nói không rõ trọng tâm, tay chân vận động không rõ định hướng, tăng trương lực cơ toàn thân.

Trước đó 2 tháng, bé H. bị chó cắn vào vùng cằm, có chảy máu nhưng gia đình cũng không cho bé đi tiêm phòng dại. Đến ngày 24/8, bé nôn khan nhiều, kèm theo kích thích, quấy khóc, sợ nước, sợ gió, hoảng loạn nên người thân đưa đi khám.

Các bác sĩ nghi bé nhiễm bệnh dại nên cũng tiến hành chọc dịch não tủy làm xét nghiệm PCR. Kết quả cũng phát hiện nhiều virus dại trong dịch não tủy. Sau đó không lâu bé H cũng không qua khỏi.

Tiêm vắc xin phòng dại có nguy hiểm tới sức khỏe?

Trước giờ mọi người vẫn thường có quan niệm không tốt về vaccine phòng dại. Tùy vào mỗi địa phương người ta lại đồn đoán đủ mọi thông tin tiêu cực nếu tiêm loại vắc xin này như: Vô sinh, giảm tuổi thọ, giảm trí nhớ, teo cơ…

Cũng chính vì vậy mà nhiều gia đình lựa chọn không tiêm cho con khi bị chó cắn. Hậu quả là như mọi người đã thấy và 2 trường hợp trên là 1 ví dụ điển hình, trẻ phát cơn dại và không thể cứu chữa nữa.

Theo bác sĩ Hưng, quan điểm trên không phải thiếu cơ sở. Điểm hạn chế của vắc xin phòng dại thế hệ cũ là được sản xuất, tinh chế từ não chuột, độ tinh khiết không cao, vì vậy có thể gây phản ứng cho người tiêm như: Sốc phản vệ, ảnh hưởng đến thần kinh, suy giảm trí nhớ…

hình ảnh

Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ điều trị cho bệnh nhi bị bệnh dại. Nguồn: VNN

Nhưng hiện nay theo bác sĩ Hưng nói: "Loại vắc xin này đã ngừng sử dụng cách đây hàng chục năm. Hiện vắc xin phòng dại thế hệ mới là vắc xin vô bào, nhập khẩu từ Pháp, chất lượng rất tốt và hoàn toàn không có bất kỳ tác dụng có hại nào tới trí não, hệ thần kinh của người được tiêm phòng". Giờ thì mọi người đã hoàn toàn yên tâm rồi nhé, đừng để tới lúc hối hận thì đã quá muộn rồi.

Đã từng tiếp xúc và chứng kiến khá nhiều trường hợp bệnh nhi không qua khỏi do mắc bệnh dại, BS. Cao Việt Hưng chia sẻ: “Đó là nỗi ám ảnh dai dẳng không chỉ của riêng mình mà còn của rất nhiều đồng nghiệp khác nữa. Khi biết bệnh nhi phát bệnh dại, chứng kiến những đứa trẻ còn rất nhỏ dần dần tuột mất khỏi vòng tay mình mà không cách gì cứu chữa được, bác sĩ và người nhà đều rất đau lòng”.

Các bác sĩ khuyến cáo các bố mẹ, người chăm sóc trẻ cần quan sát, chú ý trông nom trẻ cẩn thận, không nên cho trẻ chơi chung với chó, mèo nhiều. Nếu là chó mèo của gia đình thì phải bắt buộc tiêm phòng đầy đủ định kỳ. Khi nghi ngờ trẻ có tiếp xúc không an toàn với chó, mèo hoặc bị chó, mèo cào, cắn, liếm lên vết thương hở thì mọi người cần đưa trẻ đi tiêm phòng dại ngay trước khi quá muộn.

Biểu hiện của bệnh dại

Biểu hiện của bệnh dại trên người là: Sợ nước, sợ gió, co giật, liệt. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ không qua khỏi gần như 100% đối với cả người và động vật nha mọi người.

Về thời gian ủ bệnh: Tùy vào tình trạng vết cắn mà thời gian ủ bệnh khác nhau. Nạn nhân có thể phát bệnh sau vài tuần, nhưng có thể tới cả năm, dù vết thương đã liền sẹo, thậm chí người ta còn quên mất việc người bệnh từng bị chó cắn.

Những thông tin này mình đọc được trên báo nên chia sẻ lại. Giờ hầu hết nhà ai cũng nuôi chó, mèo, hoặc không nuôi thì ngay hàng xóm cũng nuôi. Mà đa phần là mọi người chủ quan không bao giờ tiêm phòng dại, hoặc tiêm không đúng, đủ liều lượng nên nguy cơ chúng mắc bệnh dại là rất lớn.

Vậy nên trong nhà có trẻ con thì mọi người hết sức lưu ý, tốt nhất là không cho trẻ nhỏ chơi với chó mèo chưa được tiêm phòng dại, tránh để lại hậu quả đáng tiếc.

Nguồn tổng hợp