Bệnh tay chân miệng lại đang đang bắt đầu vào mùa, 4 bé qua đời rồi đấy các mẹ. Mấy hôm nay cho con đi học mà cứ thấy lo các mẹ ạ. Mới 2 tuần trước có phụ huynh thông báo con chị ấy có biểu hiện mắc bệnh này nên phải nghỉ học vào viện điều trị, làm cả lớp nhốn nháo hết cả lên. Vấn đề là trước đó bé cũng bị sốt và có dấu hiệu nổi ban nhưng bố mẹ vẫn cho đi học. Giờ có thông báo bị bệnh thì cả phụ huynh và cô giáo đều rất lo lắng là đã lây sang các bạn khác.

Giờ con đi học lo quá các mẹ ạ, nghỉ ở nhà thì không có người trông, mà đến trường thì chỉ sợ dịch bệnh lây lan thì khổ các bé. May mà từ hôm ấy cứ cuối giờ học cô giáo và một vài phụ huynh lại vệ sinh lớp, lau chùi mọi thứ bằng nước diệt khuẩn để các con hôm sau đến trường an toàn, nên các mẹ có con tuổi mầm non như mình thấy yên tâm hơn rồi đấy.

hình ảnh

Bệnh nhân mắc tay chân miệng gia tăng. Ảnh: Vietnamnet

Thế mà sáng nay vừa tới cơ quan, mở máy lên lướt mạng xem có gì mới không, thì giật mình khi đọc được thông tin có tới 8 em bé nguy kịch phải lọc máu, thở máy vì mắc tay chân miệng mới sợ chứ, không ngờ căn bệnh này lại nguy hiểm vậy đâu.

Bác sĩ Nguyễn Hải Thịnh - Trưởng Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2021, số ca trẻ mắc tay chân miệng tăng mạnh. Riêng trong tháng 3 có tới 257 ca điều trị nội trú, ở 2 tuần đầu tháng 4 có 109 ca và hiện trung bình bệnh viện tiếp nhận từ 10 - 20 trẻ bị bệnh tay chân miệng mỗi ngày. Trong khi đó, năm 2020 tại Đà Nẵng chỉ ghi nhận hơn 90 ca mắc căn bệnh này.

8 trẻ nguy kịch phải lọc máu, thở máy vì bị tay chân miệng

Đây là thông tin vừa được bác sĩ Thịnh chia sẻ. Theo chuyên gia này thì trong số các ca điều trị nội trú tại bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng vì tay chân miệng, có 8 trường hợp nặng, nguy kịch ở độ III, IV. Các bé này phải nằm khoa hồi sức, can thiệp chuyên sâu như lọc máu, truyền Globulin miễn dịch và thở máy.

Bác sĩ Thịnh cho biết, qua kết quả xét nghiệm mẫu dịch họng của các bệnh nhi này cho thấy, có 3 ca nhiễm chủng virus EV71. Đây là 1 trong 2 loại virus nguy hiểm, may mắn là các bé được cứu chữa kịp thời nên không để lại di chứng.

Theo bác sĩ Thịnh, các biến chứng của tay chân miệng rất nguy hiểm. Cụ thể, đây là những biến chứng khó phục hồi như viêm màng não, viêm não màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp.

Đáng nói là tay chân miệng diễn tiến rất nhanh và nguy cơ qua đời, có thể chỉ trong vòng 24 giờ. Vì vậy, các bé cần được bảo vệ trong mùa cao điểm của dịch bệnh này.

hình ảnh

Nhiều trẻ phải thở máy, lọc máu vì bị tay chân miệng. Ảnh: Thanh niên

Bác sĩ hướng dẫn cách bảo vệ trẻ trong mùa tay chân miệng như sau:

Theo bác sĩ Thịnh, tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm xuất hiện phổ biến ở trẻ dưới 5 tuổi, trong đó trẻ 1-3 tuổi có nguy cơ mắc cao nhất. 

Do vậy, để bảo vệ trẻ nguy cơ mắc bệnh, bác sĩ Thịnh khuyên:

+ Nhà trường kết hợp chặt chẽ với phụ huynh để theo sát tình hình sức khỏe của mỗi bé, không cho con đến lớp khi có biểu hiện sốt, nổi ban để tránh lây lan cho các bạn khác.

+ Vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy (với cả người lớn và trẻ em), đặc biệt rửa tay sạch sẽ trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

+ Thường xuyên lau sạch bề mặt tiếp xúc hàng ngày của trẻ như đồ chơi, đồ dùng học tập, tay vịn cầu thang, tay nắm cửa, mặt bàn ghế, sàn nhà.

+  Khi thấy có các dấu hiệu nghi ngờ bệnh tay chân miệng như sốt, nổi ban ở tay, chân, gối thì cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.

Nguồn: Tổng hợp