Một nhà máy điện chạy than có quy mô thông thường đốt 1,4 triệu tấn than mỗi năm và xả ra môi trường khoảng 3,5 triệu tấn khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính.

hình ảnh
Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Bình Thuận) đã từng gây ô nhiễm môi trường buộc người dân phải phản đối - Ảnh: M.Trân

Nghiên cứu của Liên hiệp Các nhà khoa học quan ngại Mỹ cho biết thông tin trên. Mỗi năm, một nhà máy điện than trung bình còn xả ra môi trường nhiều loại khí độc hại khác, bao gồm 14.100 tấn SO2, 10.300 tấn NO, 500 tấn hạt PM, 77kg thủy ngân... SO2 tạo ra hạt axit trong không khí, có thể xâm nhập phổi và đi vào máu, đe dọa sức khỏe con người.

SO2 còn gây ra mưa axit phá hủy đồng ruộng, rừng xanh, gây axit hóa sông suối. NO tạo ra khói bụi, gây các bệnh về hô hấp. Hạt PM gây bệnh viêm cuống phổi và hen suyễn. Thủy ngân có thể làm tổn thương não và gây các bệnh tim mạch, chưa kể chì, cadmium, uranium, khí CO, hydrocarbon, thạch tín...

Trong khi đó, nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới và các tổ chức môi trường hồi năm 2008 cho thấy ô nhiễm do đốt than là nguyên nhân khiến 1 triệu người trên thế giới thiệt mạng mỗi năm.

Riêng ở Mỹ, nhà máy điện than là thủ phạm rút ngắn cuộc sống của gần 13.000 - 24.000 người/năm, trong đó 2.800 người mắc bệnh ung thư phổi.

Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ ước tính có thể ngăn chặn 13.000 - 34.000 người chết sớm, 15.000 vụ suy tim, 19.000 trường hợp viêm cuống phổi, 400.000 ca hen suyễn nếu giảm tỉ lệ hạt PM và các chất gây ô nhiễm khác từ nhà máy điện than. 

Trung Quốc và Mỹ đóng cửa nhiều nhà máy điện than

Ở Trung Quốc, bầu không khí xám xịt tại Bắc Kinh chủ yếu xuất phát từ các nhà máy điện chạy than.

Khảo sát của chính quyền Trung Quốc năm 2014 cho thấy ở 90% trong tổng số 16 thành phố lớn trên cả nước, chất lượng không khí không đạt tiêu chuẩn an toàn.

Theo Tân Hoa xã, trong năm 2016 Bắc Kinh sẽ đóng cửa bốn nhà máy điện than lớn nhất, thay thế bằng nhà máy điện khí đốt.

Từ năm 2013 đến cuối năm nay, Trung Quốc đã và sẽ đóng cửa hơn 2.000 nhà máy điện chạy than. Tại Mỹ, 179 dự án nhiệt điện than mới đã bị ngăn chặn và 165 nhà máy đang vận hành đã ngừng hoạt động.

SƠN HÀ

Phải lắp hệ thống quan trắc tự động

Ông Hoàng Dương Tùng, phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên - môi trường) cho biết Bộ Tài nguyên - môi trường đang thống kê các nhà máy nhiệt điện than, phân loại về hệ thống xử lý của từng nhà máy, nhà máy nào đã có hệ thống quan trắc, nhà máy nào chưa có hệ thống quan trắc, sau đó thông tin tới Bộ Công thương và báo cáo Chính phủ.

“Theo quy định mới, các nhà máy nhiệt điện than phải có hệ thống quan trắc tự động, truyền các số liệu quan trắc tới các cơ quan quản lý qua online, các nhà máy sẽ không trốn được việc không hoạt động hệ thống xử lý khí bụi, không xử lý các chỉ số về môi trường” - ông Tùng nói.

Giáo sư - viện sĩ Trần Đình Long, phó chủ tịch Hội Điện lực VN, cho biết nhiều nghiên cứu trên thế giới đã đưa ra tính toán để giải quyết triệt để những ảnh hưởng xấu đến môi trường như lọc các chất thải rắn, khói bụi, khí độc... do nhà máy nhiệt điện than gây ra.

Tuy nhiên, chưa có nhà máy nhiệt điện nào ở VN giải quyết triệt để những tác động xấu đến môi trường.

Do đó, ông Long đề nghị cơ quan quản lý phải yêu cầu doanh nghiệp có những giải pháp như lọc bụi, khử chất độc, thậm chí phải có công nghệ xử lý nhiên liệu trước khi đưa vào đốt nhằm ngăn chặn ô nhiễm môi trường. 

L.THANH - X.LONG

https://tuoitre.vn/gay-nhieu-benh-tat-977497.htm