Nói đến bệnh thủy đậu nhiều người sẽ nghĩ: Không sao đâu, bệnh này ai chẳng bị 1 lần, bị rồi mất mấy ngày là khỏi thôi.

Trên thực tế, đúng là có những người bị thủy đậu chỉ cần điều trị ở nhà là có thể khỏi. Nhưng không phải tất cả ai cũng như vậy. Mình vừa đọc trên báo có trường hợp một người đàn ông mới 32 tuổi đã 'ra đi' vì mắc thủy đậu, người này bị lây từ con gái nhỏ và không thể ngờ rằng anh lại không thể qua khỏi.

Mình chia sẻ lại câu chuyện ở đây đẻ mọi người cẩn trọng hơn nha, không thể nói trước điều gì với bệnh tật và càng không thể chủ quan với sức khỏe dù chúng ta đang ở bất cứ độ tuổi nào.

Cụ thể theo chia sẻ của PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, đơn vị này đã tiếp nhận điều trị cho hàng chục bệnh nhân mắc thủy đậu khoảng một tháng gần đây. Trong số những người nhập viện điều trị, đa phần bệnh nhân đã có biến chứng hoặc là đối tượng nguy cơ cao ví dụ như phụ nữ mang thai.

hình ảnh

Bệnh thủy đậu có thể lây qua tiếp xúc, ảnh minh họa, nguồn: LDAD

Đặc biệt, trung tâm đã ghi nhận một trường hợp người lớn không qua khỏi do biến chứng của thủy đậu. Đó là nam bệnh nhân 32 tuổi, nhập viện ngày 23/4, được chẩn đoán mắc thủy đậu có biến chứng viêm phổi, suy gan.

Trường hợp này được đưa vào khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, trong tình trạng sốt cao kèm theo các triệu chứng suy đa phủ tạng, hôn mê, xuất huyết não, 2 phổi đông đặc, tổn thương tim.

Trước khi vào viện 4 ngày, người này xuất hiện nốt phỏng nước dưới da kèm sốt, gai, rét. Anh có đi khám tại phòng khám tư, được chẩn đoán mắc thủy đậu và dùng thuốc nhưng không đỡ. Sau đó, anh được người nhà đưa vào bệnh viện địa phương nhưng bệnh diễn tiến nặng nên được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai.

Theo như gia đình bệnh nhân cho biết, nam bệnh nhân này trước đó có sức khỏe tốt, không có bệnh lý nền. Đáng nói là 2 tuần trước khi nhập viện, anh có tiếp xúc con trai mắc thủy đậu.

hình ảnh

Tiêm phòng để phòng ngừa thủy đậu, ảnh: DAD

Tuy nhiên, PGS Cường cho biết: Chưa đầy 24 giờ sau khi nhập viện, bệnh nhân được chuyển sang Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, bệnh tình diễn biến rất nhanh. Sau 10 giờ chuyển đến trung tâm, anh có dấu hiệu tim đập nhanh. 5 giờ sau đó, các dấu hiệu sinh tồn của người bệnh giảm. Anh được gia đình xin về nhà.

Dù được bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng chuyển trung tâm quá muộn và có nhiều biến chứng, bệnh nhân tử vong.

Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm do virus Varicella Zoster gây ra. Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp, tiếp xúc (giọt bắn, dịch tiết). Người lành dễ bị nhiễm bệnh nếu hít phải giọt bắn khi bệnh nhân ho, hắt hơi, nhảy mũi hoặc tiếp xúc dịch tiết, vùng da bị tổn thương của người mắc.

Đây là bệnh truyền nhiễm tổn thương ngoài da, lành tính. Thông thường, các trường hợp khỏe mạnh mắc thủy đậu sau khoảng một tuần sẽ tự hết bệnh, không để lại di chứng. Tuy nhiên, vẫn có thể xảy ra những biến chứng mà không thể nói trước được.

Đặc biệt, phụ nữ mang thai mắc thủy đậu rất dễ lây cho thai nhi.

Nếu để bệnh phát triển nặng, người bệnh rất dễ gặp các biến chứng như viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt phỏng, viêm mô tế bào, viêm gan… Một số trường hợp có thể gây tử vong nếu người bệnh không được điều trị kịp thời.

Để đề phòng thủy đậu, PGS Cường khuyến cáo mọi người nên chủ động tiêm vaccine, nhất nhóm người có nguy cơ cao.

Trẻ 1-12 tuổi nên được tiêm 2 liều. Liều thứ 2 được tiêm cách liều thứ nhất 6 tuần trở lên hoặc trong khoảng 4-6 tuổi để gia tăng hiệu quả phòng bệnh và giảm nguy cơ tái mắc bệnh. Trẻ trên 13 tuổi, thanh niên và người lớn, tốt nhất nên tiêm 2 liều cách nhau sau 6 tuần.

Bản thân mình cũng có con nhỏ nên khuyên thật mọi người đừng vì tiếc chút tiền mà không tiêm cho con. Trẻ mắc thủy đậu rất là tội, ngay cả với người lớn đã khó chịu rồi thì thử hỏi với trẻ con sẽ còn khó khăn đến mức nào. Nên là hãy hành động đúng đắn vì sức khỏe của cả gia đình nhé.