Từ lâu rồi mình đã đọc được thông tin nói là chảo chống dính gây hại sức khỏe các kiểu. Thú thật thì mình đọc thì đọc thôi chứ chả quan tâm vì nhà mình vẫn dùng bao nhiêu năm nay, có ai bị làm sao đâu nè. Vậy nên mình cũng chỉ đọc qua qua thôi chứ không quan tâm.

Đến hôm qua, cô em chồng xinh đẹp sang nhà mình chơi. Mình bận con nên em chồng có xuống bếp phụ nấu ít đồ ăn. Lúc sau thấy cô chạy lên nhà với vẻ ‘hớt ha hớt hải’ kêu là sao lại dùng chảo chống dính. Dùng thế có ngày bệnh đấy. ‘Chị không nghĩ cho chị thì cũng phải nghĩ cho anh tôi và cháu tôi chứ’, cô gắt lên. Sau khi em chồng về rồi, mình mới lên tìm hiểu thêm xem có thật là chảo chống dính gây bệnh không.

Mình tìm hiểu thì thấy trên báo chí có đăng tải ý kiến của chuyên gia như thế này đây các mẹ.

hình ảnh

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Có thật là dùng chảo chống dính ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, gây ung thư?

Gần đây, có không ít ý kiến cho rằng chảo chống dính vô cùng độc hại, có thể gây ung thư vì lớp chống dính phủ trên bề mặt chảo có chứa Ammonium Perfluorooctanoate (PFOA). Đây là chất có thể gây ung thư khi sử dụng để nấu ăn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia dinh dưỡng thì chảo chống dính không độc như ‘lời đồn’. Thức ăn không bị dính vào chảo khi nấu là do lớp phủ dưới đáy. Lớp này là Polytetrafluoroetylen, thường được gọi là Teflon, và để cố định PTFE trên bề mặt thì cần phải có PFOA.

Theo TS. Phạm Thành Quân (ĐH Bách Khoa TP. HCM) cho biết: Teflon về bản chất là một chất trơn, không gây ra phản ứng nhiều với cơ thể con người. Chất này bị phân hủy ở nhiệt độ cao, trên 300 – 4000 độ C, là chất hữu cơ bền nhất. Trong khi đó, nhiệt độ để nấu ăn bình thường chỉ dao động ở mức 130 – 190 độ C và không vượt quá 250 độ C.

Phần độc hại chính là phần keo dính chất Teflon vào bề mặt kim loại. Phần keo này rất dễ bị phân hủy bởi nhiệt và tạo ra các chất gây hại tới sức khỏe khi ở nhiệt độ cao. Khi dùng lâu dài, chất bám dính sẽ bong tróc ra và không liên kết được Teflon với bề mặt kim loại. Khi đó thì không nên tiếp tục sử dụng.

GS. Phạm Văn Khôi (Viện Hóa học Việt Nam) cũng khẳng định: Teflon là một hợp chất khó hấp thụ. Vì thế, kể cả khi đi vào cơ thể con người thì chúng cũng tự bị đào thải ra. Do đó, bạn không cần lo lắng tới việc Teflon sẽ tích tụ và gây bệnh trong cơ thể.

Đến nay, vẫn chưa có cảnh báo nào liên quan tới việc nên ngừng sử dụng Teflon cho các loại chảo chống dính.

hình ảnh

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chuyên gia đã phân tích rõ lớp keo dính có thể gây hại, vì thế mọi người cần chú ý những điều sau để bảo vệ sức khỏe bản thân và cả gia đình:

+ Khi lớp chống dính bị hỏng, hãy thay chảo mới:

Thường thì sau 1 – 2 năm sau khi sử dụng, bạn nên thay chảo mới. Nguyên nhân là vì nấu ăn ở nhiệt độ cao trong thời gian dài thì chất chống dính sẽ bị biến đổi thành lớp khói nguy hại cho sức khỏe. Hơn nữa, lúc này khả năng chống dính không còn nên cũng sẽ khiến thức ăn bị dính.

+ Không dùng miếng rửa kim loại 

Dùng miếng kim loại để rửa chảo sẽ khiến chảo bị trầy xước. Khi đó, lớp chống dính sẽ bị bong tróc và khiến chảo nhanh bị hỏng. Đồng thời, làm chất độc dễ ngấm vào thức ăn.

+ Không rửa chảo khi còn quá nóng:

Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột khiến chảo dễ bị biến dạng, lớp chống dính bị bong tróc ra ngoài. Do đó, bạn tốt nhất nên để chảo nguội rồi mới tiến hành rửa. Với các vết bẩn khó rửa thì hãy chờ chảo nguội và ngâm trong nước chừng 30 phút trước khi rửa.

+ Không dùng thìa kim loại để đảo thức ăn:

Thìa kim loại có thể khiến lớp chống dính bị trầy xước, cực kỳ nguy hại cho sức khỏe. Khi sử dụng chảo chống dính, tốt nhất bạn nên dùng thìa gỗ, đũa gỗ để không gây hại bề mặt chảo.

+ Chảo đổi màu cần thay ngay:

Những chiếc chảo gỉ sét và đổi màu là dấu hiệu cho thấy chảo đã đến hạn sử dụng. Lúc này, bạn cần thay chảo mới. Nếu không nó bị gỉ hoặc chất liệu khác từ chảo rơi vào thức ăn thì có thể gây haih cho sức khỏe.

Nguồn: Tổng hợp