Cứ mùa hè đến là lại sợ với viêm não Nhật Bản các mẹ a. Đây là bệnh dễ gây biến chứng nguy hiểm, thế nhưng em thấy nhiều mẹ vẫn chủ quan lắm, không chịu cho con đi tiêm phòng đúng lịch. Điều này rất nguy hiểm vì nếu chẳng may con mắc bệnh, dẫn đến việc khi con có thể gặp các biến chứng, như liệt nửa người thì cực kỳ đáng ngại.

Các mẹ đừng tưởng em nói dọa, em vừa đọc báo có trường hợp bé trai đã 10 tuổi rồi mà bị viêm não Nhật Bản dẫn đến không đi lại được, liệt nửa người đấy. 

hình ảnh

Bé K. hiện đã cứu được tính mạng nhưng hiện không đi lại được. Ảnh: Internet

Bé trai 10 tuổi bị viêm não Nhật Bản liệt nửa người, phải thở máy 

Bé trai nói trên là V.T.K. (10 tuổi, ở Nam Sách, Hải Dương) đang được điều trị tại tầng 3 - Trung tâm Y học Lâm sàng Các bệnh nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương)

Chia sẻ về tình trạng của con trai mình, mẹ bé cho biết, do chị chủ quan,  không tiêm phòng đầy đủ cho con, nên con trai chị mới rơi vào hoàn cảnh này.

Theo chị N.T.H (30 tuổi, mẹ bé K.) thì  từ nhỏ bé K. đã rất ít khi ốm đau, cách đây 10 ngày, con trai chị có biểu hiện sốt, đau đầu, nôn trớ… Khi soi họng thấy bị đỏ nên chị chỉ nghĩ con bị viêm họng, chị đã tự ra quầy mua thuốc cho con uống, sau đó thấy con cũng đỡ đau họng và đau đầu.

Tuy nhiên, đến ngày thứ 3, tình trạng bé K. càng nặng thêm với triệu chứng sốt 40 độ, co giật, nôn, uống thuốc giảm sốt không đỡ, yếu nửa người bên trái, uống thuốc cũng không đỡ nên chị vội vã đưa con đến bệnh viện Bệnh viện Nhi Hải Dương kiểm tra và được chẩn đoán viêm não Nhật Bản. Nhưng ngay sau đó, bé K. được chuyển tới Bệnh viện Nhi Trung ương.

hình ảnh

Nói về trường hợp bé trai 10 tuổi, Ths.Bs Đào Hữu Nam, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Trung tâm Y học Lâm sàng Các bệnh nhiệt đới trẻ em cho biết, bé K. khi được đưa vào viện đã ở trong tình trạng phù não rất nặng do có tổn thương ở vùng não phải. Khi chuyển tới cấp cứu tại BV Nhi Trung ương, bé trong tình trạng phải thở ôxi, li bì và hôn mê. Các bác sĩ phải đặt nội khí quản, thở máy và điều trị tăng áp lực sọ.

Sau 3 ngày điều trị tích cực, bé K. đã được rút ống nội khí quản, không còn nguy hiểm tính mạng, tuy nhiên bé đã bị biến chứng liệt nửa người không đi lại được.

Bác sĩ Nam cho biết, bé K. sẽ được chuyển viện tiến hành châm cứu, điều trị phục hồi chức năng hy vọng sẽ hồi phục.

hình ảnh

Tiến sĩ Lâm cho biết, tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh viêm não Nhật Bản an toàn, hiệu quả. Ảnh: Internet

Vì sao bé K. bị biến chứng nặng nề sau viêm não Nhật bản dù đã được tiêm phòng?

Nói về nguyên nhân khiến bé K. phải nhập viện cấp cứu do viêm não Nhật Bản, và sau đó bé gặp phải biến chứng nặng nề, thậm chí nguy hiểm tính mạng dù bé đã được tiêm phòng cho bệnh này, Tiến sĩ Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm Y học Lâm sàng Các bệnh nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, bé K. đã được tiêm đủ 2 mũi đầu nhưng đến mũi thứ 3 thì tiêm chậm hơn lịch. Đến nay đáng ra đã phải tiêm vắc xin phòng bệnh đến mũi thứ 5 nhưng gia đình lại quên lịch không đưa đi tiêm.

Bác sĩ cảnh báo những dấu hiệu viêm não Nhật Bản cần chú ý

Từ trường hợp của bé trai ở Hải Dương nói trên, TS Lâm cho biết, với các dấu hiệu điển hình, viêm não Nhật Bản không khó để chẩn đoán. Tuy nhiên, khi trẻ được đưa đến bệnh viện thường đã ở trong tình trạng rất nặng.

Triệu chứng dễ nhận thấy của viêm não Nhật Bản là sốt, buồn nôn, nôn, đau đầu…  kèm theo các biểu hiện như rối loạn ý thức như ngủ gà, li bì, hôn mê…

Và cũng theo TS Lâm thì các lần nôn của trẻ thường không liên quan đến bữa ăn.

Vậy trẻ bị viêm não Nhật Bản nguy hiểm thế nào?

Nói về biến chứng khi trẻ mắc bệnh viêm não Nhật Bản, TS Lâm cảnh báo như sau:

- Biến chứng hay gặp nhất của viêm não Nhật Bản là mất chức năng vận động và ngôn ngữ.

- Các di chứng nhẹ khác có thể gặp là động kinh, điếc, kém giao tiếp… Với di chứng nhẹ sau này có thể phục hồi.

Làm thế nào để phòng tránh viêm não Nhật Bản cho trẻ?

Qua trường hợp bé trai 10 tuổi nói trên bị biến chứng sau viêm não Nhật bản có nguyên nhân từ việc quên lịch tiêm phòng nhắc lại cho con, Tiến sĩ Nguyễn Văn Lâm cảnh báo, những năm gần đây viêm não Nhật Bản ở Việt Nam thường hay gặp ở trẻ lớn tuổi và có biến chứng nặng. Lý do là trẻ tiêm phòng vắc xin không đầy đủ, không tiêm nhắc lại sau 3 đến 5 năm kể từ mũi tiêm cuối. Vì vậy, việc phòng bệnh cho trẻ là vô cùng quan trọng. Hiện nay cách phòng bệnh duy nhất là tiêm vắc xin đúng lịch, đủ liều.

Tuổi tiêm viêm não Nhật Bản được khuyến cáo là tiêm khi trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên gồm 3 mũi cơ bản như sau:

Mũi 1: Tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên

Mũi 2: Đưa trẻ đi tiêm sau mũi thứ nhất 1-2 tuần

Mũi 3: Tiêm cho trẻ sau mũi thứ nhất 1 năm.

Mũi tiêm nhắc lại: Sau 3 năm tiêm nhắc lại 1 liều để duy trì miễn dịch.

Nguồn: Tổng hợp