- Mặc dù những tác động về thể chất của việc ăn quá nhiều muối đã được ghi chép rõ ràng, nhưng các nhà khoa học vẫn chưa xác định được nó ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần như thế nào.
- Một nghiên cứu gần đây của châu Âu cho thấy chế độ ăn nhiều muối có thể làm tăng gấp đôi phản ứng căng thẳng đỉnh điểm ở chuột.
- Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng đang tìm hiểu xem chế độ ăn nhiều muối có thể góp phần gây ra lo âu và bạo lực như thế nào.
- Họ hy vọng rằng chính phủ và các nhà sản xuất thực phẩm sẽ hợp tác với nhau để giảm thiểu hàm lượng natri trong thực phẩm chế biến.
Một nghiên cứu gần đây của châu Âu cho thấy ăn quá nhiều muối có thể làm tăng gấp đôi phản ứng căng thẳng đỉnh điểm ở chuột.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Muối được biết đến với công dụng cải thiện hương vị của nhiều loại thực phẩm, điều này có thể thu hút người tiêu dùng tìm đến các loại sản phẩm chế biến nhiều muối hơn. Phổ biến là những loại bánh mì ngũ cốc, thịt nguội, súp, phô mai và mì ăn liền đóng gói được bày bán thương mại.
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy rằng quá nhiều muối trong chế độ ăn uống có thể tàn phá hệ thống tim mạch và thận của cơ thể.
Gần đây, các nhà nghiên cứu tại Đại học Edinburgh ở Scotland đã đưa ra giả thuyết rằng ăn nhiều muối cũng có thể gây căng thẳng cho não. Kết quả từ thí nghiệm cho thấy ăn mặn có thể làm tăng sản xuất hormone gây căng thẳng.
Nghiên cứu đã liên kết việc ăn một lượng lớn đồ mặn với việc kích hoạt trục hạ đồi – tuyến yên – thượng thận (HPA), hệ thống phản ứng đối với căng thẳng của hệ nội tiết trong cơ thể. Các chuyên gia nhận thấy chế độ ăn mặn cũng dẫn đến sự gia tăng glucocorticoid, là những hormone tự nhiên kiểm soát phản ứng căng thẳng và các quá trình tim mạch, nhận thức, miễn dịch và trao đổi chất.
Tiến sĩ Triết học Matthew Bailey, trưởng nhóm nghiên cứu kiêm giáo sư sinh lý học thận tại Trung tâm Khoa học Tim mạch tại Đại học Edinburgh, nói với Medical News Today rằng:
“Bạn là hiện thân của những gì bạn ăn, hiểu chế độ ăn nhiều muối ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của chúng ta như thế nào là một bước thiết yếu để nâng cao sức khỏe. Chúng ta biết rằng ăn quá mặn sẽ gây hại cho tim, mạch máu và thận. Nghiên cứu này hiện cho chúng ta biết rằng lượng muối quá cao trong thực phẩm cũng làm thay đổi cách não chúng ta phản ứng với căng thẳng.”
Nhóm nghiên cứu hy vọng rằng phát hiện của họ sẽ truyền cảm hứng cho nhiều chính sách y tế công cộng nhằm khuyến khích giảm lượng muối trong thực phẩm chế biến sẵn.
Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cardiovascular Research.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Tiêu Thụ Muối Vượt Mức Khuyến Cáo
Natri là một nguyên tố quan trọng trong việc hỗ trợ điều hòa quá trình vận chuyển các chất dinh dưỡng vào và ra khỏi tế bào. Cơ thể con người chỉ cần một lượng nhỏ natri, kết hợp với clorua để tạo thành muối ăn thông thường.
Dietary Guidelines 2020 – 2025 khuyến nghị người Mỹ nên ăn ít hơn 2.300 miligam (mg) muối mỗi ngày. Tuy nhiên, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) ước tính người dân nước này tiêu thụ hơn 3.400 mg mỗi ngày.
Evangeline Mantzioris – Chuyên gia dinh dưỡng kiêm giám đốc chương trình dinh dưỡng và khoa học thực phẩm tại Đại học Nam Úc, đã thảo luận về đại dịch thừa muối trong một podcast vào tháng 4 năm 2022. Cô ấy không tham gia vào nghiên cứu hiện tại.
Mantzioris giải thích: “Khi chúng ta ăn quá nhiều muối, lượng muối dư thừa sẽ được hấp thụ vào ruột già và sau đó là máu. Cao huyết áp xảy ra khi chất lỏng dư thừa được hút vào mạch máu, làm tăng áp lực máu lên thành mạch.”
Cô nhấn mạnh rằng: “Tuổi tác và một số tình trạng sức khỏe, chẳng hạn như tiền sản giật, sinh nhẹ cân và bệnh thận mãn tính, cũng có thể làm tăng độ nhạy cảm với muối. Do đó, khả năng duy trì sức khỏe của cơ thể chúng ta thông qua vô số quy trình cần thiết sẽ giảm đi.”
Có thể bạn quan tâm: Nguyên Nhân Nào Gây Ra Cảm Giác Thèm Muối?
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Nghiên Cứu Về Ảnh Hưởng Gây Căng Thẳng Của Muối
Tiến sĩ Bailey và các đồng nghiệp của ông đã thử nghiệm giả thuyết của họ trên những con chuột đực có nguồn gốc thương mại. Chúng được cho ăn chế độ ăn ít natri (kiểm soát) hoặc chế độ ăn nhiều muối (thử nghiệm).
Nhóm nghiên cứu đã theo dõi nồng độ hormone gây căng thẳng vào buổi sáng và buổi tối của chuột trong tối đa 8 tuần. Họ cũng lấy mẫu máu để đánh giá phản ứng của trục HPA đối với căng thẳng.
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng đã thu thập và phân tích các mẫu mô để xác định thông tin di truyền về vùng hạ đồi, gan, thận và tim. Họ đã kết luận rằng nghiên cứu này cho thấy “có một mối liên hệ trực tiếp, mới lạ giữa lượng muối tiêu thụ và phản ứng kích hoạt trục HPA”.
Tăng natri máu, hoặc quá nhiều muối trong máu là kết quả của việc tiêu thụ nhiều muối, điều này cũng gây ra sự mất cân bằng chất lỏng. Mặc dù những con chuột được tiếp cận với nguồn nước vô hạn, nhưng chúng vẫn có dấu hiệu của “phản ứng bảo tồn nước”.
Nhóm nghiên cứu đã đưa ra giả thuyết rằng “chế độ ăn mặn đang trở thành một yếu tố điều chỉnh hành vi quan trọng, ít nhất là ở loài chuột”.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Mặt Hạn Chế Của Nghiên Cứu Trên Động Vật
Nghiên cứu này được thực hiện trên chuột đực, điều này có thể hạn chế khả năng áp dụng một số phát hiện của nó đối với con người. Đại dịch COVID-19 đã cản trở khả năng nghiên cứu, vì vậy các tác giả không thể kiểm tra lượng muối ăn vào và hoạt động của HPA ở chuột cái.
Tiến sĩ Bailey cho biết: “Ở người, lượng hormone được tìm thấy trong nước tiểu ở những người ăn mặn sẽ cao hơn và điều này đúng ở cả phụ nữ và nam giới.”
“Cũng có bằng chứng cho thấy hệ thống căng thẳng này (trục hạ đồi – tuyến yên – thượng thận) phản ứng với căng thẳng khác nhau tùy theo giới tính. Phản ứng cấp tính thường rõ rệt hơn ở phụ nữ và họ cũng có nguy cơ mắc một số rối loạn tâm thần liên quan đến căng thẳng cao hơn theo thời gian. Vì vậy, tôi cho rằng phụ nữ dễ bị ảnh hưởng bởi muối hơn.”
Một Số Lĩnh Vực Nghiên Cứu Trong Tương Lai
Vì những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe não bộ do chế độ ăn mặn có thể gây ra những hậu quả khó lường trong thực tiễn, nên các chuyên gia tin rằng nghiên cứu này đáng để khám phá một cách có hệ thống.
Tiến sĩ Bailey đã chia sẻ kế hoạch của mình cho các thử nghiệm lâm sàng trong tương lai như sau:
“Chúng tôi dự định tiến hành một nghiên cứu với những người tham gia khỏe mạnh, trong đó chúng tôi sẽ theo dõi lượng muối ăn vào của họ và yêu cầu họ thực hiện các hoạt động theo thời gian như giải quyết vấn đề. Chúng tôi biết rằng những nhiệm vụ này kích thích phản ứng căng thẳng vì chúng tôi có thể đo lượng hormone căng thẳng trong nước bọt và nhịp tim.”
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Giảm Lượng Muối Trong Thực Phẩm Chế Biến
Tiến sĩ Bailey tin rằng chính phủ nên đi đầu trong việc ủng hộ giảm hàm lượng muối trong thực phẩm chế biến vì những rủi ro sức khỏe nghiêm trọng liên quan đến việc tiêu thụ quá nhiều muối.
“Trọng tâm chính của hầu hết các chính phủ nên là phối hợp với ngành công nghiệp thực phẩm để giảm lượng muối trong các loại thực phẩm được tiêu thụ phổ biến. Hợp tác phối hợp để phát triển các mục tiêu giảm phụ thuộc vào thời gian đã thỏa thuận được giám sát độc lập đã được chứng minh là chiến lược hiệu quả nhất cho đến nay.”
— Tiến sĩ Triết học Matthew Bailey, trưởng nhóm nghiên cứu
Tiến sĩ Bailey cũng ủng hộ việc thay thế muối ăn bằng các lựa chọn ít muối như natri clorua hoặc kali clorua. Nghiên cứu gần đây chứng minh hiệu quả của chúng, như ông đã đề cập.
Dù vậy, không phải tất cả muối đều gây hại cho sức khỏe, theo Mantzioris. Chuyên gia dinh dưỡng khẳng định rằng lượng muối chúng ta cho vào thức ăn nói chung là chấp nhận được. Tuy nhiên, bà cũng cảnh báo về sự nguy hiểm của lượng muối ẩn chứa trong thực phẩm siêu chế biến.
Mantzioris khuyên rằng: “Mọi người nên kiểm tra lượng muối chứa trong thực phẩm chế biến mà họ mua, hơn là tập trung vào những gì họ thêm vào trong lúc nấu nướng hoặc trên bàn ăn.”
Bài viết được dịch từ www.medicalnewstoday.com
Dịch giả Trinh Lê
https://anchay.vn/kien-thuc-an-chay/tac-hai-khi-an-qua-nhieu-muoi.html