Dạo này, số ca nhiễm mới ở Sài Gòn đang có xu hướng giảm dần. Hy vọng là TP. HCM đã đi qua đỉnh dịch và những ngày tiếp theo sẽ tươi sáng hơn. Rồi cuối tháng sẽ chẳng còn ca nào nữa, người dân sẽ được trở lại cuộc sống bình thường.

Trước đó, do số ca nhiễm tăng nhanh nên từ hồi giữa tháng 7, địa phương này bắt đầu triển khai thí điểm cho F0, F1 tự cách ly tại nhà. Sau khi thử nghiệm thành công, số F0 không triệu chứng đều được cho cách ly tại nhà để giảm tải cho hệ thống y tế.

Tuy nhiên, có điều bất cập là F0 khi tự cách ly tại nhà, vì không có kiến thức chuyên môn lại thấy mình không triệu chứng nên nhiều người chủ quan. Hậu quả là có những cơn tụt SpO2 thầm lặng khiến người bệnh ‘trở tay không kịp’, rồi cuối cùng chẳng thể qua khỏi.

Để hạn chế tình trạng này, BS. Dương Duy Khoa (ĐH Y dược TP. HCM, thành viên đội phản ứng nhanh hỗ trợ F0 tại nhà) vừa có buổi chia sẻ trên báo chí. Theo đó, BS. Khoa chỉ ra những sai lầm mà F0 hay gặp. Chính những điều này khiến F0 có nguy cơ trở nặng thậm chí là qua đời.

hình ảnh

Nhiều người cách ly tại nhà đã khỏi bệnh. Ảnh minh họa, internet

Bác sĩ cấp cứu cộng đồng chỉ ra những sai lầm F0 hay gặp khi điều trị tại nhà

BS. Khoa hiện đang hỗ trợ tại quận 10 trong Dự án chăm sóc F0 cộng đồng của trường ĐH Y dược TP. HCM (UMP). Dự án này được triển khai tại các quận trong suốt 1,5 tháng qua. Đến nay, dự án đã chăm sóc các F0 tại ổ dịch lớn của quận 10 trong đỉnh dịch.

Toàn bộ quy trình theo dõi và điều trị F0 tại nhà của dự án được UMP huấn luyện và chuyển giao lại cho hệ thống y tế quận 10. Việc này nhằm giúp địa phương tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Nhóm BS. Khoa sau đó lại tiếp tục di chuyển sang hỗ trợ quận Bình Tân.

Theo BS. Khoa, nếu được giám sát, theo dõi và can thiệp sớm thì tỷ lệ người mất vì nCoV sẽ giảm đi rất nhiều. Nhờ đó mà giúp giảm áp lực cho bệnh viện tuyến cuối.

Trong quá trình tham gia đội phản ứng nhanh, BS Khoa nhận thấy nhiều F0 còn có những sai lầm nguy hiểm trong lúc điều trị. Việc này có thể gây nguy hiểm cho người bệnh, do đó F0 cần nhớ không nên phạm phải. Cụ thể:

Sử dụng thuốc không đúng

Một số người dùng sai túi thuốc được phát nhất là túi thuốc B. Túi thuốc B gồm thuốc kháng viêm và thuốc kháng đông. Tuy nhiên, nhiều F0 chưa tới mức như khuyến cáo đã uống thuốc trước xem như dự phòng.

Theo BS. Khoa, điều này có thể làm tăng thêm nguy hiểm cho người bệnh. Một số bệnh nhân còn sử dụng thuốc theo tư vấn trên mạng. Những thứ này không có tác dụng điều trị bệnh mà còn tiềm ẩn nguy hiểm. BS. Khoa nhấn mạnh: Đây là thói quen của nhiều người nhưng trong đại dịch này thực sự là điều đáng báo động. Do đó, mọi người cần bỏ ngay.

hình ảnh

Người cách ly tại nhà cần theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, ảnh minh họa, internet

Chủ quan không theo dõi SpO2

Không ít F0 nghĩ rằng mình khỏe nên không cần theo dõi SpO2 mà chỉ người già, người có bệnh nền mới cần theo dõi thôi. Thế nhưng, BS. Khoa khuyến cáo: Đây là sai lầm ‘chí mạng’ vì có những trường hợp nồng độ oxy máu giảm một cahcs thầm lặng, người bệnh không thấy khó thở. Họ có thể mệt nhưng vẫn ăn uống bình thường.

Do đó, người thân cũng yên tâm, chủ quan. Hệ quả là sau 1 giấc ngủ thì F0 đó không bao giờ tỉnh lại nữa. Người nhà lúc này mới ‘tá hỏa’ gọi bác sĩ hỗ trợ thì bệnh nhân đã ngừng thở từ lúc nào.

Chính vì thế, theo BS. Khoa, bất cứ F0 nào cũng cần chủ động tự theo dõi SpO2 của bản thân 2 – 3 lần/ngày. Việc này nhằm phát hiện sớm tình trạng oxy máu giảm ngay khi triệu chứng còn âm thầm để tránh trở nặng và nguy kịch, thậm chí là rơi vào ‘giấc ngủ ngàn thu’.

Chỉ thở oxy tại nhà, không báo cho nhân viên y tế

Trong suốt quá trình phục vụ F0 tại nhà, BS. Khoa nhận thấy tình trạng này không phải hiếm. Thế nhưng việc có oxy tại nhà thực chất chỉ là giải pháp tạm thời cho F0 khi diễn biến nặng. F0 nếu có dấu hiệu khó thở, SpO2 dưới 94% thì cần phải được chuyển vào cơ sở y tế để theo dõi sát sao hơn.

Thực tế, có người phải thở oxy và khi có oxy thì họ chủ quan không theo dõi nữa. Họ tin rằng thở oxy tại bệnh viện hay tại nhà cũng là oxy, nên ở đâu chẳng được. Điều này vô cùng nguy hiểm vì bên cạnh thở oxy, bệnh nhân còn cần theo dõi chỉ số SpO2 có cải thiện hay không. Các chỉ số khác như nhịp thở, tần số tim và thở có co kéo hay không.

Song song với việc chỉ ra những sai lầm mà mọi người hay mắc phải thì BS. Khoa cũng đưa ra lời khuyên cho F0 như sau:

+ F0 cần tự đánh giá nguy cơ của chính mình và trao đổi xem người thân nào sẽ là người liên lạc và ra quyết định y khoa khi bệnh diễn tiến nặng hơn. Việc này nhằm giúp gia đình hiểu rõ nguyện vọng của người bệnh cũng như người thân. Điều đó sẽ giúp gia đình tránh được sự bối rối, hoảng loạn khi F0 trở nặng.

+ Gia đình bệnh nhân nên chuẩn bị một số đầu mối liên lạc và hỗ trợ y khoa khi cần thiết. Vì F0 có thể trở nặng bất cứ lúc nào và bạn chắc chắn sẽ cần đến sự trợ giúp này

Đây là những thông tin mà bác sĩ Khoa đã trao đổi với báo chí. Mong rằng sau bài này thì không ai còn mắc phải những sai lầm kể trên, để mọi người sớm khỏe lại, tránh khỏi trường hợp xấu. 

Nguồn: Tổng hợp