Chăm sóc thế nào cho “vùng kín” của mình luôn khỏe để sẵn sàng đón nhận thiên chức làm vợ, làm mẹ trong tương lai là điều bạn gái nên biết.


Tầm quan trọng của việc chăm sóc vùng kín đúng cách



Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, các trường hợp nhiễm bệnh phụ khoa mỗi năm tăng từ 15-27%. Đây là một báo động về nguy cơ sức khỏe hằng ngày, đặc biệt là sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Vấn đề chăm sóc sức khỏe phụ khoa cũng như việc cung cấp những hiểu biết đầy đủ về vùng kín, về chăm sóc và vệ sinh vùng kín của phụ nữ vì thế rất quan trọng. Bình thường, ở môi trường âm đạo luôn tồn tại hệ vi khuẩn sống cộng sinh, trong đó phải kể đến loại vi khuẩn là Lactobacilli giúp cân bằng sinh lý âm đạo. Sự tồn tại của các vi khuẩn có lợi đó ức chế vi khuẩn có hại gây bệnh. Do vậy bất cứ tác động nào gây mất cân bằng hệ vi khuẩn này đều tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại gây viêm nhiễm. Ở người khỏe mạnh, pH trong môi trường âm đạo dao động từ 3,8-4,6 (thấp hơn pH ở da là 5,5). Vì lý do nào đó làm pH của âm đạo bị kiềm hóa (như sử dụng dung dịch rửa sát khuẩn mạnh, các kháng sinh mạnh không đúng, việc thụt rửa sâu...) đều tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh phát triển. Đồng thời việc vệ sinh không đúng cách gây thay đổi pH âm đạo cũng sẽ làm mất cân bằng hệ vi khuẩn trong âm đạo, dẫn đến tiêu diệt các vi khuẩn có lợi, tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm.


Bộ phận sinh dục nữ có cấu tạo, vị trí, chức năng sinh lý đặc biệt (do phải đảm nhiệm thiên chức làm mẹ), cùng với việc bài tiết phân, nước tiểu hằng ngày khiến cho âm hộ luôn ẩm ướt, nếu không giữ vệ sinh tốt sẽ sinh mùi hôi khó chịu... Vùng âm hộ không được giữ sạch sẽ tạo môi trường cho vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng phát triển gây ra các viêm nhiễm, nấm, ngứa tại chỗ hoặc có thể lan sâu, rộng đến âm đạo, tử cung, buồng trứng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới cơ quan sinh sản của phụ nữ.


Do vậy mà bệnh lý thường gặp ở phụ nữ là nhiễm trùng âm hộ – âm đạo do cấu trúc mở hẳn ra ngoài của bộ phận đặc biệt nhạy cảm này. Chứng viêm nhiễm đường sinh dục có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào. Tuy không gây hại trực tiếp đến tính mạng, nhưng gây xáo trộn trong sinh hoạt cá nhân, đời sống tình dục... Một số trường hợp do điều trị muộn hoặc không đúng cách sẽ khiến bệnh diễn biến kinh niên, để lại di chứng như: teo hẹp vòi trứng, thai ngoài tử cung... Với người đang mang thai có thể dẫn đến sảy thai hoặc đẻ non.


Chăm sóc vùng kín như thế nào?


Rửa vùng kín hằng ngày bằng sản phẩm vệ sinh phụ nữ chuyên dụng (tốt nhất là thực hiện sau mỗi lần đi vệ sinh).


Vệ sinh sạch sẽ thường xuyên trong thời kỳ kinh nguyệt, thai nghén, sau sinh đẻ, những ngày ra nhiều huyết trắng. Cứ 4 giờ lại phải thay băng vệ sinh một lần, với băng vệ sinh đặt trong âm đạo cần thay sau mỗi 2 giờ, vì để lâu sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển nhanh, làm tăng nguy cơ viêm nhiễm.


Vệ sinh sạch sẽ cho cả hai người sau mỗi lần quan hệ tình dục.


Giữ cho vùng kín càng khô ráo càng tốt. Tránh mặc quần áo chật, quần ẩm ướt, không nên mặc đồ lót bó sát ngăn da tiếp xúc với không khí gây rối loạn tuần hoàn máu, thay quần lót thường xuyên.


Không thụt rửa âm đạo khi không có chỉ dẫn của thầy thuốc, vì việc thụt rửa dễ ảnh hưởng tới pH và cân bằng sinh lý âm đạo.


Không nên dùng xà bông hay các chất tẩy rửa mạnh để vệ sinh vùng kín.


Không dùng nước bẩn có nhiều vi sinh vật như nước ao, hồ, kênh rạch để tắm rửa vệ sinh. Tránh làm các công việc phải ngâm mình dưới nước bẩn.


Khi đã mắc bệnh phải đi khám phụ khoa ngay để xác định nguyên nhân gây bệnh và có biện pháp điều trị kịp thời.


Hiểu đúng về dung dịch vệ sinh phụ nữ


Một số chị em cho rằng nước rửa vệ sinh có thể điều trị được các bệnh phụ khoa là hoàn toàn sai lầm. Thực ra, dung dịch vệ sinh phụ nữ chỉ là một sản phẩm được đặc chế dành riêng cho việc vệ sinh vùng kín, nhằm ngăn ngừa, hỗ trợ điều trị viêm nhiễm âm hộ, âm đạo, chứ không phải là thuốc trị bệnh. Khi đã bị viêm nhiễm âm hộ – âm đạo thì phải đi khám và dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Dung dịch vệ sinh phụ nữ ngoài tác dụng tiệt khuẩn và khử mùi còn phải bảo đảm không ảnh hưởng tới môi trường sinh lý tự nhiên cũng như pH của âm đạo.


Nguyễn Hòa


(Theo SKDS )