• Thói quen ăn uống không lành mạnh là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong sớm trên toàn cầu.
  • Nghiên cứu gần đây từ Đại học Harvard cho thấy rằng ăn nhiều loại thực phẩm lành mạnh có thể giúp giảm nguy cơ tử vong sớm do mọi nguyên nhân.
  • Trong nghiên cứu mở rộng của họ, những người luôn duy trì chế độ ăn uống lành mạnh trong suốt quá trình thử nghiệm có nguy cơ tử vong do các bệnh không truyền nhiễm thấp hơn những người không duy trì.
  • Phát hiện này phù hợp với khuyến nghị của Dietary Guidelines for Americans rằng thói quen ăn uống lành mạnh nên được điều chỉnh phù hợp với phong tục và sở thích của mỗi người.

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy chế độ ăn uống có chọn lọc chính là chìa khóa để duy trì sức khỏe.

Nguồn ảnh minh họa: Internet

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy chế độ ăn uống có chọn lọc chính là chìa khóa để duy trì sức khỏe. Ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy thói quen ăn uống xấu có thể góp phần gây ra những ca tử vong sớm, vốn dĩ có thể ngăn ngừa được.

Tuy nhiên, cho đến nay, phần lớn các nghiên cứu đều tập trung vào những đặc tính kéo dài tuổi thọ của một số bữa ăn hoặc thành phần thực phẩm.

Gần đây, các nhà nghiên cứu tại Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan ở Boston, MA, đã tiến hành một thử nghiệm để xác định thói quen ăn kiêng lâu dài ảnh hưởng đến nguy cơ tử vong như thế nào.

Các chuyên gia này đã đánh giá chế độ ăn uống của mọi người khi tuân theo Hướng dẫn về Chế độ Ăn uống năm 2020 – 2025 dành cho người Mỹ (DGA). Sau đó, họ đối chiếu kết quả với thông tin về sức khỏe của gần 100.000 người tham gia từ hai cuộc khảo sát toàn quốc khác kéo dài 36 năm.

Tiến sĩ Frank Hu, giáo sư dinh dưỡng và dịch tễ học Fredrick J. Stare, đồng thời là chủ tịch Khoa Dinh dưỡng, nhấn mạnh rằng: “Hướng dẫn Chế độ ăn uống cho người Mỹ được thiết kế để đưa ra những khuyến nghị về chế độ ăn uống dựa trên cơ sở khoa học nhằm tăng cường sức khỏe và giảm nguy cơ mắc phải những căn bệnh mãn tính nghiêm trọng.”

Ông cho biết thêm: “Vì vậy, điều quan trọng là phải kiểm tra mối liên hệ giữa chế độ ăn kiêng do DGA khuyến nghị và kết quả sức khỏe lâu dài, đặc biệt là tỷ lệ tử vong.”

Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí JAMA Internal Medicine.

Áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp giảm nguy cơ tử vong sớm của một người.

Áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp giảm nguy cơ tử vong sớm của một người.

Nguồn ảnh minh họa: Internet

Những Phương Pháp Nghiên Cứu

Các nhà nghiên cứu tại Harvard đã phân tích và tổng hợp dữ liệu từ Nghiên cứu Sức khỏe Y tá (NHS) và Nghiên cứu Theo dõi Chuyên gia Y tế (HPFS).

NHS, được thành lập vào năm 1976, theo dõi thông tin sức khỏe của các nữ y tá từ 30 đến 55 tuổi. HPFS bắt đầu vào năm 1986 và theo dõi các chuyên gia y tế nam từ 40 đến 75 tuổi.

Tiến sĩ Hu và các đồng nghiệp của ông đã xác định năm 1984 là năm cơ sở của NHS và năm 1986 là năm cơ sở của HPFS, khi các cuộc khảo sát cung cấp đủ thông tin để hình thành các chỉ số về chế độ ăn uống.

Nghiên cứu đã sử dụng thông tin thu được từ 75.230 người tham gia NHS và 44.085 người tham gia HPFS. Tất cả họ đều không mắc bệnh tim mạch hoặc ung thư trước khi thử nghiệm bắt đầu.

Tại thời điểm ban đầu và cứ sau 2 đến 4 năm sau đó, những người tham gia đã hoàn thành bảng câu hỏi tần suất thực phẩm (FFQ) bao gồm hơn 130 mặt hàng thực phẩm.

Ngoài ra, họ còn cập nhật thông tin về tuổi tác, cân nặng, chỉ số khối cơ thể (BMI), hoạt động thể chất, tình trạng hút thuốc, sử dụng vitamin tổng hợp, tình trạng mãn kinh và chẩn đoán bệnh mãn tính.

Trong NHS, những người tham gia tự xác định mình là người gốc Tây Ban Nha, người da đen không phải gốc Tây Ban Nha, người da trắng không phải gốc Tây Ban Nha và “người khác”. Dữ liệu này không được HPFS thu thập.

45506419

Nguồn ảnh minh họa: Internet

So Sánh Chế Độ Ăn Uống Lành Mạnh

Nhóm nghiên cứu đã đánh giá dữ liệu dựa trên 4 chỉ số mô hình chế độ ăn uống: Chỉ số Ăn uống Lành mạnh 2015 (HEI-2015), Chế độ Ăn uống Địa Trung Hải Thay thế (AMED), Chỉ số Chế độ Ăn uống Thực vật Lành mạnh (HPDI) và Chỉ số Ăn uống Lành mạnh Thay thế (AHEI)

Tất cả những chế độ ăn kiêng này đều chứa nhiều rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt và đậu. Một số chế độ cũng có chứa thực phẩm từ động vật, trong khi một số khác thì nói không với chúng.

Tuân thủ chế độ ăn uống tương ứng chặt chẽ hơn có liên quan đến điểm chỉ số cao hơn.

Kết Luận Từ Nghiên Cứu

Điểm số cao hơn trên ít nhất một trong các chỉ số cũng có liên quan đến việc giảm nguy cơ tử vong sớm do mọi nguyên nhân, ung thư, bệnh tim mạch và những bệnh về đường hô hấp.

Những người có xếp hạng chế độ ăn uống tốt hơn trong các nhóm nghiên cứu NHS và HPFS có nhiều khả năng lớn tuổi hơn, không hút thuốc và hoạt động thể chất nhiều hơn. Ngoài ra, họ cũng có chỉ số BMI thấp hơn.

Lựa Chọn Thực Phẩm và Bệnh Ung Thư

Kate Cohen là một chuyên gia dinh dưỡng đã đăng ký tại Phòng khám Ellison tại Trung tâm Y tế St. John ở Santa Monica, California. Cô ấy không tham gia vào nghiên cứu này.

Cohen giải thích về tác động của chế độ ăn uống đối với sự phát triển ung thư trong một cuộc phỏng vấn với Medical News Today như sau: “Chúng tôi biết rằng khoảng 1/2 đến 2/3 số ca ung thư có thể được ngăn ngừa bằng cách thay đổi chế độ ăn uống và lối sống, chẳng hạn như duy trì cân nặng hợp lý, tăng cường trái cây và rau củ, hạn chế uống rượu và tăng cường chất xơ.”

MNT cũng đã thảo luận những kết quả này với Tiến sĩ Monique Gary, một bác sĩ phẫu thuật nhũ và Giám đốc Y tế của chương trình ung thư tại Grand View Health/ Penn Cancer Network. Tiến sĩ Gary không tham gia vào nghiên cứu.

Vị này chia sẻ: “Những phát hiện này đã phản ánh những gì chúng tôi chia sẻ với bệnh nhân trong khoa ung thư, cụ thể là thay đổi lối sống và thực phẩm sẽ hỗ trợ cải thiện tất cả giai đoạn điều trị ung thư, đồng thời giảm nguy cơ tái phát và tử vong.”

Chế Độ Ăn Kiêng và Bệnh Thoái Hóa Thần Kinh

Theo nghiên cứu, điểm AMED và AHEI cũng có liên quan đến việc giảm nguy cơ tử vong do bệnh thoái hóa thần kinh. Cohen đã mô tả cách làm thế nào mà những chế độ ăn kiêng này lại có những yếu tố giúp tăng cường sức khỏe não bộ:

“Cả AMED và AHEI đều chú trọng chất béo lành mạnh hơn hai mô hình còn lại, điều này có thể mang lại lợi ích chống viêm và hỗ trợ chức năng não. Những điều này cũng có thể so sánh với chế độ ăn uống MIND, được tạo ra tại Bệnh viện Rush để ngăn ngừa chứng mất trí và giảm suy giảm nhận thức. Tương tự như MIND, AMED và AHEI cũng hạn chế thịt đỏ, đường và chất béo bão hòa, những chất có thể làm nghiêng cán cân có lợi cho sức khỏe não bộ.”

Hút Thuốc và Sự Khác Biệt Về Giới Tính

Các nhà khoa học tại Harvard đã báo cáo rằng: “Có những tương tác mang ý nghĩa thống kê giữa bốn điểm số về chế độ ăn uống và tỷ lệ tử vong chung theo giới tính và tình trạng hút thuốc.”

Tỷ lệ tử vong ở phụ nữ cao hơn nam giới. Tương tự như vậy, những người hiện đang hoặc đã từng hút thuốc có nguy cơ tử vong cao hơn những người chưa bao giờ hút thuốc.

Cohen đưa ra giả thuyết rằng khoảng cách về giới tính có thể liên quan đến vai trò tiềm ẩn của estrogen và viêm phổi mãn tính, có thể góp phần làm gia tăng nhanh chóng bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và ung thư phổi ở phụ nữ.

Có thể bạn quan tâm: Chế Độ Ăn Chú Trọng Thực Vật Giúp Ngăn Ngừa Bệnh Mãn Tính

38207675

Nguồn ảnh minh họa: Internet

Lợi Ích Khi Nói Không Với Thịt

Kết quả nghiên cứu không cho thấy chế độ ăn chú trọng thực vật hay động vật mang lại lợi ích sức khỏe cao hơn. HPDI khuyên nên sử dụng tất cả sản phẩm có nguồn gốc từ động vật, nhưng điểm số AMED lại khuyến khích ăn cá.

MNT đã chất vấn Cohen về sự cần thiết của chế độ ăn chay.

Cô đáp: “Nghiên cứu trước đây đã cho thấy chế độ ăn nhiều thịt đỏ và thịt chế biến có liên quan đến nhiều căn bệnh ung thư, vì vậy có lẽ nên hạn chế thịt đỏ và cân nhắc loại bỏ thịt chế biến.”

Tuy nhiên, cô cũng thừa nhận rằng: “Ngoài điều đó, chúng tôi vẫn chưa thấy một nghiên cứu thuyết phục nào cho thấy tiêu thụ thịt nạc protein trong chế độ ăn sẽ làm tăng nguy cơ tử vong.”

Điểm Mạnh và Hạn Chế

Nghiên cứu của Harvard là một đánh giá lớn, trực tiếp về những mô hình ăn kiêng lành mạnh trong suốt ba thập kỷ. Điều này vượt xa phần lớn những tài liệu đương đại, vốn chỉ tập trung thảo luận vào những loại thực phẩm đơn lẻ.

Tiến sĩ Gary cho biết: “Kết quả nghiên cứu đã nhấn mạnh một thực tế rằng, khi được chuẩn hóa theo chủng tộc và bất kể những chi tiết cụ thể của chế độ ăn uống lành mạnh, thì duy trì chế độ ăn uống lành mạnh có thể làm giảm tỷ lệ tử vong ở tất cả những người mắc bệnh mãn tính.”

Tuy nhiên, họ cũng đã thừa nhận có một số hạn chế.

Do phụ thuộc vào dữ liệu tự khai báo, nhóm xác định rằng việc xuất hiện một số lỗi đo lường là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, là một nghiên cứu quan sát, nguy cơ gây nhiễu vẫn còn. Hơn nữa, dân số mẫu chỉ bao gồm các chuyên gia y tế, hạn chế khả năng khái quát hóa của nghiên cứu.

Tiến sĩ Gary nhấn mạnh rằng: “Cần phải nghiên cứu thêm để làm rõ những lợi ích của một số thay đổi trong chế độ ăn uống và lối sống nhằm hỗ trợ bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính như ung thư.”


Bài viết được dịch từ www.medicalnewstoday.com

Dịch giả Trinh Lê

https://anchay.vn/kien-thuc-an-chay/che-do-an-giau-thuc-vat.html