- Một nghiên cứu mới cho thấy các loại hạt có thể làm giảm một số yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch bằng cách điều chỉnh quá trình chuyển hóa L-tryptophan, một loại axit amin.
- Trong một thử nghiệm song song có kiểm soát, khi những người mắc bệnh béo phì hoặc thừa cân ăn vặt với các loại hạt như một phần của chương trình giảm cân và duy trì cân nặng trong 24 tuần đã có nồng độ serotonin tăng lên, có thể cải thiện tâm trạng.
- Các loại hạt giàu dinh dưỡng dường như không gây tăng cân khi được tiêu thụ thay cho nhiều món ăn vặt khác.
Tiêu thụ các loại hạt như hạt mắc ca có thể có lợi cho tim mạch.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Các chuyên gia trong một nghiên cứu mới đây đã xác minh mối liên hệ giữa việc tiêu thụ các loại hạt (hạnh nhân, hạt điều, hạt phỉ, mắc ca, hồ đào, hồ trăn và hạt óc chó) và giảm huyết áp, một yếu tố nguy cơ chính gây ra bệnh tim mạch (CVD). Họ vừa công bố một nghiên cứu mới có thể giải thích mối liên hệ này.
Mức độ của các chất chuyển hóa L-tryptophan được cho là có tác dụng bảo vệ tim cao hơn trong các mẫu huyết tương và phân của những người tham gia nghiên cứu sau khi họ ăn các loại hạt.
Thử nghiệm là một nghiên cứu song song, ngẫu nhiên, có kiểm soát, trong đó gồm 131 người mắc bệnh béo phì hoặc thừa cân tham gia vào chương trình duy trì và giảm cân trong 24 tuần.
Một bữa ăn vặt mỗi ngày 1.5 ounce đã được đưa vào chế độ ăn kiêng của tất cả những người tham gia. Trong số 95 người tham gia, có 39 người được cho ăn bánh quy để làm nhóm đối chứng và 56 người được cho ăn vặt từ hạt cây với cùng một lượng calo. Các mẫu phân và huyết tương của mỗi người tham gia đã được kiểm tra sau khi giai đoạn thử nghiệm kết thúc.
Những người ăn hạt đã có sự gia tăng đáng kể nồng độ serotonin trong máu ở tuần 12 (60.9%) và tuần 24 (82.2%), so với giá trị ban đầu của họ. Những người ăn bánh quy đã có sự gia tăng nồng độ serotonin trong máu trong giai đoạn duy trì của nghiên cứu, giữa tuần 12 và 24.
Tryptophan là tiền chất duy nhất của serotonin trong cơ thể, được cho là hỗ trợ nhiều quá trình sinh học, chẳng hạn như tâm trạng, giấc ngủ và tiêu hóa.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nutrients.
Nghiên cứu được tài trợ bởi Tổ chức Giáo dục & Nghiên cứu Dinh dưỡng của Hội đồng Hạt Quốc tế, cùng với Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Đánh giá Bằng khen của Bộ Cựu chiến binh và Giải thưởng Phát triển Sự nghiệp của Bộ Cựu chiến binh.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Ăn Vặt Lành Mạnh Hơn Giúp Hỗ Trợ Hệ Tim Mạch
Viện Công nghệ Thực phẩm (IFT) báo cáo rằng người Mỹ trung bình tiêu thụ 2.7 bữa ăn nhẹ mỗi ngày, với tỷ lệ thanh thiếu niên tiêu thụ 5 bữa ăn nhẹ trở lên ngày càng tăng.
Trường Y tế Công cộng TH Chan của Harvard ước tính rằng khoảng 27% lượng calo hàng ngày của trẻ em đến từ đồ ăn vặt.
Ăn vặt có thể gây tăng cân ngoài ý muốn và những món ăn vặt không tốt cho sức khỏe thường thay thế cho nhiều loại thực phẩm bổ dưỡng hơn trong chế độ ăn hàng ngày của một người.
Hạt và Chuyển Hóa Tryptophan
Các loại hạt có chứa một lượng đáng kể tryptophan, một loại axit amin thiết yếu giúp hỗ trợ tăng trưởng và sức khỏe tổng thể.
Tryptophan được chuyển hóa qua 3 con đường, con đường kynurenine và serotonin trong tế bào cơ thể, và con đường indole trong vi khuẩn đường ruột.
Quá trình chuyển hóa tryptophan bị gián đoạn có liên quan đến rối loạn chuyển hóa, chẳng hạn như bệnh béo phì và bệnh tim mạch.
Tiến sĩ Zhaoping Li, tác giả tương ứng của nghiên cứu, chia sẻ rằng nghiên cứu hiện tại đã trả lời một phần cho câu hỏi mà nghiên cứu trước đây của nhóm cô từng đặt ra. Một trong những quá trình tiềm năng liên quan đến sự thay đổi trong quá trình chuyển hóa tryptophan.
Tổ chức Giáo dục và Nghiên cứu Dinh dưỡng của Hội đồng Hạt cây Quốc tế đã phát hành một bản tin, trong đó Tiến sĩ Li cho biết:
“Chúng tôi đã quan sát thấy mối quan hệ mới giữa các chất chuyển hóa tryptophan và huyết áp, nhịp tim và cảm giác no ở bệnh nhân thừa cân/béo phì, cho thấy chuyển hóa tryptophan có tác động lớn hơn đến sức khỏe tổng thể, bao gồm cả sức khỏe tim mạch.”
Cô ấy nói với Medical News Today rằng: “Hệ vi sinh đường ruột và các chất chuyển hóa của nó có thể giúp kiểm soát quá trình trao đổi chất và tâm trạng của chúng ta.”
Theo Michelle Routhenstein, chuyên gia dinh dưỡng tim mạch và chuyên gia dinh dưỡng phòng ngừa tim mạch tại EntirelyNourish, nghiên cứu này cũng có ý nghĩa vì những lý do sau:
“Vì chứng viêm là tác nhân chính gây xơ vữa động mạch và bệnh tim mạch, nên cách giải thích của các tác giả về những phát hiện này – rằng hạt cây thúc đẩy các chất chuyển hóa tryptophan phòng ngừa CVD và sức khỏe tim mạch – là vô cùng hợp lý.”
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Lợi Ích Khi Serotonin Được Tăng Cường
Khi giải thích về mối liên hệ giữa ăn uống và cảm xúc, Tiến sĩ Li nói rằng:
“Ăn uống theo cảm xúc là một yếu tố quan trọng gây béo phì. Các loại hạt có thể cải thiện tâm trạng bằng cách tăng cường serotonin, một trong những chất dẫn truyền thần kinh quan trọng để điều chỉnh tâm trạng.”
Trong cả giai đoạn giảm cân và duy trì cân nặng của thử nghiệm, nhóm ăn hạt cây đã khiến các nhà nghiên cứu kinh ngạc khi cho thấy nồng độ serotonin có sự tăng vọt. Nồng độ serotonin trong phân chỉ tăng ở nhóm ăn hạt cây.
Nồng độ serotonin trong máu của cả hai nhóm đều tăng lên vào cuối giai đoạn thử nghiệm.
Các tác giả suy đoán sự gia tăng cuối cùng này của serotonin trong máu đối với tất cả những người tham gia có thể là bằng chứng về phản ứng của cơ thể đối với việc giảm cân.
Routhenstein cũng lưu ý: “Routhenstein cũng chỉ ra rằng chức năng tiêu hao năng lượng và kiểm soát sự thèm ăn của serotonin có thể hữu ích cho những người thừa cân hoặc béo phì tăng cường mức serotonin để giảm cân.”
Có thể bạn quan tâm: 5 Loại Thực Phẩm Giúp Tăng Cường Serotonin Tự Nhiên
Hạt Có Lợi Như Thế Nào?
Theo nghiên cứu “Hạt Cây và Đậu Phộng là Những Thành Phần của Chế Độ Ăn Kiêng Lành Mạnh”:
“1.5 oz hạt cây hoặc đậu phộng cung cấp 10% nhu cầu hàng ngày về protein, sắt, magiê, phốt pho, kẽm, đồng, thiamin và vitamin E cho một người đàn ông trưởng thành. Ngoài ra, 1.5 oz (42 g) hạt cây cung cấp 10% RDA cho vitamin B-6 và selen cho nam giới trưởng thành.”
Ví dụ, Routhenstein đã liệt kê một số dưỡng chất thiết yếu có trong một số loại hạt:
- Hạt dẻ cười có chứa phytosterol, kali và caroten giúp duy trì mạch máu và lipid máu khỏe mạnh.
- Hạt Brazil có chứa selen, giúp ngăn ngừa stress oxy hóa, tăng cường chức năng tim và miễn dịch.
- Hạt hồ đào chứa nhiều đồng, có khả năng hỗ trợ quá trình chuyển hóa đường huyết và giúp duy trì tuyến giáp khỏe mạnh.
Hạnh nhân rất giàu chất chống oxy hóa, chất xơ và protein. Một hạt Brazil duy nhất có chứa 100% lượng selen được khuyến nghị hàng ngày. Mặc dù các loại hạt rất giàu năng lượng, nhưng những lo ngại về việc chúng có liên quan đến việc tăng cân dường như không có cơ sở. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tiêu thụ hạt nhiều hơn có liên quan đến chỉ số BMI và tỷ lệ mỡ cơ thể thấp hơn, chứng tỏ chúng không góp phần làm tăng cân.
Bài viết được dịch từ www.medicalnewstoday.com
Dịch giả Trinh Lê
https://anchay.vn/kien-thuc-an-chay/serotonin-va-tim-mach.html