Theo nghiên cứu quy mô lớn, những người tiêu thụ ngũ cốc nguyên hạt mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 thấp hơn nhiều. Nếu mọi người muốn áp dụng chế độ ăn kiêng low-carb, các nhà nghiên cứu kêu gọi rằng họ không nên loại bỏ ngũ cốc nguyên hạt một cách tuyệt đối.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Các nhà khoa học tại Đại học Công nghệ Chalmers ở Gothenburg, Thụy Điển, đã phân tích dữ liệu liên quan đến sức khỏe của hàng chục nghìn người trong nhiều năm để tìm hiểu về cách ăn ngũ cốc nguyên hạt ảnh hưởng ra sao đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 của một người.
Họ cho biết các nghiên cứu trước đây chỉ tập trung vào một loại ngũ cốc duy nhất, đó chính là lúa mì, và kết luận rằng nó có thể có khả năng bảo vệ chống lại bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu muốn xem liệu các loại ngũ cốc nguyên hạt khác có tác dụng tương tự hay không.
Nhà nghiên cứu cấp cao, Giáo sư Rikard Landberg giải thích rằng: “Phần lớn các nghiên cứu tương tự như nghiên cứu của chúng tôi trước đây đã được thực hiện ở Hoa Kỳ, nơi lúa mì là nguồn ngũ cốc nguyên hạt chính.”
“Chúng tôi muốn xem liệu có sự khác biệt nào giữa các loại ngũ cốc khác hay không. Người ta có thể mong đợi sẽ có, bởi vì chúng có chứa nhiều loại chất xơ và hoạt chất sinh học khác nhau, đã được chứng minh là có ảnh hưởng đến các yếu tố nguy cơ đối với bệnh tiểu đường tuýp 2.”
Tuy nhiên, theo một bài báo nghiên cứu vừa được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng, tất cả các loại ngũ cốc nguyên hạt được tiêu thụ rộng rãi dường như đều có tác dụng bảo vệ tích cực như nhau.
Nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng ăn ngũ cốc nguyên hạt mỗi ngày có thể ngăn ngừa bệnh tiểu đường tuýp 2.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Tất Cả Ngũ Cốc Nguyên Hạt Đều Có Lợi Cho Sức Khỏe Của Bạn
Thông qua nghiên cứu thuần tập về Chế độ ăn uống, Ung thư và Sức khỏe của Đan Mạch, nhóm nghiên cứu đã thu thập dữ liệu từ 55.465 người. Tất cả đều có độ tuổi từ 50 đến 65 và không mắc bệnh tiểu đường từ lúc bắt đầu tham gia, họ được theo dõi trong khoảng thời gian là 15 năm.
Khi tham gia nghiên cứu, những người này sẽ điền vào bảng câu hỏi chi tiết về thói quen ăn kiêng của họ, gồm số lượng khẩu phần ngũ cốc nguyên hạt mỗi ngày như lúa mì, lúa mạch đen và yến mạch.
Những người tham gia cũng cho biết họ đã tiêu thụ những loại sản phẩm ngũ cốc nguyên hạt nào, chẳng hạn như lúa mạch đen và các loại bánh mì được làm từ ngũ cốc nguyên hạt khác, cháo yến mạch và muesli.
Các nhà nghiên cứu cũng sử dụng dữ liệu từ cơ quan đăng ký bệnh tiểu đường quốc gia của Đan Mạch để ước tính có bao nhiêu bệnh nhân cuối cùng mắc bệnh tiểu đường. Tổng cộng có 7.417 bệnh nhân được chẩn đoán đái tháo đường tuýp 2 trong suốt thời gian theo dõi.
Giáo sư Landberg và nhóm nghiên cứu tiết lộ rằng thường xuyên tiêu thụ bất kỳ loại ngũ cốc nguyên hạt nào mỗi ngày dường như có thể giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường tuýp 2.
Đặc biệt, những người tiêu thụ nhiều ngũ cốc nguyên hạt nhất mỗi ngày – ít nhất 50 gam, hoặc khoảng một phần cháo yến mạch và một lát bánh mì nguyên hạt mỗi ngày – có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thấp nhất.
Các nhà nghiên cứu giải thích rằng một người tham gia ăn càng ít ngũ cốc nguyên hạt mỗi ngày thì nguy cơ mắc bệnh tiểu đường của họ càng tăng.
Trong số những người ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt nhất mỗi ngày, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thấp hơn 22% đối với phụ nữ và 34% đối với nam giới, so với những người ăn ít ngũ cốc nguyên hạt nhất.
Giáo sư Landberg chia sẻ: “Thật bất thường khi có thể điều tra một phạm vi rộng lớn như vậy về lượng ngũ cốc nguyên hạt mà mọi người tiêu thụ.”
Ông nói thêm: “Nếu bạn chia những người Mỹ đang tham gia thành 4 nhóm, thì nhóm ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt nhất sẽ ngang bằng với nhóm ăn ít ngũ cốc nguyên hạt nhất ở Đan Mạch. Ở châu Âu, Scandinavia là nơi ăn nhiều nhất, Tây Ban Nha và Ý ít nhất.”
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Kết Quả Nghiên Cứu Đã Quá Rõ Ràng
Các nhà nghiên cứu cũng giải thích rằng những phát hiện của họ đã mang lại sự tin cậy cho khuyến nghị rằng mọi người nên tránh xa những món được chế biến từ tinh bột, thay vào đó nên tiêu thụ nhiều ngũ cốc nguyên hạt hơn để giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Ngoài ra, họ còn nói thêm rằng những thay đổi về chế độ ăn uống khác như hạn chế thịt đỏ, cũng có thể giúp mọi người ngăn ngừa được nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Giáo sư Landberg cho biết: “Những phát hiện của chúng tôi trùng khớp với các khuyến nghị về chế độ ăn uống kêu gọi chuyển từ tinh bột sang ngũ cốc nguyên hạt.”
Ông nói thêm: “Bột mì trắng có nhiều tác hại khác nhau đối với sức khỏe, nhưng ngũ cốc nguyên hạt lại mang đến nhiều lợi ích có lợi, ngoài khả năng bảo vệ chống lại bệnh tiểu đường tuýp 2.”
Ngoài ra, các tác giả cảnh báo rằng có một số người đang kiêng cử ngũ cốc nguyên hạt một cách tuyệt đối, vì họ muốn có chế độ ăn ít carb. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, không phải thực phẩm chứa nhiều carbohydrate nào cũng có hại.
Giáo sư Landberg nhấn mạnh: “Carbohydrate là một nhóm thực phẩm rất đa dạng, bao gồm đường, tinh bột và chất xơ. Bởi vì chúng có những ảnh hưởng vô cùng đa dạng đối với sinh lý và sức khỏe con người, vì thế chúng ta không nên gộp chúng lại với nhau mà thay vào đó hãy giải quyết chúng một cách riêng lẻ.”
Ông kết luận: “Khi nói đến ngũ cốc nguyên hạt, nghiên cứu cho ra kết quả rất rõ ràng rằng trong số nhiều nghiên cứu đã được thực hiện trên nhiều nhóm dân số khác nhau trên khắp thế giới, chưa có một nghiên cứu nào cho thấy chúng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.”
Có thể bạn quan tâm: Người Bệnh Tiểu Đường Cần Tránh Ăn Loại Trái Cây Nào?
Bài viết được dịch từ www.medicalnewstoday.com
Dịch giả Trinh Lê
https://anchay.vn/kien-thuc-an-chay/loi-ich-ngu-coc-nguyen-hat.html