Các mẹ ơi, bây giờ ăn uống cũng phải hết sức cẩn trọng vì thức ăn cũng hoàn toàn có thể gây sốc phản vệ đó. Hồi trước mình cứ nghĩ sốc phản vệ là chỉ có khi mà đi tiêm vắc xin thôi chứ ai nghĩ ăn mà cũng sốc chứ. Thế mà nay mình đọc trên Thanh Niên thấy có ghi nhận trường hợp như vậy rồi. Từ nay ăn uống phải chú ý hơn mới được.

Thông tin cụ thể, mình chia sẻ ở bên dưới nhé các mẹ ơi.

hình ảnh

Sốc phản vệ với thực phẩm rất nguy hiểm. Ảnh minh họa, nguồn: Ngoisao.net

Mẹ bỉm 19 tuổi bị sốc phản vệ sau khi ăn cua biển

Đó là trường hợp của chị N (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh long). Sau khi ăn cua biển được 3 tiếng thì xuất hiện tình trạng nổi mẩn đỏ trên da và ngứa. Sau đó, người nhà phát hiện tay chân chị N lạnh nên nhanh chóng đưa vào Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á cấp cứu.

Thep BSCKI Đỗ Minh Mẫn (Trưởng khoa Cấp cứu) cho hay: Bệnh nhân N nhập viện trong tình trạng tím đầu chi, tím môi, tay chân lạnh, mạch yếu, nhịp tim nhanh 120 lần/phút, huyết áp khó đo. Sau đó, bệnh nhân rơi vào tình trạng rối loạn nhịp thất rất nguy hiểm.

Người nhà bệnh nhân cho biết: Chị N vừa sinh con được khoảng 3 tuần. Thời gian nằm viện tại khoa sản có ghi nhận dị ứng một số loại thuốc không rõ và có tiền sử bị dị ứng cua biển trước đó.

Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ nhận định bệnh nhân bị sốc phản vệ nguy kịch. Do đó, chị N được cho thở oxy qua sonde mũi, truyền dịch nhanh, tiêm adrenalin bắp 2 lần mỗi 3 phút. Tuy nhiên, bệnh nhân không đáp ứng thuốc, tình trạng ngày một nặng hơn và xuất hiện biểu hiện khó thở, nôn ói.

Do vậy, bác sĩ đã quyết định tiêm adrenalin tĩnh mạch 1/10.000. Sau 2 phút cấp cứu khẩn trương, tình trạng bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu tích cực khi mạch quay huyết áp 70/40 mmHg. Lúc này, bác sĩ quyết định tiếp tục cho bệnh nhân dùng adrelnalin tĩnh mạch duy trì kết hợp thuốc kháng histamin và corticoid. May mắn, bệnh nhân cuối cùng cũng ổn định, huyết áp đo được 100/60 mmHg đến 110/70 mmHg.

Khi tình hình ổn định, bệnh nhân được chuyển tới khoa Hồi sức tích cực để điều trị và theo dõi tình trạng tái sốc nếu có. Sau hơn 1 ngày theo dõi, bệnh nhân cuối cùng đã khỏe lại nên được chuyển về khoa Nội tổng quát để tiếp tục điều trị.

hình ảnh

Cua biển có thể gây sốc phản vệ với một số người dị ứng. Ảnh minh họa, nguồn: sogou

Tình trạng sốc phản vệ nguy hiểm thế nào và cách nhận biết

Sốc phản vệ là một dạng dị ứng nghiêm trọng. Nó có thể gây nguy hiểm đến sinh mệnh của người bệnh trong vòng vài giây hoặc vài phút sau khi tiếp xúc với dị nguyên. Sốc phản vệ luôn là tai biến gây hoang mang cho cả bệnh nhân lẫn bác sĩ.

Sốc phản vệ xuất hiện rất nhanh. Một số trường hợp xuất hiện sau 30 phút dùng thuốc, thử test… Triệu chứng xuất hiện càng sớm thì bệnh càng nặng, tỷ lệ không qua khỏi càng cao.

Diễn biến của sốc phản vệ được chia thành 3 mức độ như sau:

+ Mức độ nhẹ: Bệnh nhân có biểu hiện đau đầu, sợ hãi, lo lắng, chóng mặt. Có trường hợp nổi mề đay, mẩn ngứa, buồn nôn hoặc nôn, ho, tê ngón tay, khó thở, đau quặn vùng bụng, người mệt mỏi, đi đại tiện không tự chủ, nghe phổi có ran rít như hen phế quản, tim đập nghe không ro, huyết áp tụt, nhịp tim nhanh, đôi khi có ngoại tâm thu.

+ Mức độ trung bình: Người bệnh có triệu chứng hoảng hốt, choáng váng, ngứa ran, nổi mề đay khắp người, khó thở, đôi khi hôn mê, co giật, chảy máu mũi, xuất huyết dạ dày, ruột. Khi kiểm tra thì thấy da tái nhợt, môi thâm, niêm mạc tím tái, đồng tử giãn, tim đậ yếu, mạch nhanh nhỏ khó bắt, không đo được huyết áp.

+ Mức độ nặng: Bệnh nhân bị sốc phản vệ ngay trong những phút đầu tiên với tốc độ nhanh chóng. Người bệnh có triệu chứng hôn mê, da tím tái, nghẹt thở, co giật, không đo được huyết áp và ‘ra đi’ sau ít phút hoặc lâu lắm là vài giờ. Nếu đo áp lực tĩnh mạch trung tâm và áp lực động mạch phổi bít đều thấp. Ở giai đoạn này, sốc phản vệ biểu hiện rõ tình trạng thiếu oxy máu, giảm thể tích tuần hoàn dẫn tới toan lactic và giảm co bóp cơ tim.

Có một số trường hợp, bệnh nhân gặp biến chứng muộn diễn ra sau sốc phản vệ như viêm cầu thận, viêm cơ tim dị ứng, viêm thận. Những biến chứng này cũng hoàn toàn có thể khiến bệnh nhân không qua khỏi. Có trường hợp sốc phản vệ đã được điều trị. Tuy nhiên, 1 – 2 tuần sau đó mới xuất hiện hen phế quản, mề đay tái phát nhiều lần, lupus ban đỏ hệ thống, viêm nút quanh động mạch…

Đây là những thông tin mà mình tìm hiểu được trên báo. Sốc phản vệ rất nguy hiểm đó mọi người. Vì vậy, không chỉ là tiêm hay sử dụng thuốc mà ngay trong vấn đề ăn uống cũng phải hết sức lưu ý.