Trong thời buổi hiện nay, việc tìm được những loại thực phẩm vừa tốt cho sức khỏe vừa đảm bảo vấn đề vệ sinh không hề dễ dàng các mẹ nhỉ. Mình nhớ là từng xem đâu đó có thông tin Bộ Nông nghiệp Mỹ từng thực hiện nghiên cứu cho thấy 70% các sản phẩm thực vật đều chứa lượng lớn hóa chất gây hại cho sức khỏe. Đáng sợ nhất là kết quả này được chốt lại sau khi các chuyên gia mang thực phẩm đi rửa sạch, chà mạnh và gọt vỏ toàn bộ rau củ rồi mới mang đi kiểm tra.

Tuy nhiên, không phải loại nào cũng vậy. Trong ‘ma trận’ rau củ quả không sạch thì vẫn có những loại sạch gần như tự nhiên và khó bị nhiễm chất độc hại. Đây là những loại đã được Nhóm Công tác Môi trường Mỹ (EWG) công nhận đó.

Những điều này mình đọc được trên báo, thấy rất hữu ích nên chia sẻ lại với mọi người. Từ nay, mọi người nên chăm chỉ mua mấy loại này về cho mọi người trong nhà ăn để bảo vệ sức khỏe nè.

Khoai lang là loại củ sạch sẽ, không sợ thuốc trừ sâu

Khoai lang là loại củ sạch sẽ, tốt cho sức khỏe. Ảnh minh họa, nguồn: VNN

 Khoai lang

Khoai lang là loại củ an toàn cho người tiêu dùng. Bởi, nếu có sử dụng thuốc, người ta cũng chỉ phun trên cây. Trong khi đó, củ khoai nằm dưới đất nên thường không nhiễm thuốc. Với lại, những loại củ như khoai lang sau thu hoạch để nhiều ngày nên dư lượng thuốc sẽ giảm đi.

Khoai lang cũng là thực phẩm giàu dinh dưỡng, có lợi cho sức khỏe. Cứ 100g khoai lang thì chứa 90kcal, 2g đạm, 7,05g tinh bột, 3,3g chất xơ, 0,15g chất béo, 38mg canxi… Những chất này đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện hệ miễn dịch.

Bên cạnh đó, beta-carotene có trong khoai lang còn có thể tạo ra các rào cản niêm mạc để ngăn vi khuẩn và chất độc từ môi trường bên ngoài xâm nhập vào cơ thể. Nhờ đó mà có khả năng chống lại nhiễm trùng, tăng cường miễn dịch.

Không chỉ thế, đây còn là thực phẩm có chứa nhiều vitamin, khoáng chất, chất xơ với khả năng hỗ trợ chữa lành vết loét dạ dày và ruột. Nhờ vậy mà có thể điều trị hội chứng ruột kích thích. Chất xơ trong thực phẩm này có tác dụng tạo môi trường để vi khuẩn có lợi trong ruột kết phát triển và giữ cho tế bào niêm mạc ruột luôn khỏe mạnh.

Ngoài ra, anthocyanin trong khoai lang còn có công năng làm chậm sự phát triển của tế bào K bàng quang, ruột kết, dạ dày và vú. Vỏ khoai lang cũng đã được chứng minh là có thể hỗ trợ phòng K tiền liệt tuyến, đại trực tràng…

Măng tây

Theo đó, măng tây có chứa một loại enzyme đặc biệt với tác dụng tự loại bỏ các loại thuốc trừ sâu mà con người phun vào. Đây cũng là lý do vì sao mà măng tây rất ít hóa chất độc hại, thậm chí là sạch 100%.

Loại thực phẩm này có chứa nhiều kali nên có thể điều hòa huyết áp. Còn folate thì giúp tim luôn khỏe mạnh. Chất xơ trong măng tây vừa giúp làm giảm cholesterol lại còn tốt cho hệ tiêu hóa.

Không chỉ thế, inulin có trong măng tây giúp thúc đẩy vi khuẩn có lợi ở đường ruột như Lactobacilli và Bifidobacteria phát triển nhanh chóng. Nhờ đó mà nó có thể nhuận tràng, cải thiện sức khỏe đường ruột.

Măng tây cũng có đặc tính chống viêm và chữa bệnh viêm bàng quang, phòng sỏi thận, sỏi mật… Trong thực phẩm này cũng có chứa nhiều hợp chất chống oxy hóa nên có khả năng phòng và điều trị bệnh K.

Măng tây cũng là thực phẩm bạn nên ăn nhiều

Măng tây cũng là thực phẩm bạn nên ăn nhiều. Ảnh minh họa, nguồn: Eva

Đậu Hà Lan

Đậu Hà Lan có lớp vỏ bên ngoài rất dày nên có thể hạt đậu khỏi không khí và ngăn thuốc trừ sâu xâm nhập. Bên cạnh đó, loại đậu này cũng có chứa nhiều thành phần dinh dưỡng, có ích với sức khỏe.

Chẳng hạn như chất chống oxy hóa trong đậu Hà lan rất cao nên có thể làm giảm nguy cơ hình thành và phát triển của khối u. Các khoáng chất như kali và magie thì lại làm giảm nguy cơ bị cao huyết áp, chất xơ giúp làm giảm cholesterol xấu. Do đó, đây là thực phẩm cực tốt cho hệ tim mạch.

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng Mỹ cho thấy: Đậu Hà Lan có chỉ số đường huyết thấp. Vì thế, nó có thể giảm nguy cơ bị đái tháo đường.

Chất xơ dồi dào trong loại đậu này cũng rất có ích cho đường ruột, giảm nguy cơ bị bệnh tiêu hóa như viêm ruột, hội chứng ruột kích thích, táo bón, thậm chí là K ruột kết.

Đậu Hà Lan có chứa nhiều chất dinh dưỡng

Đậu Hà Lan có chứa nhiều chất dinh dưỡng. Ảnh minh họa, nguồn: TN

Đu đủ

Đu đủ rất dễ trồng, dễ sống và có lớp vỏ dày nên ít khi có hóa chất hay thuốc trừ sâu. Phải nói, đây là loại ‘quả nhà quê’ sạch sẽ nên mọi người có thể an tâm khi sử dụng.

Giá trị dinh dưỡng của đu đủ cũng không hề thấp khi 1 quả đu đủ trung bình thì chứa 120 calo, 30g carbohydrate, 2g protein cùng nhiều vitamin có lợi cho sức khỏe. Loại quả này còn chứa alpha và beta-carotene, lutein và zeaxanthin, canxi, kali và lycopene. Những chất này giúp cơ thể luôn khỏe mạnh, chống lại bệnh tật nhất là các bệnh về mắt.

Papain là một loại enzyme có nhiều trong đu đủ với tác dụng hỗ trợ tiêu hóa. Lượng chất xơ dồi dào trong loại quả này giúp tăng cường chức năng của hệ tiêu hóa.

Vitamin K dồi dào trong đu đủ sẽ giúp cải thiện sự hấp thu canxi, làm giảm bài tiết canxi qua nước tiểu. Nhờ đó mà xương của chúng ta chắc khỏe hơn.

Enzyme papain còn hoạt động như một loại thuốc giảm đau tự nhiên giúp điều chỉnh chứng viêm trong cơ thể. Choline thì hỗ trợ giấc ngủ, cải thiện trí nhớ, duy trì cấu trúc của màng tế bào…

Đu đủ và ngô nên ăn hàng ngày

Đu đủ và ngô nên ăn hàng ngày. Ảnh minh họa, nguồn: Eva

Ngô

Ngô hay còn được gọi là bắp. Đây là loại thực phẩm khá sạch sẽ vì có lớp vỏ bên ngoài dày. Lớp này cũng giống như là ‘áo giáp’ giúp hạt ngô bên trong tránh khỏi tác động từ môi trường, trong đó có thuốc trừ sâu và hóa chất gây hại.

Ngô có chứa nhiều chất xơ với tác dụng giảm cholesterol, cải thiện hệ tiêu hóa. Đồng thời, ngô còn có thể điều chỉnh insulin nên rất tốt cho những người bị đái tháo đường.

Bên cạnh đó, vitamin B12, axit folic và sắt có trong ngô cũng giúp thúc đẩy quá tình sản sinh tế bào hồng cầu trong cơ thể. Nhờ vậy mà có thể làm giảm nguy cơ bị thiếu máu.

Không chỉ thế, beta cryptoxanthin trong ngô còn có thể tăng cường sức khỏe phổi. Nhờ vậy mà có khả năng làm giảm nguy cơ bị K phổi.

Mặt khác, axit folic, zeaxanthin trong ngô còn giúp làm giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh ở trẻ. Lutein và zeaxanthin trong ngô còn có công năng ngăn ngừa hoặc kìm hãm sự phát triển của bệnh thoái hóa điểm vàng.

Vitamin B1 dồi dào trong ngô đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện chức năng não. Nó thúc đẩy quá trình tổng hợp acetylcholine diễn ra nhanh hơn. Nhờ vậy mà giúp cải thiện trí nhớ.

Hành tây

Hành tây có vị hăng, cay nên ít khi bị sâu bệnh gây hại nên ít phải phun thuốc trừ sâu hơn những loại khác. Hơn nữa, nếu có phun thì người ta cũng phun ở phần thân và lá. Sau khi thu hoạch thường được để nhiều ngay nên nếu hành tây có nhiễm chút thuốc thì cũng giảm đi rất nhiều.

Hành tây có chứa ít calo lại nhiều vitamin và khoáng chất. Đặc biệt là vitamin C trong hành tây rất nhiều nên có thể cải thiện hệ miễn dịch, sửa chữa mô, tăng cường hấp thu sắt. Vì vậy, các chuyên gia khuyên bạn nên đưa hành tây vào thực đơn hàng ngày để giúp cơ thể khỏe mạnh.

Lượng vitamin B bao gồm folate (B9) và pyridoxine (B6) trong hành tây cũng không hề ít. Chúng giúp đẩy nhanh quá trình trao đổi chất, sản xuất hồng cầu và cải thiện chức năng thần kinh.

Các chất chống oxy hóa trong hành tây cũng ‘không phải dạng vừa’. Nó có thể làm giảm nguy cơ bị K, đái tháo đường và tim mạch. Cụ thể, ăn hành tây có thể hạn chế nguy cơ bị K đại trực tràng, dạ dày. Chất fisetin và quercetin còn giúp ức chế sự phát triển của khối u.

Hành tây có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh K, đái tháo đường, tim mạch

Hành tây có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh K, đái tháo đường, tim mạch. Ảnh minh họa, nguồn: LĐ

Dứa

Vỏ của quả dứa vừa dày lại còn cứng nên đã hấp thụ hầu hết các loại thuốc trừ sâu. Do đó, lớp thịt bên trong không bị ảnh hưởng gì. Mặt khác, đây cũng là loại quả giàu dinh dưỡng, mọi người nên sử dụng.

Trong quả dứa có chứa brmelain rất tốt cho hệ tiêu hóa. Nó có thể phân hủy protein giúp việc tiêu hóa dễ dàng hơn. Đồng thời, chất này còn có thể làm giảm tình trạng viêm nhiễm ở hệ tiêu hóa. Chất xơ trong đó thì giúp tạo khối lượng phân và đảm bảo nhu động ruột hoạt động hiệu quả.

Không chỉ thế, vitamin C, mangan, bromelain, axit phenolic, flavonoid… có trong dứa đều có thể bảo vệ tế bào khỏi các gốc tự do. Nhờ vậy mà giúp tim luôn khỏe mạnh, phòng sự hình thành của khối u.

Vitamin C trong dứa cũng giúp tăng cường hệ miễn dịch, ngăn chặn tình trạng nhiễm trùng hệ hô hấp và chống viêm. Còn bromelain thì lại liên quan tới khả năng điều trị viêm xoang, viêm phế quản.

Chưa dừng lại ở đó, bromelain còn có thể giảm ho, giảm cơn đau họng và giải quyết một số chứng viêm. Hydrat hóa trong dứa giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn khi bị đau họng.

Ngoài ra, bromelain có trong dứa còn có thể giúp hạn chế, phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh Alzheimer – căn bệnh thường gặp ở những người cao tuổi.

Dứa có chứa nhiều vitamin C

Dứa có chứa nhiều vitamin C. Ảnh minh họa, nguồn: 24h

Bưởi

Bưởi có lớp vỏ dày dặn nên các loại thuốc khó mà ngấm vào bên trong phần thịt của quả bưởi được. Hơn nữa, loại quả này cũng có thể để lâu mà không bị hỏng nên không cần dùng đến chất bảo quản.

Loại quả này rất tốt cho sức khỏe, nó là nguồn cung cấp vitamin C tuyệt vời. Nó giúp chuyển hóa protein, đẩy nhanh tốc độ làm lành vết thương, làm chậm quá trình lão hóa…

Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ khuyến cáo rằng: Hầu hết người lớn đều nên bổ sung từ 75 -90mg vitamin C. Việc bổ sung vitamin C đầy đủ giúp phòng nhiều vấn đề về sức khỏe. Chẳng hạn như phòng bệnh K, đục thủy tinh thể, bệnh tim, cải thiện hệ miễn dịch, chống cảm lạnh.

Chất xơ trong bưởi không chỉ cải thiện hệ tiêu hóa mà còn giúp chúng ta cảm thấy no lâu hơn. Đây là điều rất cần thiết với chị em phụ nữ đang có ý muốn giảm cân. Còn chất chống oxy hóa ngoài việc phòng khối u thì còn làm chậm quá trình lão hóa da nữa.

Đây là những loại thực phẩm ít hoặc thậm chí là không có chứa chất bảo quản, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật đã được báo chí đăng tải. Mọi người có thể an tâm mua về sử dụng rồi nè.