Bình thường, chúng ta hay được khuyên là nên luộc chín thực phẩm để hạn chế đồ dầu mỡ có hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, không phải thứ gì luộc cũng tốt đâu các mẹ. Mình vừa đọc trên báo thấy bảo có một số loại rau, nếu mà mang đi luộc thì lại chẳng khác nào ‘rửa trông’ dinh dưỡng ấy.

Cụ thể những loại rau nào không nên luộc và phải xử lý ra sao, mời các mẹ xem phần bên dưới nhé.

Tất cả các loại ớt đều không nên mang đi luộc

Tất cả các loại ớt đều không nên mang đi luộc. Ảnh minh họa, nguồn: SK&ĐS

Ớt

Ớt là loại quả có hàm lượng vitamin C dồi dào. Nó có khả năng cải thiện hệ miễn dịch, tạo ra màng chắn bảo vệ cơ thể khỏi các yếu tố gây hại từ môi trường như virus, vi khuẩn. Đó là lý do vì sao trước bất cứ dịch bệnh nào, chúng ta hay được khuyên là nên bổ sung nhiều thực phẩm giàu vitamin C.

Tuy nhiên, bạn không nên nấu chín ớt vì việc này sẽ khiến vitamin bị mất đi rất nhiều. Theo các chuyên gia, bạn nên ăn sống hoặc dùng nó làm gia vị cho món ăn. Với các loại ớt để chế biến thành món ăn như ớt chuông thì nên hấp.

Súp lơ

Trong súp lơ có chứa nhiều vitamin C. Cứ 100g súp lơ thì có thể cung cấp 89,2mg cho cơ thể. Thành phần khoáng chất và vitamin trong súp lơ giúp kích thích quá trình trao đổi chất, tham gia vào hoạt động tạo máu để củng cố hệ tim mạch và chức năng bảo vệ cơ thể. Do đó, súp lơ không chỉ được coi là món ăn dinh dưỡng quý giá mà còn là thành phần dinh dưỡng quan trọng với cơ thể.

Súp lơ có chứa fructose và glucose. Những chất này rất tốt với người bị đái tháo đường. Với những người bị bệnh tim mạch thì thực phẩm này đóng vai trò quan trọng trong quá trình thúc đẩy đào thải cholesterol xấu, củng cố mạch máu.  

Axit tartric trong súp lơ thì giúp làm giảm nguy cơ bị béo phì. Ngoài ra, nó còn được chứng minh là thực phẩm có thể phòng khối u, bệnh về gan…

Nghiên cứu năm 2009 đã tiến hành khảo sát các cách chế biến súp lơ thông qua 5 phương pháp phổ biến là hấp, luộc, nướng, xào và rán. Kết quả, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng: Khi hấp, súp lơ giữ được giá trị dinh dưỡng ở mức cao nhất. Trong khi đó, luộc lại khiến thực phẩm này bị mất nhiều chất dinh dưỡng nhất.

Chuyên gia dinh dưỡng Elaine Magee nhận định: Việc luộc súp lơ khiến vitamin có đặc tính tan trong nước như vitamin C, B1, folate ngấm vào nước chứ chẳng còn lại trong súp lơ nữa. Do đó, trừ khi bạn vừa ăn rau vừa dùng nước rau luộc như một loại súp, nếu không thì các chất dinh dưỡng này sẽ chẳng vào cơ thể. Vì vậy, ông khuyên mọi người tốt nhất nên hấp thay vì luộc.

Súp lơ với bắp cải không nên luộc, hãy mang đi hấp

Súp lơ với bắp cải không nên luộc, hãy mang đi hấp. Ảnh minh họa, nguồn: 24h

Bắp cải

Theo các chuyên gia, thành phần dinh dưỡng và vitamin trong bắp cải nhiều gấp 4,5 lần so với cà rốt và 3,6 lần so với khoai tây. Vitamin A và P trong bắp cải giúp cải thiện thành mạch máu. Nhờ thế mà mạch máu bền vững và khỏe mạnh hơn.

Bên cạnh đó, bắp cải còn có chứa các chất chống oxy hóa như sulforaphane, phenethyl isothiocyanate và indol-33 carbinol. Những chất này có khả năng ngừa khối u.

Một nghiên cứu ở Mỹ đã tiến hành gây khối u ác tính cho động vật thí nghiệm, sau đó chúng được cho ăn bắp cải. Một thời gian sau, các chuyên gia phát hiện, bệnh tình đã giảm 90% so với những động vật không được cho ăn bắp cải.

GS. Wattemberg (Viện Đại học Minesota) cho hay: Cơ chế chống K của bắp cải là ức chế các chất sinh khối u trong cơ thể. Đồng thời, trung hòa chất sinh khối u ngoại lại để loại bỏ khỏi cơ thể. Nó cũng bảo vệ màng tế bào chống lại sự phân hóa vô tổ chức của tế bào K, hạn chế sự phát triển của khối u.

Loại rau này hay được mọi người chế biến thành món luộc để ăn vì vừa ngọt vừa mát. Tuy nhiên, chuyên gia dinh dưỡng Tracy Lesht lại khuyên: Không nên luộc bắp cải. Lý do là vì, bắp cải khi được luộc sẽ khiến lượng vitamin và dưỡng chất khác bị ‘rửa trôi’, không còn lại nhiều trên rau nữa.

Cải bó xôi

PGS.TS. Nguyễn Xuân Ninh (Phó Viện Trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam) cho biết: Cải bó xôi là loại rau có tính chất lành và bổ. Nó có thể bổ sung nhiều vi chất dinh dưỡng cho cơ thể.

Trong cải bó xôi có chứa nhiều vitamin, khoáng chất cần thiết. Trong đó, hàm lượng vitamin K của cải bó xôi còn nhiều hơn trứng vịt gấp 60 lần. Bên cạnh đó, loại rau này còn chứa nhiều khoáng chất như sắt, mangan, magie, canxi, axit folic mà lại có ít calo.

Vitamin A, C, K trong cải bó xôi có tác dụng bảo vệ tim mạch luôn khỏe mạnh, phòng ngừa suy tim, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp. Vitamin D và canxi thì có tác dụng cải thiện sức khỏe hệ xương khớp, đặc biệt tốt cho trẻ nhỏ, người cao tuổi.

Chất xơ trong cải bó xôi thì đóng vai trò hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động tốt. Nó kích thích nhu động ruột, trị táo bón, hạn chế chứng đầy hơi, khó tiêu.

Carotenoid và lutein trong cải bó xôi thì giúp phòng ngừa và cải thiện vấn đề về mắt như khô mắt, loét giác mạc, tăng cường thị lực… Carotenoid còn đảm nhận chức năng chống lại các gốc tự do gây khối u ác tính. Ngoài ra, cải bó xôi còn có thể chống viêm và giúp vết thương nhanh lành.

Dù có nhiều chất dinh dưỡng nhưng cải bó xôi không thích hợp để luộc chín. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng và Khoa học Thực phẩm năm 2012 cho thấy: Khi luộc chín, các loại rau giàu vitamin C như cải bó xôi bị mất từ 9 – 55% hàm lượng vitamin C. Do đó, loại rau này thích hợp để ăn sống. Nếu muốn ăn chín thì nên mang hấp chứ đừng luộc.

Cải bó xôi nên ăn sống

Cải bó xôi nên ăn sống. Ảnh minh họa, nguồn: SK&ĐS

Cải xoăn

Đây là thực phẩm được xếp trong nhóm lành mạnh nhất. Trong cải xoăn có chứa nhiều lưu huỳnh, giúp sản sinh glutathione. Đây là chất chống oxy hóa quan trọng nhất của cơ thể. Lutein và zeaxanthin hoạt động như các chất chống oxy hóa trong cơ thể và cải thiện thị lực. Đồng thời, hai chất này còn giúp tăng sắc tố trên da, giúp bảo vệ da khỏi ánh sáng mặt trời, giảm nguy cơ lão hóa da.

Cải xoăn cũng có chứa nhiều chất xơ. Một bát cải xoăn có thể cung cấp 10% nhu cầu chất xơ hàng ngày. Do đó, nó vừa giúp bạn no lâu lại còn phòng bệnh đái tháo đường.

Vitamin A trong cải xoăn cũng rất dồi dào. Nó có thể đáp ứng 133% nhu cầu vitamin A bạn cần mỗi ngày. Vitamin C trong cải xoăn cũng không hề kém cạnh các loại trái cây nổi tiếng là giàu vitamin C như cam, quýt. Trong khi, cam đáp ứng 113% nhu cầu vitamin C/ngày thì con số này ở cải xoăn là 134%.

Nghiên cứu được công bố vào năm 2016 trên tạp chí Frontiers in Nutrition cho thấy: Việc luộc cải xoăn có thể làm mất hoạt tính của enzyme myrosinase và nhiều loại vitamin, khoáng chất khác. Do đó, nếu ăn xải xoăn luộc sẽ không có đặc tính phòng bệnh tốt như ăn salad cải xoăn hoặc cải xoăn hấp.

Cải xoăn cũng không phải thực phẩm nên mang đi luộc

Cải xoăn cũng không phải thực phẩm nên mang đi luộc. Ảnh minh họa, nguồn: LĐ

Củ cải đường

Đây là loại thực phẩm có hàm lượng đường cao nhưng cũng đồng thời có nhiều chất dinh dưỡng khác tốt cho sức khỏe. Trong củ cải đường có lượng vitamin C, B, potassium, magia dồi dào. Vì thế, nó có thể chống viêm nhiễm, hạ đường huyết, phòng khối u.

Folate có trong củ cải đường rất quan trọng với sức khỏe tim mạch. Magan thì tham gia vào quá trình hình thành xương, chuyển hóa chất dinh dưỡng… Đồng thì lại là khoáng chất cần thiết để sản sinh năng lượng và một số chất dẫn truyền thần kinh.

Khi mang đi luộc, củ cải đường thường mất đi khoảng 25% giá trị dinh dưỡng. Do đó, bạn có thể dùng nó làm nước ép hoặc chế thành món salad bổ dưỡng thì tốt hơn.

Luộc không phải là cách chế biến củ cải đường thích hợp

Luộc không phải là cách chế biến củ cải đường thích hợp. Ảnh minh họa, nguồn: SK&ĐS

Đậu Hà Lan

Y học cổ truyền Ấn Độ xếp đậu Hà Lan vào nhóm thực phẩm dùng để giảm cảm giác thèm ăn, buồn nôn, cải thiện tiêu hóa và giảm viêm. Đối với y học cổ truyền Trung hoa thì loại đậu này được dùng để hỗ trợ cải thiện dạ dày, lá lách, bôi trơn ruột. Từ đó, cải thiện hệ tiêu hóa và cân bằng chất dịch trong cơ thể.

Còn với y học hiện đại, các chuyên gia đã phát hiện: Trong đậu Hà Lan có chứa coumestrol. Đây là chất có khả năng chống lại khối u. Không chỉ thế, loại đậu này còn có chứa nhiều chất chống oxy hóa nên có thể làm giảm nguy cơ hình thành và phát triển của khối u ác tính. Vitamin K trong đậu Hà Lan đặc biệt có ích trong việc làm giảm nguy cơ bị K tuyến tiền liệt.

Kali và magie trong loại đậu này là những khoáng chất cần thiết để ngăn chặn tình trạng cao huyết áp. Mà cao huyết áp chính là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Chất xơ trong đậu Hà Lan cũng có khả năng làm giảm lượng cholesterol xấu trong cơ thể. Do đó, nó có khả năng làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Một đánh giá được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng Mỹ cho thấy: Đậu Hà Lan có chỉ số đường huyết thấp. Vì vậy, thường xuyên ăn đậu Hà Lan có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.

Chất xơ và protein dồi dào trong đậu Hà Lan cũng có khả năng làm giảm nguy cơ bị tăng đường huyết. Do đó, nó không chỉ giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh mà còn giúp hạn chế khả năng tái phát, cực tốt với bệnh nhân đái tháo đường.

Lượng vitamin A, lutein, carotene không hề khiêm tốn trong loại đậu này đóng vai trò là chất xúc tác quan trọng nhằm làm giảm nguy cơ mắc các bệnh về mắt do tuổi tác như: Thoái hóa điểm vàng, đục thủy tinh thể. Đồng thời, chất xơ trong đậu Hà Lan cũng giúp hệ vi khuẩn có ích trong ruột phát triển vượt trội. Nhờ vậy mà có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh về hệ tiêu hóa. Người thường xuyên ăn đậu Hà Lan ít có nguy cơ bị hội chứng ruột kích thích, viêm ruột, thậm chí là K ruột kết.

Vitamin C trong đậu Hà Lan giúp củng cố hệ miễn dịch, củng cố ‘hàng rào bảo vệ’ thêm kiên cố ngăn không cho các tác nhân gây hại xâm nhập vào cơ thể. Đồng thời, loại bỏ những yếu tố nguy cơ trong cơ thể ra bên ngoài. Nhờ thế mà cơ thể luôn khỏe mạnh, ít bệnh tật.

Một nghiên cứu vào năm 2009 cho thấy: Đậu Hà Lan rất dễ bị mất chất dinh dưỡng khi đun sôi. Thậm chí các chuyên gia còn cho rằng: Việc luộc đậu Hà Lan khiến nó mất đi hơn 50% chất chống oxy hóa. Do đó, họ đưa ra khuyến cáo: Luộc không phải là biện pháp lý tưởng với đậu Hà Lan. Thay vào đó, bạn nên hấp thì tốt hơn.

Đậu Hà Lan có chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe

Đậu Hà Lan có chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Ảnh minh họa, nguồn: TN

Quả đậu xanh

Quả đậu xanh hay còn được gọi là đậu cove. Loại đậu này được rất nhiều người sử dụng trong bữa ăn hàng ngày. Trong đó có chứa 3 loại chất chống oxy hóa gồm carotenoid gồm beta carotene, lutein và zeaxanthin. Những chất này không chỉ cải thiện thị lực mà còn làm chậm quá trình lão hóa, giúp tiêu diệt các gốc tự do, phòng khối u ác tính hiệu quả.

Mặc dù nhiều người vẫn có thói quen luộc nhưng các chuyên gia dinh dưỡng cho biết: Việc này sẽ khiến các chất dinh dưỡng mất đi. Do đó, để tận dụng được dưỡng chất, tốt nhất chúng ta nên mang đi hấp thay vì luộc.

Đây là những loại thực phẩm có nhiều công dụng với sức khỏe và hay được mọi người sử dụng. Các mẹ đọc trên báo cũng biết nó tốt như nào rồi. Tuy nhiên, nếu mà thường xuyên luộc thì từ hôm nay các mẹ nên thay đổi cách chế biến nó đi nhé, kẻo ăn hàng ngày mà chẳng nhận được tí dưỡng chất nào.