Dấu hiệu bé sẵn sàng để ăn dặm là kiến thức cần thiết mà bất cứ mẹ bỉm nào cũng cần nắm, nhất là khi bé nhà bạn đang ở mốc 5-6 tháng tuổi, thời điểm thích hợp để làm quen với thức ăn đặc.

Bé mấy tháng có thể tập ăn dặm?

Ăn dặm là giai đoạn bổ sung năng lượng cho con bên cạnh nguồn thức ăn chính là sữa mẹ hoặc sữa công thức. Khi bé được 6 tháng tuổi, năng lượng sữa mẹ không thể cung cấp đủ nhu cầu con cần vì vậy thức ăn dặm sẽ là nguồn bổ sung, bù đắp cho sự thiếu hụt này. Bên cạnh đó, khi bé lớn lên thì lượng thức ăn và độ đặc của bữa ăn dặm cũng tăng lên tương ứng, nếu không bé sẽ còi cọc và phát triển kém. 

Một lý do nữa khiến việc ăn dặm đúng thời điểm là rất quan trọng, đó là để bổ sung sắt cho trẻ. Trong giai đoạn này cơ thể bé đã dùng hết lượng sắt dự trữ. Nên nếu chỉ có sữa mẹ bổ sung thì lượng sắt con hấp thu sẽ không đáp ứng được nhu cầu. Cho trẻ ăn dặm sẽ giúp bù đăp cho sự thiếu hụt này để tránh nguy cơ thiếu máu. 

Dấu hiệu bé sẵn sàng để ăn dặm

(Nguồn ảnh Shutterstock)

Cũng không nên cho bé ăn dặm quá sớm. Bé dưới 4 tháng tuổi chưa có đủ men amylase để tiêu hóa chất bột. Mẹ cho con ăn dặm trong giai đoạn này sẽ khiến bé chán sữa mẹ, bú ít đi và dễ bị thiếu các chất quan trọng từ sữa mẹ. Hậu quả là con có thể bị đề kháng kém, dễ bị suy dinh dưỡng và cản trở quá trình phát triển. 

Chưa kể việc ăn dặm sớm dễ làm con bị dị ứng thức ăn vì hệ tiêu hóa còn chưa phát triển hoàn thiện. Bé có thể dễ bị tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa vì hệ tiêu hóa chưa thể xử lý các chất phức tạp trong thức ăn.

Ngược lại, mẹ cho con ăn muộn sau 6 tháng tuổi sẽ làm con bị đứng cân, chậm tăng trưởng vì các chất trong sữa mẹ không cung cấp đủ nhu cầu của con.

Có thể bạn quan tâm: Bé 5 tháng ăn dặm được chưa và cần lưu ý những gì?

Dấu hiệu bé sẵn sàng để ăn dặm

Ở giai đoạn gần 6 tháng tuổi, mẹ có thể nhận thấy các dấu hiệu bé sẵn sàng để ăn dặm là:

  • Cân nặng tăng gấp đôi so với lúc mới sinh: Khi bé đạt cân nặng tăng gấp 2 so với lúc chào đời thì đây chính là thời điểm mẹ cần bổ sung bữa ăn dặm bên cạnh sữa mẹ cho con.
  • Bé ngồi vững, có thể giữ đầu và cổ ổn định: Dấu hiệu cho thấy con đủ cứng cáp để làm quen với các loại thức ăn đặc hơn.
  • Con có phản xạ lấy thức ăn và đưa vào miệng, đưa môi dưới về phía trước để lấy thức ăn từ thìa.
  • Bé biết từ chối món ăn nào đó bằng cách ngoảnh đầu đi nơi khác khi thấy không thích món đó. 
  • Lưỡi của con quên phản xạ tự động đẩy vật lạ như những lúc còn nhỏ.
  • Con thể hiện sự thích thú với thức ăn mà người lớn đưa cho.

Dấu hiệu bé sẵn sàng để ăn dặm

(Nguồn ảnh Shutterstock)

Nếu nhận thấy những dấu hiệu bé sẵn sàng ăn dặm này thì việc cần làm tiếp theo là quan sát con thật kỹ, xem liệu bé đã biết nuốt không hay vẫn đẩy thức ăn ra khỏi miệng. Chú ý có thể lần đầu thử thức ăn con sẽ đẩy ra, nhưng lần sau bé sẽ nuốt. Đó là dấu hiệu chứng tỏ con đã sẵn sàng để ăn dặm.

Bên cạnh những dấu hiệu bé sẵn sàng để ăn dặm này, cũng có một số biểu hiện gần giống với việc con có thể học ăn dặm. Ví dụ như ngậm nắm tay, đòi bú thêm sữa, thức dậy trong đêm là những biểu hiện bình thường, không phải là dấu hiệu cho thấy bé sẵn sàng ăn dặm nhé.

Nên cho bé ăn dặm với thực phẩm nào?

Mẹ đã biết các dấu hiệu bé sẵn sàng để ăn dặm. Khi đã chắc chắn bé cưng đã có thể bước vào giai đoạn ăn dặm, mẹ có thể lên thực đơn ăn dặm cho con sao cho đảm bảo cân đối giữa 4 nhóm thực phẩm chính đó là:

  • Nhóm bột đường: gạo, nếp, bột mì, mì, bún, phở, bánh mì, hủ tiếu, khoai, bắp.
  • Nhóm đạm: trứng, thịt, cá, sữa, tôm, lươn, ếch…; đạm thực vật như đậu nành, đậu hũ và các sản phẩm chế biến từ các loại đậu đỗ khác.
  • Nhóm béo: dầu, mỡ, bơ, các loại hạt có chứa dầu.
  • Nhóm vitamin và chất khoáng: rau củ, trái cây.

hình ảnh

(Nguồn ảnh Shutterstock)

Với các nhóm thực phẩm này, khi chế biến, mẹ không cần nên gia vị hay nước mắm gì cả nhé. Các thực phẩm này đều có vị mặn ngọt tự nhiên, và đây chính là cách ăn tốt nhất cho bé. Mẹ đừng nghĩ thêm chút nước mắm, hay nêm tí muối hoặc bột nêm sẽ giúp món ăn của con thêm đậm đà, kích thích vị giác. Muối không tốt cho thận của con và nó sẽ làm cho thận của con làm việc quá sức, có thể gây hại cho sức khỏe.

Trên đây là các dấu hiệu bé sẵn sàng để ăn dặm. Mẹ hãy chú ý để biết khi nào là thời điểm cần cho con ăn dặm để cung cấp đủ dinh dưỡng cần thiết nhé. Và cũng đừng quá lo lắng nếu bé chưa hợp tác khi ăn, kiên nhẫn sẽ giúp mẹ và con trải qua những giờ tập ăn đầy hứng thú đấy.

Nguồn tham khảo: Vinmec

Xem thêm bài viết liên quan:

7 ghế ăn dặm cho bé chất lượng, an toàn, giúp con có dáng ngồi chuẩn từ nhỏ

9 loại bánh ăn dặm cho bé bổ sung dinh dưỡng, vị thơm ngon, con thích mê

Chia sẻ thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng đầy đủ dinh dưỡng, mẹ nên ghi nhớ

Trẻ ăn dặm bị táo bón: Nguyên nhân và cách xử lý cho mẹ