Con mình được 5 tháng tuổi, mình bắt đầu tập cho bé ăn dặm theo kiểu Nhật. Ban sáng mình tập cho bé ăn cà chua. Bé nhăn mặt, nhè ra và sau đó ọe. Cho mình hỏi là làm cách nào giảm đi vị chua của quả cà và tập sao cho bé biết ăn cà chua. Cà chua mình trụng nước sôi sau đó bỏ vỏ, bỏ hạt và cho vào máy sinh tố xay.


Và cho mình hỏi thêm là khi mình chế biến bông cải cho bé, mình lấy phần bông thôi hay là lấy cả phần bông lẫn phần cuống luôn? Mình luộc chín bông cải, sau đó cũng cho vào máy xay. Nhưng mình thấy nó lợn cợn, phần cuống vẫn không nát ra. Nên mình không biết là có nên cho bé ăn phần cuống hay không và cách chế biến rau như thế nào cho bé dễ ăn.


Mình cám ơn nhiều


Một số bình luận bạn có thể thích:


Bé mới ăn dặm bạn không nên cho bé ăn mấy loại có vị đặc biệt như vậy. Tập ăn đa dạng không có nghĩa là bắt đầu bằng cà chua trước. Bạn nên bắt đầu bằng cháo trắng, nấu tỷ lệ 1 cháo : 10 nước. Gạo bao giờ cũng lành tính và dễ ăn hơn. Bé quen và chấp nhận chừng 3-4 ngày, bạn thêm vào ít bí đỏ tán nhuyễn. Vài ngày bạn lại chuyển sau rau khác (Có thể là cải bó xôi, khoai lang, rau dền, cà chua, súp lơ). Nên bắt đầu từ thứ dễ ăn cho bé nhất. Đừng làm bé sợ ngay từ lần ăn đầu tiên. Cà chua có nhiều loại, có chua, có ngọt. Bạn nên lựa trái ngọt, chín. Luộc chín, bóc vỏ, bỏ hạt. Tán, rây quá rây. (Hoặc dùng máy xay cầm tay). Ăn chung với cháo trắng cho dễ ăn. Chú ý đến độ thô nha. Thô quá bé ăn cũng không được.


Súp lơ, mình hầm với nồi áp suất (Cả cuống), rây qua rây là nó tuôt xuống hết. Luộc nhiều khi vẫn còn cứng. Người lớn ăn được, chứ em bé 5 tháng thì không ăn được



Dùng máy xay sinh tố thì phải dùng số lượng rất nhiều, pha thêm nước mới xay được. Bé mới ăn dặm thì ăn ít nên không cần phải làm thế.


Nếu có điều kiện, bạn sử dụng máy xay cầm tay. Có thể xay được cả rau và thịt với số lượng rất ít.


Còn nếu không, bạn cứ rây qua rây.


Rau lấy phần lá, bỏ cuống và gân lá. Băm nhuyễn. Có người thì sau khi băm, dùng chày giã thêm cho nhuyễn (Giã thế thì mịn nhưng rau có mùi nồng). Đem luộc với ít nước. Rây qua rây (Dùng muỗng miết rau qua một cái rây). Bé 5 tháng ăn cỡ chừng 5ml/ngày (Cỡ 1 muỗng).


Khi nấu cháo, cháo sôi thì bỏ rau vào (Hâm nóng lại) rồi tắt bếp là vừa.


Nếu muốn cho bé ăn riêng biệt thì bạn cũng phải hâm lại, thêm vào bột gạo tạo độ trơn cho bé dễ nuốt.



Nếu xay thì bỏ thêm nước. Lần trước mình nấu món này bằng cách là luộc sau đó mới xay, kết quả là lợn cợn mà thành phẩm nước nhiều (nếu nước ít máy xay không được). Để mình thử thêm cách mẹ lazycat1505 chỉ xem sau


Cho mình hỏi là trong thời kỳ tập ăn dặm này mình bỏ dầu ăn vào cháo cho bé tập ăn luôn hay là chờ tới tháng 6 bé ăn chính thức thì mới bỏ. Mà sao đọc mấy bài viết về hướng dẫn ăn dặm theo kiểu Nhật không thấy bỏ dầu ăn vào món ăn



1. Rau cắt nhuyễn đem luộc với ít nước


2. Rây qua rây


3. Hâm nhanh lại. Vừa sôi bỏ thêm bột gạo/bột bắp (Đã pha với tí nước lạnh vào). Hơi sánh lại thì tắt bếp, đem cho bé ăn


Quá trình rây làm thức ăn nguội lạnh, không được ngon nên cần hâm lại.


Theo mình biết thì hấp với lại nấu chung với nồi áp suất thì giữ được chất khá tốt. Đúng là nấu bằng nồi áp suất thì nó đổi màu ghê thiệt, nhưng nó có độ mềm phù hợp với bé mới tập ăn dặm (5 tháng).


Bạn có thể hoãn lại bông cải. Để bé nuốt thô khá tốt thì bạn nấu. Khi con mình nuốt thô khá tốt (6-7 tháng) thì mình chỉ cần hấp nguyên cái bông cải. Sau đó xắt nhuyễn/xay nhuyễn (Thường mình chỉ lấy phần bông, phần thân xơ nhiều, khó nuốt, mình không lấy). Lấy phần đó thêm ít nước. Nấu sôi, bỏ thêm bột vào cho bé ăn


Phương pháp ăn dặm của Nhật có nói vụ bỏ dầu ăn mà. Bạn xem ở đây:


http://www.dinhduong.com.vn/story/phuong-phap-dam-cua-nhat


Cụ thể thế này:




Hồi đó mình cho ăn khoai lang đo, bí ngòi, bí đỏ, bí xanh, rau dền cơm, cải bó xôi (Rau chân vịt), bù ngót (Nhiều Canxi), xà lách son, . Ngoài ra còn có cải dún, củ dền (Lấy nước là chính), su hào, khoai mỡ... Một số rau gia vị cũng tập luôn như hành ngò, thìa là...


Bé ăn dặm chừng 1-2 tuần thì mình cho ăn đạm. Giai đoạn này mình chỉ cho ăn đậu hũ non, lòng đỏ trứng gà - Không cho ăn lòng trắng vì nó khó tiêu


6 tháng thì cho ăn các loại cá thịt trắng (Cá lóc..), thịt gà, trứng, đậu hũ, gan gà, óc heo...


8 tháng thì thịt heo, bò, cá thịt đỏ, cá biển, cá hồi


9 tháng thì tôm, cua...


Nói chung thì tùy theo bé. Khi ăn món mới thì bạn cho bé ăn số lượng ít thôi. Ăn liên tục 2-3 ngày xem bé có bị dị ứng gì không. Nếu dị ứng thì bạn hoãn lại.


Một số bé bị dị ứng với đậu, trứng, tôm cua. Vậy nên bạn cẩn thận chút


Trái cây thì ăn theo mùa. Trái cây ban đầu của bé là chuối tiêu. Lấy thìa nạo cho bé ăn.


Bom, lê, nho cũng được. Nạo nhuyễn cho bé, nếu bé ăn thô chưa tốt thì lấy nước cho bé cũng được


Ngoài ra còn có đu đủ, xoài chín, kiwi (Có rất nhiều vitamin C)


Bạn có thể nấu nước dùng từ rau củ, rong biển cho bé uống cũng được để bổ sung thêm vitamin


Có thể tự làm thêm phomai tươi cho bé ăn, cũng rất tốt. Vị chua thanh nhẹ, dễ ăn cho bé


Sữa chua thì hơn 6 tháng đã có thể tập được (Loại dành cho em bé nha bạn, không phải của người lớn). Có người bảo nên cho ăn sữa chua trễ, có người bảo nên cho ăn cùng với giai đoạn tập ăn dặm. Cái này mình nghĩ tùy bạn và tùy bé thôi. Nếu bé không thích ăn thì cũng không nên ép.



Chuối tiêu hay còn gọi là chuối cau. Trái nhỏ xíu hà. Ngọt và thơm.


Giống dzậy nè:


Lòng đỏ con ăn. Hông có bỏ bột gạo vào trứng đâu :Laughing:. Bạn có thể bỏ lên luôn cháo trắng mà. Ăn chung với cháo béo béo, ngon hơn là ăn không (Ăn không thì hơi bị tanh). Còn không thì lấy nước cháo tán tán ra chút xíu.


Bột gạo là gạo xay ra ấy. Có bán trong mấy tiệm chạp phô ở chợ đó mà. Bạn sử dụng bột bắp/bột ngô cũng được. An toàn hơn thì vào siêu thị, cũng bán đầy. Bột chủ yếu chỉ là tạo độ sánh cho con dễ nuốt thôi.


À, hồi trước mình thấy trong siêu thị có bán bột gạo lức Thiên Long ấy. Lâu lâu, nấu bột, bỏ chút nước thịt cho bé. Ăn giống như cháo. Bé mình ăn rất thích. (Mà lâu lâu đổi vị thôi)


Bạn có chồng ủng hộ thì cũng sướng rồi còn gì.



Chừng 2 tuần sau khi ăn dặm, mình cho con ăn đạm thực vật. Dùng lượng rất ít nhe. Ăn được thì mới tăng lượng lên.


Bạn cho bé ăn lòng đỏ trứng gà. Luộc rồi rây qua rây. Ăn với cháo


Hoặc đậu hũ non, hấp, rây qua rây. Ăn với cháo


Hoặc đậu xanh cà vỏ (Hay các loại đậu khác) nấu chung với cháo. Lượng ít thôi. (Xem lượng ăn ở phần ăn dặm theo phương pháp Nhật mà mình đưa link ở bài trước)


Chỉ vậy thôi. Qua tháng thứ 6 mới cho ăn đạm động vật



Mình nấu cho bé ăn thì bỏ ruột. Bầu thì cũng tương tự như bí. Khoai mỡ thì cũng như khoai tây, khoai lang.


Có câu hỏi mà mình thấy nhiều mẹ thường hỏi...đại loại, bé mình "en nờ" tháng, mình cho ăn thịt/rau (Hay thức gì khác) được chưa


Câu trả lời là tùy theo bé.


Bạn tập theo nguyên tắc là...khi bé ăn món mới thì ăn ít thôi và liên tục 2 ngày để kiểm tra bé có bị dị ứng không).


Tùy theo bé, mà bạn chế biến độ thô thích hợp. Nếu bé không thích thì bạn hoãn lại và đừng có ép bé ăn cho bằng được.


Bé mới 5 tháng thì chủ yếu tập cho bé quen thức ăn mới. Miệng bé chưa quen với thức ăn quá thô, bao tử cũng thế. Nên thường là tập các loại củ, quả dễ nuốt (Như bí đỏ, khoai lang), rồi chuyển sang rau lá (Lợn cợn hơn chút).


Đạm cũng thế, mới đầu tập đậu hũ, rồi lòng đỏ trứng cho dễ nuốt. Sau đó tập các thực phẩm thô hơn, vị cũng đặc biệt hơn như thịt heo, cá


Bạn chỉ cố gắng đảm bảo bé ăn được đa dạng (Rau, bột, đạm, dầu ăn) với tỷ lệ phù hợp với tháng tuổi của bé.


Như bạn honey B nói, mình thấy cốt lõi của việc tập cho bé ăn dặm (Kiểu nào không quan trọng), chính là:


- Cho bé ăn đa dạng. Một mặt giúp bé hấp thu đủ chất. Mặt khác giúp bé khộng kén bất cứ loại thực phẩm nào. Điều này giúp bé dễ hòa nhập khi đi học hay khi đi chơi xa.


- Ăn theo tiến trình (Step by step) để tăng dần độ thô cho bé (Chứ không thay đổi độ thô đột ngột, từ cháo chuyển thẳng qua cơm) để cho lưỡi bé, bụng bé quen đi. Không cảm thấy shock. Ăn theo tiến trình cũng giúp bé ăn cơm nhanh, dễ kết hợp với các thực phẩm khác hơn. Từ đó bé không ngán (Nhất là khi ăn cháo, mình có cố thay đổi vị cháo kiểu gì, thì cái khẩu vị/khẩu cảm nó gần như giống nhau. Bé lại ăn 3 bữa/1 ngày. 21 bữa/1 tuần. 84 bữa/1 tháng ---> Mình còn ngán ngẩm, huống chi là bé). Bé ngán lại nảy sinh cái tật ngậm cháo khi ăn, không thích ăn, kén ăn. Do đó, việc ăn theo tiến trình, từng bước một tăng độ thô là rất quan trọng với bé.


- Cho bé ăn đúng ngay từ đầu. Dạy bé ngồi ăn một chỗ, không rong chơi, không đùa giỡn, không xem tivi. Bữa ăn trình bày đẹp mắt. Mỗi bữa ăn như một cuộc khám phá, kích thích bé phát triển các giác quan. Điều này sẽ giúp bé tự lập và chủ động khi ăn uống. Từ từ giúp bé cầm muỗng, nĩa tự ăn, tự bê nước (Tập bé sử dụng ống hút, rồi từ từ chuyển sang cầm ly nước). Tập cái này rất vất vả. Nhưng sau này, các mẹ sẽ rất nhàn khi cho con ăn uống. Bé cũng rất tự lập, ít làm phiền người khác.


Đó cũng chính là cốt lõi khi tập cho con ăn dặm.


Đọc nhiều sách. Hỏi người khác để có kiến thức. Nhưng trên tất cả, bạn nên nuôi con bằng bản năng người mẹ của mình. Nên làm những gì bạn cảm thấy sẽ tốt nhất cho con của bạn. Quan sát con. Nếu con ăn không được thì điều chỉnh độ thô lại. Ăn không được nữa thì chuyển sang thực phẩm khác, một thời gian sau quay lại. Mọi thực phẩm nên giữ vệ sinh cẩn thận. Ăn các món mới thì nên từng ít một để kiểm tra con có ăn được hay không.


Điều quan trọng nữa là phải kiên nhẫn, đừng cáu gắt, đừng sốt ruột. Có khi bé không quen ăn, ăn lại ói. Có khi bé mọc răng, lại kén ăn. Có khi chẳng lý do gì, bé cũng kén ăn (Kén ăn sinh lý theo giai đoạn). Có khi bé ham chơi, thích vừa ăn, vừa chơi (Mà khổ cái, vừa ăn vừa chơi thì ăn mau hết hơn bình thường- Nhưng nên nhớ, mấy cái này chỉ có tính giai đoạn. Đã quen kiểu ăn và chơi thì sau này phải tiếp tục, bé đã quen rồi, thì tập ăn đàng hoàng lại rất khó. Chẳng thà tập ăn đàng hoàng ngay từ đầu. Còn đã quen vừa ăn vừa chơi thì sẽ rất mệt mỏi. Mệt nhất là chuyện suy nghĩ, bày ra trò chơi gì để dụ bé ăn. Trò cũ thì bé chán. Phải trò mới cơ. Mà quen ăn thế, mình mệt, con mình đi nhà trẻ thì mệt hơn, tội nghiệp hơn, bị cô nắn lại, con khổ sở hơn. Cho nên thương con phải biết cách, các mẹ nhé).


Nói chung thì phải cực kỳ kiên nhẫn. Phải tập cho con thói quen ăn uống tốt ngay từ đầu. (Bản thân mình cũng phải ăn uống đàng hàng, làm gương cho con nữa - chứ có vụ bưng tô cơm lên phòng khách vừa ăn vừa coi tivi nhe)


@Abyss: Về cá chuyện trữ thức ăn thì mình không có biết rõ (Mình ăn ngày nào xào ngày đó). Bạn tìm hiểu kỹ thêm ở các mẹ khác nha.


Theo mình nghĩ, bạn nên lựa loại khay đá thích hợp (Có loại chuyên dụng luôn hay sao á). Ví dụ như mỗi khay đá tầm 5ml thức ăn. Loại khay bằng nhựa dẻo, mềm, để khi đông đá mình xoay xoay, vặn vặn là nó bung mấy cục thức ăn ra hết. Có khay đựng rau riêng, khay đựng thịt riêng, khay đựng cháo riêng. Mỗi lần ăn, bạn lấy từng viên (Lượng thích hợp), bỏ vào chén hâm bằng lò vi sóng, rất là tiện lợi. Lò vi sóng cũng rất rẻ thôi mà. Nên sắm trong nhà.


Còn nếu không có thì bạn phải rã đông hơi bị mệt. Cũng phải lấy để ở ngăn mát tủ lạnh trước vài tiếng (Hoặc là ngâm nước nóng - bỏ vào chén - bỏ chén vào nồi nước nóng). Sau đó trút vào nồi, nấu lại. Hơi bị cực nghen. Nhưng mà nếu bé ăn 1 ngày chỉ một lần thì bạn có thể bỏ chén thực ăn vào hâm trong nồi cơm điện. Cơm chín, thức ăn của bé cũng nóng sốt. Cũng tiện lắm à.


Đó là theo suy nghĩ của mình thôi.



THật ra PP kiểu Nhật đúng ra là ko cần dùng máy xay sinh tố đâu! Tất cả đều chỉ là băm, nghiền, mài, giã cho nhỏ rồi lọc qua rây theo đúng tiến độ thô của con thôi à.


Tuy nhiên ít mẹ nào kiên nhẫn + có time + tỉ mỉ làm như vậy lắm. THế nên thường là dùng máy xay cho nhanh. Nếu mẹ nó đã có máy xay sinh tố (kèm thêm cối xay thịt) rồi, thì có thể ko mua máy cầm tay cũng đc.


Vì thịt thì mới cần xay nhỏ nhuyễn bằng máy cho nhanh và đỡ mỏi tay vì phải băm nhiều.


Còn rau thì nếu mẹ nó sơ chế trước (luộc/hấp) rồi thái miếng nhỏ, sau đó cà qua rây hoặc băm thêm chút xíu nữa là rau sẽ có độ thô như mong muốn. Đối với các loại rau nhiều xơ, nếu băm mà vẫn chưa đủ mịn cho bé (như trong giai đoạn đầu) thì mẹ có thể cho vào cối giã thêm rồi rây qua rây.


Thậm chí HB thấy cách này còn tiện hơn là dùng máy xay. Vì mình có thể điều chỉnh độ thô theo đúng ý mình rất kịp thời. CHứ nhiều khi dùng máy xay, kể là máy xay cầm tay, thì lỡ mà để lâu hơn có 1 -2s thôi có khi thức ăn cũng quá mịn ko đúng ý mình mất rồi.



Ăn đạm nhưng mà vẫn tiếp tục ăn rau mà. Ví dụ như ít cháo, ít rau, ít đậu hũ non (Đã hấp và nghiền). Nguyên tắc ăn dặm là không ăn 2 món mới cùng lúc, chứ không phải không ăn 2 món cùng lúc.


Ăn phomai có thể ăn chung với cháo trắng, hoặc ăn không. Bạn nên lựa phomai phù hợp với bé.


Có thể cho bé ăn phomai con sò P'tit Louis, mua ở Citimart Sai Gon Square. Phomai này có vị nhạt, dễ ăn.


Có thể mua phomai Kiri, bán ở BigC, mềm, dễ tan hơn các loại phomai khác (Mình cho con ăn phomai này)


Hoặc phomai Belcube, bán ở các siêu thị khác nhau. Đặc điểm phomai này thì có nhiều vị khác nhau cho bé, kích thước vừa vặn cho 1 lần ăn. Nó hơi cứng so với Kiri. Nếu trộn chung với cháo nóng thì chắc bé ăn được. Nhưng ăn không thì không được


Ăn phomai có thể trộn chung với cháo hoặc ăn không. Ăn không thì mình chưng trong nước nóng là phomai đã tan chảy ra rồi (Nhất là phomai Kiri ấy)


Phomai cục khác hoàn toàn với phomai tươi. Mình khuyên bạn cho bé ăn phomai tươi thay vì sữa chua. Phomai tươi cung cấp khá nhiều Canxi, vị chua nhẹ, béo, dễ ăn cho bé. Cách làm thì bạn nghiên cứu ở topic khác



Mấy món đó, bạn chờ qua 6 tháng hãy cho ăn (Khi mà bé nuốt thô khá tốt). Cách làm thì bạn có thể search trên google hay trên webtretho. Không phải cà qua rây đâu vì cọng mì nó mềm và trôi tuột vào miệng bé, nhưng mà lúc đó phải xắt nho nhỏ.


Vậy nên mình mới khuyên bạn nên tập cho con ăn thô đúng tiến độ, như thế mình có thể dễ dàng thay đổi món cho bé, mà bé không bị ngán


Cái bàn mài rau củ giông giống như vậy nè, có bán ở shop Hachi Hachi (Giá vài chục ngàn. Ở chợ thì rẻ hơn). Mình thường dùng để nạo củ, quả, thậm chí cả trái cây (Bom, lê, nho...) chắt nước cho bé uống (Khi bé còn nhỏ)


Cái hình này mình chôm trên Net, gần giống cái bàn mài ở nhà mình



Phải nói là rất ngưỡng mộ con bạn. Bé ăn, nuốt thô hơi bị giỏi nghen. Con mình đến 6 tháng mấy, ăn đậu hũ vẫn ọe thấy ớn. Thực chất đậu hũ nghiền ra, cũng lợn cợn ghê lắm. Mình phải trộn chung luôn với cháo cho bé ăn đấy. Sau này nuốt thô tốt thì mới cho ăn riêng.


Cái bàn mài, mình mua riêng, không có khay ở dưới đâu. Nhưng xem hình thì rõ ràng là có nguyên 1 bộ. Mình thấy trong set bộ đồ chế biến ăn dặm của Nhật hình như có luôn ấy. Mình không có mua. Bạn thử lục lọi trong mấy tiệm Hachi, shop mẹ và bé hoặc các tiệm khác xem có nguyên một bộ không. Cái khay ở dưới chắc để giúp khi mình bào nó không bị trượt tay đó mà. Mình mua loại bằng nhựa giống vậy, chứ không mua bằng kim loại (Cho an toàn hơn)


Về cách chuyển độ thô thì mình có nói trong phần trả lời trước.


Bé 5 tháng thì ăn tăng dần từng muỗng cháo cho đến khi đạt 6 muỗng (5-30g)


Đến 6 tháng thì tăng cháo lên 8 muỗng (40g). Rau thì tăng từ 1 muỗng đến 4 muỗng (5-20g), đạm: 1-2 muỗng (5-10 g)


6 tháng 2 tuần: Nấu cháo bằng gạo tấm tỷ lệ 1:10. Xay sơ sơ cháo. Tỷ lệ rau thịt cháo thì bạn tra bảng nha


6 tháng 3 tuần: Nấu cháo bằng gạo tấm tỷ lệ 1:10. Không xay cháo nữa.


7 tháng: Cháo nấu tỷ lệ 1:8. Rau, băm nhuyễn, thịt xay.


8 tháng: Cháo tỷ lệ 1:7. Rau thịt băm nhuyễn, không dùng máy xay nữa. Thức ăn vẫn phải nhừ. Nhưng vẫn phải có độ thô để bé tập nhai. Cho bé ăn thêm bánh ăn dặm để bé tập nhai. Có thể bé không có răng nhưng đừng lo, bé vẫn nhai bằng lợi rất tốt


8 tháng 2 tuần: Cháo 1:6 hoặc cháo 1: 5.


9 tháng: Cháo 1: 5


10 tháng: Cháo 1:4 (giống cơm nát rồi đấy)


Cứ thế mà bạn tăng từ từ độ đặc của cháo. Cho bé ăn thêm nui, mì, bánh mì, spaghety, cornflake....Lúc này bé ăn thô khá tốt rồi..


Tầm 1 tuổi trở lên đã có thể ăn cơm nát rồi. Có khi cả cơm người lớn nấu hơi nhão 1 chút rồi



Mình vẫn phải dùng rây để làm nhuyễn rau. Không sử dụng bàn mài được.


Có người giản tiện thì xay số lượng lớn, trữ đông. Nhưng mình thấy rau thì không nên trữ đông.


Có người thì sử dụng máy xay cầm tay, nên rất nhanh.


Mình thì keo kiệt nên cứ rây hết :Laughing:


Tất cả cháo/thịt mình đều hầm qua nồi áp suất nên rất là mềm cho bé. Mình chỉ thay đổi độ thô thôi.


Ví dụ giai đoạn 6 tháng 1 tuần, cháo vẫn 1:10, xay rất mịn, loãng.


Sang giai đoạn 6 tháng 2 tuần, cháo vẫn 1:10, xay sơ sơ thôi, nếu cần thì nghiền thêm bằng tay (Dùng muỗng nghiền) nếu bé nuốt chưa tốt. Giai đoạn đoạn này dùng gạo vỡ (Gạo tấm), hột gạo nhỏ xíu. Hạt gạo to thì lúc xay sơ sơ, có khi còn cả nguyên hột gạo. Giả sử bé nuốt chưa tốt thì bạn nghiền thêm tí nữa, không nuốt được thì xay luôn.


Tùy theo bé mà điều chỉnh độ thô thôi bạn à. Đừng áp dụng cứng ngắc công thức


Thịt heo thì đến đầu tháng thứ 7 mình mới cho ăn. Mình xay nhuyễn, đánh với ít nước cho thịt không dính vào nhau rồi nấu bình thường (Bỏ thẳng vào cháo, hoặc xào riêng, thêm chút sốt cà, bột gạo cho sánh, hoặc làm kiểu chà bông hoặc các kiểu khác, tùy bé ăn được hay không)


Thịt cá thì khoảng giữa tháng thứ 6. Mình lấy cá thịt trắng (Cá sông như cá lóc, cá diêu hồng - mấy cá này ít xương), luộc trước cho đỡ tanh rồi "phẻ" cá ra, miết cho tơi, nấu cũng giống như trên (Có khi để cá đỡ tanh thì mình xào với dầu mè)


Thịt gà thì khoảng cuối tháng thứ 6.


Thật sự mình không giỏi nấu nướng. Món ăn của mình thường đơn giản, đơn điệu lắm. Bạn có thể xem các topic khác, học hỏi các mẹ cách chế biến