Nomad Shubham, chàng trai 20 tuổi người Ấn Độ, từng mô tả mình như một "du khách mạo hiểm". Thay vì ngồi máy bay, anh đặt chân tới hơn 40 quốc gia, vượt hơn 55.000 km vòng quanh thế giới bằng cách "du lịch quá giang" trong 4 năm. Đó là câu chuyện thú vị mà tôi đọc được trên Vietnamnet cách đây không lâu. 

Với một chiếc balo, 4 bộ quần áo, vài thiết bị quay phim và một chiếc lều, anh sống nhờ sự hỗ trợ từ người dân bản địa, các du khách khác trên hành trình. Shubham còn sở hữu một kênh YouTube có 1,69 triệu người theo dõi và đăng tải những đoạn clip chân thực về đời sống của mình.

hình ảnh

Nomad Shubham đi du lịch theo hình thức quá giang (Ảnh: Youtube)

Trước mỗi chuyến đi, Shubham sẽ chuẩn bị visa, giấy tờ thông hành cần thiết, còn lại để mọi thứ khác "tùy theo cơ hội". Anh từng ngồi bên lề đường nhiều ngày, chờ ai đó cho đi nhờ. Ở Kazakhstan, anh may mắn được thị trưởng thành phố giúp đỡ, đưa đến tòa thị chính để tham quan.

 "Không biết bao lần tôi phải ngủ lại trạm xăng, trạm cứu hỏa, hay đồn cảnh sát. Tôi không bao giờ lập kế hoạch cho chuyến đi, chỉ thuận theo dòng đời". Shubham đặt hạn mức chi tiêu hàng ngày là 6 USD, kiếm tiền từ việc dạy học trực tuyến và kênh YouTube cá nhân.

Năm 2017, Shubham vẫn còn là cậu học sinh 16 tuổi đến từ một ngôi làng nhỏ. Vốn là con trai của một giáo viên, anh nghĩ rằng mình cần học hành chăm chỉ, chú tâm làm việc và tiết kiệm tiền để đi du lịch thế giới.

Mọi thứ thay đổi sau khi anh bắt gặp video "Du lịch thế giới mà không cần tiền" từ một vlogger, giới thiệu hình thức "du lịch quá giang". "Tôi chưa bao giờ đi đâu xa cho tới thời điểm đó. Tôi không biết du lịch quá giang là gì, nhưng vẫn quyết định thử", anh kể.

hình ảnh

Nomad Shubham bắt đầu hành trình từ năm 16 tuổi (Ảnh: Youtube)

Tới nay, Shubham liên tục trải nghiệm cuộc sống xê dịch ở nhiều quốc gia với chi phí giảm tới mức tối thiểu. "Tôi muốn xem mình có thể đi được tới đâu không cần đến máy bay. Tôi đi từ Ấn Độ tới Bangladesh, Myanmar, Azerbaijan, Mông Cổ, Nam Phi, Kazakhstan, thậm chí cả Nga chỉ bằng đường bộ".

Bên cạnh những trải nghiệm đáng nhớ, Shubham không ít lần rơi vào tình huống nguy hiểm. "Có lần ở Oymyakon (Nga), nơi lạnh nhất trên thế giới có người sinh sống, tôi cứ đứng chờ quá giang trong tiết trời âm 60 độ C. Tôi may mắn nhờ được một tài xế xe tải, nhưng bánh xe lại xịt lốp khi đang đi trên con đường trơn. Chúng tôi gần bị tê cóng khi thay lốp", Shubham kể.

Anh cũng nói thêm rằng khái niệm "du lịch quá giang" vẫn còn xa lạ ở nhiều nước. Người dân bản xứ có thể lầm tưởng anh đang chào hàng họ khi cầm một tấm biển xin đi nhờ xe. Thậm chí, họ cũng tỏ ra lo lắng, thận trọng về cách anh tiếp cận và báo cảnh sát. Bất chấp những nguy hiểm có thể xảy ra, Shubham tin mọi trải nghiệm đều đem lại bài học quý giá.

hình ảnh

Nomad Shubham đã đặt chân tới hơn 40 quốc gia (Ảnh: Youtube)

Có lẽ, nếu phải dùng một từ để miêu tả chàng trai trẻ Shubham thì đó chính là từ “liều”. Rõ ràng, anh chàng này quá liều khi bắt đầu đi du lịch ở độ tuổi 16, trong khi bạn bè cùng trang lứa đang phấn đấu để học tập, có thành tích tốt. Anh cũng liều khi du lịch vòng quanh thế giới mà chẳng có trang bị gì, tiền bạc thì ít ỏi, và liều hơn nữa khi chọn cách đi bộ đầy rủi ro.

Trên mạng xã hội, người ta xem anh như một trong những vlogger về du lịch ấn tượng nhất nhưng bên cạnh đó lại có nhiều ý kiến khen chê khác nhau. Người ủng hộ thì cho rằng thanh xuân là phải trải nghiệm, hãy bước chân đi khắp mọi nơi để mở mang tầm mắt.

Ở góc nhìn của người trẻ, du lịch một mình giúp họ khám phá bản thân, rèn luyện ý chí, sự chủ động cũng như sẵn sàng đối mặt với mọi thử thách. Dẫu biết nguy hiểm luôn rình rập xung quanh nhưng nó lại đem tới cảm giác như đi tàu lượn siêu tốc, nghĩa là trong sợ hãi lại có sự phấn khích vô cùng, và khi vượt được qua nó, bạn sẽ tìm được cảm giác hạnh phúc sau tiếng thở phào .

Những chuyến du lịch đến miền đất lạ cũng đem lại cho người lữ hành kinh nghiệm thực tiễn vô cùng quý báu. Đó là vốn sống quý giá không thể tìm thấy trên ghế nhà trường hay trong sách vở. Những trải nghiệm, kỹ năng do chính bản thân tự thu nhặt được sẽ khiến bạn nhớ mãi không quên.

hình ảnh

Câu chuyện của chàng trai nhận được nhiều quan điểm trái chiều (Ảnh: Youtube)

Tuy nhiên, cũng có nhiều quan điểm không ủng hộ cách làm của Shubham, bởi nếu không có một sức khỏe tốt thì việc đi bộ dễ dẫn tới kiệt sức, đau ốm và bệnh tật. Chưa kể mùa dịch mà lỡ may bạn trở thành F0, gặp biến chứng nặng nhưng không cấp cứu kịp thời, vậy là đi tong tính mạng.

Chưa kể, vì đi bộ theo hình thức quá giang, nên bạn sống phụ thuộc rất nhiều vào sự may mắn. Với những đất nước nghèo đói, lạc hậu thì xác suất gặp may sẽ vô cùng thấp, bởi người tốt thì e dè sợ hãi bạn là người xấu, còn người xấu thì sẽ tìm cách để làm hại bạn.

Sau cùng, một cậu bé bỏ nhà đi du lịch thế giới từ năm 16 tuổi có nên chăng? Ừ thì cậu có thể kiếm tiền từ việc làm Youtube nhưng tương lai bạn ấy có thể làm cả đời không? Rồi cũng có lúc Shubham phải quay lại trường học, thi cử, học tập, ra trường, tìm kiếm công việc. Vốn sống và trải nghiệm chỉ làm bạn vui hơn nhưng muốn có tiền và công việc lâu dài thì cần chuyên môn, tri thức.

Sau cùng, nếu hình thức “du lịch quá giang” phát triển hơn, nhiều bạn trẻ bắt chước nhiều hơn thì rủi ro sẽ càng cao hơn, sợ nhất là các bạn nữ học theo mà chưa có chuẩn bị kỹ càng, hẳn sẽ phải trả giá rất đắt.

Thôi thì quan niệm mỗi người mỗi khác, nhưng chung quy lại, dù làm gì, đi đâu và chọn phong cách sống như thế nào, xin hãy đặt sự an toàn của tính mạng lên trên hết. Cơ thể của các bạn là do mẹ cha ban cho, muốn chơi trò “may rủi” thì hãy nên cân nhắc!