Người ta bảo mỗi tuổi lại có một nỗi lo là có thật đấy mọi người ạ. Khi trẻ thì lo làm ăn, kiếm tiền để nuôi con cái khôn lớn. Tới lúc dựng vợ gả chồng được cho chúng rồi thì quay lại thấy mình cũng đã già. Đến lúc này lại tính tới chuyện hậu sự của mình. Nhiều người cứ tặc lưỡi, bảo đến đâu kệ tới đó. Nhưng tính tôi lại khác, có một đứa con gái nên tôi muốn mọi thứ được chuẩn bị trước. 

Tôi có một cô con gái duy nhất thôi. Vợ chồng tôi hiếm muộn, cưới nhau cả chục năm mới có mụn con. Tới lúc con được 3 tuổi thì chồng tôi mất trước. Một mình tôi nuôi con khôn lớn. Thú thật, ngày ấy cũng có nhiều người khuyên tôi nên đi bước nữa. Dù sao mình vẫn còn trẻ, con thì mới có con gái. Sau này nó đi lấy chồng rồi, một mình tôi cô quạnh tuổi già hay sao? 

Nhưng tôi không nghĩ nhiều đến vậy. Đời tôi chỉ có một người đàn ông, tôi không muốn tái hôn sau khi chồng qua đời. Còn con thì trai hay gái cũng được. Con gái thì đã sao, nó hiếu thuận là được. Nhiều nhà có con trai nhưng lại là thể loại phá gia chi tử, như thế còn nặng đầu hơn. Nghĩ vậy, tôi cũng cố gắng một mình nuôi con khôn lớn. Lúc trước tôi cứ dặn con, nhà chỉ có hai mẹ con thôi, lựa anh nào ở gần nhà mà cưới. Sau này mẹ có chuyện gì thì còn chạy qua chạy lại. 

Có điều mình dặn thế, con nó lại yêu một người khác hoàn toàn thì biết làm thế nào được. Con tôi phải lòng một người ở tận trong Nam. Nói mãi chẳng được, thế rồi tôi cũng phải đồng ý để hai đứa làm đám cưới. Mặc dù trong lòng không muốn xa con chút nào. 

Sau khi kết hôn, con tôi chuyển hẳn vào Nam sinh sống và làm việc. Tuy ở xa nhưng con gái, con rể và cả thông gia trong đó quan tâm đến tôi lắm. Hầu như ngày nào các con cũng gọi điện hỏi thăm, thông gia cũng rất hay chuyện trò cởi mở. Nhiều lần, thấy tôi ở một mình không yên tâm, bà thông gia cứ động viên:

“Bà ở ngoài đó có một mình hay là chuyển vào trong này sống cùng con gái và con rể đi. Tụi nó đi làm cả ngày, tôi với bà ở nhà cùng trông cháu và cơm nước giúp các con. Nói thật với bà, tụi nhỏ nó cũng lo cho bà lắm. Cứ bảo mẹ có tuổi rồi, ở nhà một mình không yên tâm chút nào”.

Biết bà thông gia tính xuề xòa, lại xởi lởi và có ý tốt nhưng tôi vẫn từ chối:

“Thôi bà ạ, tôi ở ngoài này quen rồi, lúc nào có dịp tôi vào chơi vài ngày với bà”.

Tính ra thì tôi cũng thiệt thòi. Con gái người khác lấy chồng xong cứ chạy qua chạy lại. Con mình lấy chồng xa, một năm ra thăm mẹ 2-3 lần. Hoặc những dịp chúng đi công tác mới thu xếp về thăm mẹ. Mặc dù lần nào chúng cũng cho tôi tiền nhưng ở tuổi này rồi, tôi đâu có nhu cầu chi tiêu nhiều đến thế. Cái tôi cần thì chúng không cho được, nhưng than vậy chứ mình vẫn phải thông cảm. 

Có lần, vợ chồng con gái cho các cháu về nhà ngoại chơi. Các con mới nói chuyện mai này tôi mất đi thì sẽ xin phép mang tôi vào Sài Gòn thờ chung với các cụ tổ tiên bên nhà thông gia. Con gái tôi còn bảo đã nói với mẹ chồng và được bà đồng ý rồi. Mẹ chồng nó tốt tính lắm, lại không để ý vặt nên chuyện này đơn giản thôi. Nhưng tôi xua tay luôn:

“Mẹ đi rồi thì ai ở đây với bố? Mẹ sống ở đất này mất chục năm, bố cũng thế. Lúc bố mẹ khuất núi, các con lại mang vào tận trong Nam thì mẹ nhắm mắt không nổi đâu. Vì thế mai này mẹ có mất đi cũng thờ cúng bố mẹ tại nhà riêng này, tuyệt đối không được mang vào Sài Gòn thờ phụng chung với đằng nội”.

Cả con gái và con rể tôi đều bất ngờ. Chúng còn bảo nếu tôi sợ thông gia dị nghị thì không phải lo. Con rể tôi còn bảo:

“Sao vậy mẹ ơi, chỗ nhà con mọi nhà vẫn thờ cúng đằng nội đằng ngoại chung bao năm nay mà”.

Tôi mới nói:

“Sao lại thờ phụng kiểu thế được? Làm vậy chẳng khác nào bắt cha mẹ mình ăn nhờ ở đậu nhà thông gia à. Phải suy nghĩ thật kỹ chứ. Mẹ không bao giờ ủng hộ điều này. Mẹ không ngại gì đâu, nhưng muốn lúc khuất núi được thoải mái nhất. Bố mẹ có nhà tổ tiên để lại, sao phải đi ngồi chung bàn thờ với nhà thông gia”.

Không phải tôi sợ điều gì đâu. Nhưng cá nhân tôi nghĩ, nhà ai cũng có bàn thờ rất trang nghiêm và được dọn dẹp lau chùi cẩn thận. Vậy mà thờ cả bố mẹ đẻ cùng thờ với bố mẹ chồng và gia tiên nhà nội, lúc ấy nhìn nhà ngoại cảm giác như vô duyên và phạm thượng lắm. Bởi bàn thờ không phải chỉ riêng nhà con gái, con rể mà còn là nơi nhiều cô dì chú bác nhà nội cũng đến thắp hương khi lễ Tết hay giỗ chạp nữa. Tốt nhất là dù xa hay gần, cứ nhà mình mà thờ cúng. Chết là hết, hương lạnh khói tàn hay không không quan trọng. Tôi làm vậy đúng không mọi người?