Với một số hướng dẫn cách rèn rí não cho con từ tiến sĩ Lisa Feldman Barrett (ĐH Harvard, Mỹ), bố mẹ có thể giúp khơi dậy niềm đam mê trong trẻ đồng thời giúp con nhanh nhạy, linh hoạt, phát triển trí não tốt hơn.

Dưới đây là 7 cách rèn trí não cho con đem lại hiệu quả mà bố mẹ nên học hỏi và áp dụng, làm sao để có thể nuôi dạy con tốt nhất. 

1. Nói chuyện với trẻ

hình ảnh

Ngay từ khi con ra đời, bố mẹ đừng quên tương tác với bé, nói chuyện với con thật nhiều. Tuy trẻ chưa hiểu nghĩa của từ nhưng não của con đã bắt đầu tiếp nhận thông tin. Những gì trẻ tiếp nhận sẽ là nền tảng cho sau này. Khi con càng được nghe nhiều từ, khả năng ngôn ngữ của con càng phát triển mạnh mẽ với vốn từ vựng phong phú. Ngoài việc nói chuyện với con, bố mẹ cũng đừng quên đọc sách cho con, đây cũng là cách để tương tác với trẻ và giúp trẻ được làm quen với ngôn ngữ từ sớm. Đọc sách cho trẻ còn là lúc bố mẹ dạy cho con những kiến thức mới cũng như cách nhận biết các cảm xúc của con người từ đó giúp con linh hoạt hơn.

2. Khơi dậy niềm đam mê trong con đúng cách

Thay vì ép trẻ phải học bằng được thứ gì đó, hãy cho con môi trường phát triển. Ví dụ, muốn con học đàn, bố mẹ đừng ép trẻ phải học và học , thay vào đó hãy để trẻ sống trong môi trường âm nhạc, từ đó khơi dậy niềm đam mê trong con, trẻ sẽ tự thấy thích học đàn. Như vậy trẻ sẽ cố gắng nhiều hơn, tự giác hơn chứ không chờ bố mẹ ép buộc. Trẻ cũng sẽ luôn hào hứng, phấn khởi với việc học đàn chứ không tìm cách thoái thác, trốn tránh như khi bị ép học. Nếu bố mẹ khơi dậy niềm đam mê trong con đúng cách, không chỉ giúp con yêu thích việc học mà còn giúp con rèn luyện trí não để phát triển tốt hơn.

3. Trả lời những câu hỏi “tại sao” của con

hình ảnh

Từ khi bé biết nói, con sẽ thắc mắc về rất nhiều thứ và luôn đặt ra cho bố mẹ những câu hỏi tại sao. Với một vấn đề con có thể hỏi đi hỏi lại nhiều lần, và bất cứ thứ gì cũng có thể khiến trẻ tò mò, thắc mắc, muốn tìm hiểu. Điều này khiến một số ông bố bà mẹ cảm thấy bực mình khi trẻ luôn miệng hỏi. Có người vì không thể trả lời câu hỏi của con còn la mắng bé, gắt gỏng với bé. Thực ra, nếu con mình là một đứa trẻ hay thắc mắc, thì bố mẹ nên mừng, Hãy chịu khó trả lời những câu hỏi của con, lúc này con sẽ tiếp thu được nhiều kiến thức mới, giúp não bộ hoạt động hiệu quả hơn. Ngoài ra, trẻ cũng sẽ biết cách điều chỉnh hành vi sao cho hợp lý hơn. Những trẻ thường xuyên thắc mắc là những đứa trẻ nhạy bén, có óc quan sát, có trí tưởng tượng phong phú và rất thông minh.

4. Cho con tiếp xúc với nhiều người

Ngay từ khi con lọt lòng, một trong những cách rèn trí não cho con là để bé tiếp xúc với nhiều người. Theo các nhà nghiên cứu, những em bé thường xuyên tương tác với nhiều người nói ngôn ngữ khác nhau, có thể giúp não hình thành năng lực học ngoại ngữ. Việc được tiếp xúc với nhiều người cũng giúp trẻ rèn luyện khả năng ghi nhớ. Trẻ cũng sẽ phát triển khả năng giao tiếp và khả năng ngôn ngữ, biết cách quản lý cảm xúc của mình tốt hơn. Tuy nhiên, khi để trẻ tiếp xúc với nhiều người, bố mẹ cần lưu ý đảm bảo an toàn cho con, tránh cho bé đến gần những người đang bị bệnh, người hút thuốc lá, người say xỉn…

5. Không bao giờ dán nhãn cho con, chỉ nhận xét về hành động

hình ảnh

Ảnh minh họa

Một số bố mẹ khi thấy con có những hành vi chưa đúng mực thường la mắng bé, cho rằng bé “hư quá” mà không biết rằng mình đang vô tình “dán nhãn” cho con. Quy tắc dành cho bố mẹ là nói về hành động của trẻ thay vì nhận xét về con người trẻ. Như khi trẻ đánh em, thay vì nói với trẻ rằng “sao con hư quá vậy”, bố mẹ có thể nhẹ nhàng nhắc trẻ “con đánh em sẽ làm em bị đau, con xin lỗi em đi nhé”. Khi trẻ có hành vi cần được khen ngợi, bố mẹ cũng hãy áp dụng cách này, như vậy sẽ giúp trẻ hình thành các khái niệm về hành động và bản thân mình.  

6. Để con tự do khám phá thế giới xung quanh

Đôi khi bố mẹ cũng cần buông tay con ra, để trẻ tự do khám phá thế giới xung quanh. Việc được tự làm điều gì đó như lắp ghép một món đồ chơi, ăn hết phần ăn của mình, tự lấy quần áo đi tắm… tạo cho trẻ cảm giác tự chủ, đây là cách rèn trí não cho con rất tốt. Lúc này bố mẹ đừng hướng dẫn hay làm giúp con mà nên khuyến khích trẻ tự làm để bé học được tính tự lập, ngay cả khi con có thể làm sai, cũng đừng hướng dẫn bé vì lúc này con đang nỗ lực để tìm hiểu mọi thứ xung quanh. Và có thể, không cần đến sự giúp đỡ của bố mẹ, con vẫn có thể tự xoay sở, mày mò và giải quyết hậu quả. 

7. Tạo cơ hội để trẻ bắt chước

Khi mẹ làm một số công việc như quét nhà, dọn dẹp nhà cửa, hãy tạo cơ hội để trẻ bắt chước bằng cách đưa cho bé cây chổi có kích thước phù hợp với trẻ để con làm cùng. Như vậy trẻ sẽ có cảm giác được làm chủ và thông qua việc bắt chước hành động của mẹ, con cũng học hỏi được rất nhiều điều.