Mới đây, Bệnh viện (BV) Quân y 175 (TP.HCM) tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân NVN (58 tuổi, ngụ TP.HCM) với các dấu hiệu đột quỵ sau khi ngủ trưa trong xe ngoài trời nắng.

Tưởng chỉ mệt, ai ngờ đột quỵ


Theo lời ông N, sau khi ngủ dậy ông thấy bị tê tay phải và chân, méo miệng nhưng vẫn cố chạy xe về nhà ngủ tiếp vì cho rằng mình chỉ mệt mỏi. Sáng hôm sau, ông có biểu hiện yếu tay và liệt chân phải, nói khó. Khi người nhà ông ra quầy thuốc Tây mua thuốc, nhân viên bán thuốc nghe triệu chứng bệnh khuyên nhanh về đưa ông đến BV.

Ông N nhập BV Quân y 175 vào tối 23-3, được chẩn đoán nhồi máu não giờ thứ 27. Do đã quá các thời điểm cửa sổ điều trị tái thông (giờ vàng) nên bác sĩ tích cực điều trị, tránh tái phát cho ông.

Trường hợp tiếp theo là ông NTH (70 tuổi, ngụ Bình Dương) bị liệt hoàn toàn nửa bên người phải. Khai thác bệnh sử ghi nhận buổi sáng ông H sinh hoạt bình thường, đến trưa sau khi đi xe máy đến nhà con trai thì có biểu hiện đột ngột yếu nửa tay và chân bên phải. Nghi ông H bị đột quỵ, người nhà nhanh chóng đưa đến BV Quân y 175.

Xử trí nhanh, tránh mất giờ vàng

Khi một người có các dấu hiệu như hoa mắt, choáng váng trong thời tiết nóng cần nhanh chóng đưa họ vào nơi mát, thoáng gió, nới lỏng quần áo và nghỉ ngơi. Nếu thấy họ đổ mồ hôi nhiều, môi nhợt, thở nhanh và dốc, có các biểu hiện lú lẫn cần nhanh chóng đưa đến BV.

Trường hợp người bệnh có các dấu hiệu đột quỵ bao gồm đột ngột yếu hoặc tê bì, dị cảm tay hoặc chân, méo miệng, nói khó… phải đưa người bệnh đến BV có khả năng cấp cứu đột quỵ gần nhất. Tuyệt đối tránh chích máu đầu ngón tay, bấm huyệt... vì sẽ làm mất đi cơ hội và thời gian vàng trong điều trị đột quỵ.

ThS-BS HOÀNG TIẾN TRỌNG NGHĨA, Chủ nhiệm khoa Nội thần kinh


(BV Quân y 175)

Tại đây, các bác sĩ khoa Nội thần kinh xác định ông H bị nhồi máu não, thời điểm tiếp nhận cấp cứu là sau 3 giờ từ lúc xuất hiện triệu chứng. Ông H nhập viện trong tình trạng liệt hoàn toàn nửa bên người phải, có tiền sử nhồi máu cơ tim và tăng huyết áp 10 năm nay.

Sau hai tuần điều trị tích cực, hiện ông H đã được xuất viện, phục hồi sức cơ tay và chân phải, có thể đi lại với sự hỗ trợ của người nhà.

Nhiệt độ càng tăng, nguy cơ đột quỵ càng cao


Theo ThS-BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Chủ nhiệm khoa Nội thần kinh (BV Quân y 175), các nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ nhiệt độ ngoài trời liên quan đến tăng nguy cơ đột quỵ và mức độ nặng của đột quỵ. Một nghiên cứu vào năm 2022 đã chỉ ra nhiệt độ môi trường tăng lên 1 độ C thì gia tăng khoảng 10% nguy cơ mắc đột quỵ.

BS CKII Huỳnh Tấn Vũ, BV ĐH Y Dược TP.HCM (Cơ sở 3), cho biết có nhiều nguyên nhân gây đột quỵ trong thời tiết nắng nóng. Đơn cử như cơ thể tiết nhiều mồ hôi gây mất nước, nồng độ máu trong cơ thể giảm, độ kết dính trong máu tăng cao làm tăng huyết áp, tăng nguy cơ đột quỵ.

Ngoài ra, nắng nóng khiến hệ tuần hoàn, đặc biệt là tim hoạt động kém kèm theo giãn mạch dẫn đến thiếu máu nuôi não, đặc biệt ở người có tiền sử xơ vữa động mạch, cao huyết áp. Thời tiết nắng nóng còn làm suy giảm chức năng các cơ quan, gây mất ngủ, rối loạn giấc ngủ... dễ xảy ra đột quỵ.

“Trời nắng nóng khiến mọi người có xu hướng tránh nóng bằng cách vào siêu thị, trung tâm thương mại hay sử dụng điều hòa với nhiệt độ quá thấp. Điều này dẫn tới giảm thân nhiệt đột ngột, khiến mạch máu bị co lại gây nguy cơ đột quỵ” - BS Vũ nói thêm.

Để phòng ngừa đột quỵ, ThS-BS Nghĩa khuyến cáo khi làm việc trong thời tiết nắng nóng nên có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc quá lâu trong thời tiết bất lợi. Cạnh đó, cần bổ sung nước, năng lượng đầy đủ cho cơ thể, không thay đổi nhiệt độ đột ngột (từ ngoài nắng vào ngay phòng lạnh và ngược lại)…

Dấu hiệu cảnh báo đột quỵ

Các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ đối với người đang hoạt động ngoài trời nắng là đột ngột mất ý thức, ngất; da nóng ran; kiểm tra nhiệt độ cơ thể có thể lên đến 40-41 độ C hoặc hơn; đổ nhiều mồ hôi; da ẩm ướt; yếu nửa người (liệt tay, chân, méo mặt...); không cử động được; không nói được hoặc khó nói; nói ngọng; không xác định được thời gian và không gian.

Trường hợp tiến triển từ nhẹ đến nặng của đột quỵ, đầu tiên người bệnh sẽ có triệu chứng kiệt sức do nắng nóng như ra mồ hôi quá nhiều, đau đầu, khó chịu, mặt đỏ, đỏ da toàn thân, có cảm giác nghẹt thở, thở nhanh và nông, có khi đau bụng và nôn ói, choáng váng hoặc ngất, mệt mỏi, chuột rút.

Sau đó thân nhiệt tăng kèm các triệu chứng như lú lẫn, mất thăng bằng, thở dốc, hơi thở yếu, choáng, ngất, chóng mặt, hoa mắt, mặt tái nhợt, mạch nhanh, chuột rút.

Cuối cùng người bệnh sẽ có các biểu hiện tổn thương thần kinh như li bì, giãy giụa, mê sảng, hôn mê, tử vong nếu không cấp cứu kịp.

Đọc tiếp

Nguồn tin: Báo Pháp Luật TP.HCM