Gửi đến kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội một số tỉnh, thành cho biết cử tri vẫn tiếp tục kiến nghị cần quy định một ngưỡng nồng độ cồn nhất định đối với người tham gia giao thông.

Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7 của Quốc hội (QH) diễn ra vào cuối tháng 5 tới đây, đoàn đại biểu (ĐB) QH của một số tỉnh, thành thực hiện tiếp xúc cử tri và ghi nhận nhiều ý kiến quan tâm đến quy định nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông. Nội dung này đang được quy định ở dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB), dự kiến được thông qua trong kỳ họp này.

Lo lắng bị phạt oan vì nồng độ cồn nội sinh

Theo đoàn ĐBQH TP.HCM, vừa qua đơn vị đã phối hợp với nhiều cơ quan các cấp tổ chức 19 cuộc tiếp xúc cử tri, với 5.500 cử tri đến dự. Trong đó, nhiều cử tri bày tỏ sự đồng tình cao về việc phải xử lý nghiêm lái xe tham gia giao thông đường bộ có sử dụng rượu, bia.

Tuy nhiên, một số cử tri chưa yên tâm với quy định nồng độ cồn trong hơi thở là “zero”, đồng thời đề nghị Bộ Công an phối hợp với Bộ Y tế có giải pháp phù hợp giải quyết các trường hợp người tham gia giao thông vẫn có nồng độ cồn nội sinh.

Cũng theo cử tri, quy định không có ngưỡng giới hạn tối thiểu nồng độ bị xử phạt như hiện nay rất khó khăn cho người dân và lực lượng chức năng trong thực thi công vụ. “Vì vậy đơn vị soạn thảo cần điều chỉnh, sửa đổi theo hướng có quy định giới hạn mức nồng độ tối thiểu khi tham gia giao thông…”- đoàn ĐBQH TP.HCM đề nghị.

hình ảnhLực lượng công an kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển xe máy. Ảnh: PHI HÙNG


Tương tự, đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên cũng ghi nhận cử tri kiến nghị cần có quy định cụ thể xác định nồng độ cồn do bia rượu và nồng độ cồn do các loại trái cây, nước ngọt để áp dụng trong xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, nhằm đảm bảo tính chính xác và công bằng.

Thêm vào đó, cử tri tỉnh Phú Yên cho rằng quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn sẽ tác động, ảnh hưởng nhất định đến một số hoạt động văn hoá, lễ hội truyền thống của một số địa phương và thói quen sử dụng rượu, bia của một bộ phận người Việt. Vì vậy, để luật đi vào cuộc sống và có sự thuyết phục, cử tri kiến nghị cần rà soát, xem xét, cân nhắc mức xử phạt, hình thức xử phạt sao cho phù hợp.

Song song đó, cần có lộ trình cụ thể để người dân dần hình thành văn hoá khi tham gia giao thông, đáp ứng được yêu cầu thực hiện các quy định của pháp luật.

“Thêm vào đó, cần có quy định cụ thể xác định nồng độ cồn do các loại trái cây, nước ngọt, thức ăn, một số sản phẩm y tế dùng cho người bệnh có thể chứa cồn khi vào cơ thể sinh ra một lượng cồn nhỏ để áp dụng trong xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, đảm bảo tính chính xác và công bằng…”- đoàn ĐBQH Phú Yên nêu rõ ý kiến cử tri.

Trao đổi với PLO, ông Phạm Văn Hòa, ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, khẳng định hoàn toàn nhất trí đã uống rượu bia thì không lái xe, đó là nguyên tắc “bất di bất dịch”. Tuy nhiên, bên cạnh đó phải có quy định rõ hơn về ngưỡng bao nhiêu thì không bị xử phạt, như vậy mới bảo đảm công bằng cho người dân.

Thực tế, hiện nay có một số thức ăn, đồ uống, gia vị bản thân đã có chứa nồng độ cồn nên khi người dân ăn uống vào nếu bị kiểm tra vẫn “dính” vi phạm. Cạnh đó, nước ta là quốc gia có nhiều phong tục, tập quán, lễ hội, giỗ chạp…, thậm chí giao lưu thân nhân gia đình với nhau thông qua rượu bia, đặc biệt ở các vùng như Tây Nguyên, Tây Bắc, Đông Nam Bộ…

“Vì vậy, tôi cho rằng quy định nồng độ cồn trong hơi thở là “zero” là quá nghiêm khắc và chưa thực sự phù hợp với văn hóa, phong tục, tập quán của một bộ phận người dân Việt Nam…”- ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nêu quan điểm.

Sẽ điều chỉnh khi ý thức người dân tốt lên

Trước ý kiến của khác nhau của nhiều người dân thời gian qua về quy định nồng độ cồn, Bộ Công an vừa thừa uỷ quyền Thủ tướng gửi báo cáo giải trình của Chính phủ về một số nội dung lớn trong dự thảo Luật TTATGTĐB. Trong đó, cơ quan soạn thảo tiếp tục bảo lưu quan điểm “cấm người điều khiển xe có nồng độ cồn tham gia giao thông”.

Theo cơ quan soạn thảo, sau khi tiếp thu ý kiến các ĐB tại kỳ họp thứ sáu, đơn vị phối hợp với Bộ Y tế tổ chức nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tổ chức điều tra xã hội học, hội thảo khoa học về tác hại của rượu bia đối với người tham gia giao thông đường bộ, lấy ý kiến của các chuyên gia y tế tại các bệnh viện lớn của Việt Nam.

Kết quả cho thấy rượu bia ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tâm thần và hành vi của con người đặc biệt là những người sau khi sử dụng rượu bia điều khiển xe tham gia giao thông. Các nhà khoa học đều đồng thuận cao, phải xử lý nghiêm người điều khiển xe tham gia giao thông đường bộ có sử dụng rượu bia vì những con số đáng báo động về tác hại của rượu bia.

Cụ thể, Bộ Công an cho biết từ tháng 6-2022 đến tháng 12-2023, số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông đường bộ liên quan đến rượu bia chiếm 20% tổng số người chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ gây ra. Trong số đó, 80% là lỗi do người điều khiển xe đã sử dụng rượu bia gây ra.

Bộ Công an cũng lần nữa khẳng định việc kiểm soát vi phạm nồng độ cồn đối với người lái xe đang phát huy rất hiệu quả. Trong năm 2023, sau khi lực lượng chức năng tăng cường xử lý đối với người điều khiển xe vi phạm nồng độ, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu bia giảm 25% số vụ, 50% số người chết, 22% số người bị thương so với cùng kỳ năm 2022.

“Do đó, cần tiếp tục duy trì việc kiểm soát, xử lý quyết liệt, phát huy hiệu quả hơn nữa của chủ trương này…” - Bộ Công an nhấn mạnh.

Ngoài ra, cơ quan soạn thảo cũng khẳng định việc cấm tuyệt đối người lái xe sử dụng rượu bia nhằm mục đích để người dân dần hình thành thói quen, văn hóa “đã uống rượu bia không lái xe”. Sau khi ý thức, văn hóa giao thông hình thành tốt có thể nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp.

Theo dự kiến, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội sẽ tiếp tục cho ý kiến dự thảo luật Luật TTTATGTĐB. Sau đó, Chính phủ sẽ tiếp thu, giải trình làm rõ một số vấn đề và thông qua dự luật vào ngày 25-6.

Nguồn: VIẾT LONG - Báo Pháp luật TP.HCM

Link: https://plo.vn/nguoi-dan-van-chua-an-tam-voi-quy-dinh-nong-do-con-bang-0-post791055.html