Trước kia, lúc chưa chồng con em cũng lân la đọc tâm sự của các mẹ trên diễn đàn. Có nhiều cái thấy các mẹ nhà mình đúng như kiểu chuyện Đông chuyện Tây cái gì cũng biết. Chẳng hạn như mẹo dân gian nuôi con cực nhàn từ trong trứng. Em đọc thấy nhiều cái các bà các mẹ ở quê hay dùng cho các chị nên hứng thú và có lưu lại. Mình trẻ cứ hay nói thời đại bây giờ nuôi con phải theo khoa học. Cái này đương nhiên đúng. Nhưng em tin một số mẹo ông bà dạy nếu biết chọn lọc, áp dụng sáng suốt thì chuyện nuôi con sẽ nhàn hơn hẳn.

Tổng hợp từ những mẹo ông bà, em cũng dựa trên cái mình áp dụng từ hồi bầu bì đến lúc chăm con nhỏ để dẫn ra đây. Các mẹ nhà mình ai không tìm lại được bản cũ có thể tham khảo ạ.

Chăm mẹ, nuôi con từ trong trứng

- 1-2 tháng đầu mang bầu: Trị nghén

Tầm này 10 mẹ thì hết 8 mẹ bắt đầu nôn nghén. Mỗi người nghén một kiểu nhưng thường thì khi thức dậy cảm giác bụng cồn cào như đói ngấu. Sau đó là cơn lởm họng, nước bọt tiết ra nhiều và cơn nôn nghén xuất hiện, nhất là khi đánh răng, súc miệng.

Mẹo chữa: Nếu không bị đau dạ dày, khi chưa ăn gì bỏ bụng, mẹ dùng cốc nước lọc nấu sôi và để còn ấm. Sau đó vắt vào ly ¼ quả chanh. Nhớ giữ lại vỏ chanh để mang theo bên người ngửi nếu nghén nặng trong ngày. Tiếp đến cho thêm 1 muỗng cà phê mật ong, khuấy đều. Uống chanh cách này vừa lọc máu buổi sáng, vừa tiếp năng lượng cho con mà mẹ lại khỏe người, chống chọi được qua cơn nghén mấy tháng đầu.

- 3 tháng đầu: Ngừa dị tật thai

Con sinh ra ai cũng mong lành lặn, khỏe mạnh. Muốn được như vậy thì phải can thiệp từ trong 3 tháng đầu thai kỳ. Trước tiên, chọn ngày gần chồng phải lựa hôm chồng tỉnh táo, không say xỉn. Các cụ bảo điều đó không tốt cho giống nòi. Còn về khoa học, việc chồng say xỉn sẽ ảnh hưởng xấu đến chất lượng binh lính, tăng nguy cơ xuất hiện các chú ngặt nghẹo các mẹ nhé!

Làm xong bước này, muốn sinh con không dị tật mẹ chỉ cần nhớ công thức: Rau xanh + đậu + cá. Thời bây giờ các mẹ hay dùng hạt ngoại như óc chó, mắc ca, nhưng bà và mẹ em ở quê lại hay ăn đậu phộng 3 tháng đầu. Không biết nhà các mẹ thế nào nhưng đây là cách mà nhà em truyền lại cho con cháu sau này để ngừa hen suyễn. Sau tìm hiểu thì em cũng thấy đậu phộng rất nhiều axit folic, có tác dụng trong việc ngừa dị tật thai. Nếu mẹ nào khó ăn óc chó, mắc ca thì có thể dùng đậu phộng thay thế nếu không bị dị ứng.

Cách làm: Đậu phơi khô, đem rang với muối hạt để giữ độ giòn lâu. Sau khi rang, để thật nguội, cà vỏ lụa và cho vào hũ. Trong ngày dùng như món ăn vặt.

- Từ tháng 5 trở đi: Nuôi thai hồng hào, sinh ra trắng trẻo

hình ảnh

Có 3 cách để sinh con hồng hào, trắng trẻo

  • Cách 1: Từ sau tháng thứ 5, khi thai khỏe, mẹ bắt đầu chăm chỉ uống nước mía, nước dừa xen kẽ. Một tuần 3 ly này, 3 ly kia xen kẽ nhưng nhớ không uống quá 2 ly trong ngày vì để bụng uống đủ nước lọc, không dùng thay thế sẽ tăng nguy cơ tiểu đường thai kỳ mẹ nhé!
  • Cách 2: Ăn trái cây có vị chua nhẹ. Những trái có vị chua như cam, bưởi, cà chua, xoài… vừa có thể giúp mẹ trị nghén vừa giúp con trong bụng có làn da trắng hồng từ trong trứng.
  • Cách 3: Thêm vào bữa ăn sáng 1 quả trứng luộc mỗi ngày hoặc tuần 3 quả. Cách này vừa bổ sung dinh dưỡng cho bé vừa giúp bé sinh ra có làn da trắng trẻo hơn.

- Từ tuần thứ 14 trở đi: Chăm cho con mọc tóc đen dày

  • Cách 1: Uống nước hoa đậu biếc. Hoa đậu biếc có chứa chất anthocyanin có tác dụng kích thích tuần hoàn máu. Đặc biệt là khiến máu lưu thông mạnh đến các khu vực như chân tóc, chân mi, chân lông mày. Nó cung cấp dinh dưỡng khiến lông, tóc trở nên tươi tốt, bóng bẩy và sẫm màu hơn so với bình thường. 
  • Cách 2: Ăn trứng vịt lộn. Không phải ngẫu nhiên trứng vịt lộn được xem là món ruột của bà bầu. Không nói đến chuyện ăn vô độ do cuồng tin thì việc ăn trứng vịt lộn trong thai kỳ đúng cách sẽ đem lại nhiều lợi ích cho thai nhi và bà bầu bao gồm cả việc nuôi thai rậm tóc, dài mi.

- Từ tuần thứ 32 và 33: Chữa tướt mọc răng từ trong bụng mẹ

Để con sinh ra đến tuổi mọc răng không bị tướt, ông bà dặn mẹ phải ăn món dạ dày lợn hấp tiêu từ khoảng tuần 32-33. Tuy chưa có bằng chứng chứng minh mẹo dân gian cho trẻ này đúng nhưng bản thân em và rất nhiều mẹ áp dụng thấy đúng. Sinh 2 con mà bé đến tuổi mọc răng không hành đi tướt, chỉ sốt nhẹ một hai hôm là khỏi.

Cách làm: Mua về 1 cái dạ dày lợn (loại nhỏ) và 1 lạng hạt tiêu xanh. Sau khi chà muối làm sạch dạ dày thì cho hạt tiêu vào nhồi và khâu lại. Tiếp đến cho vào nồi nước và hấp cách thủy đến khi mềm là được. Khi ăn, chỉ cần bỏ chỉ và cắt miếng nhỏ, chấm mắm ăn cho ngon miệng.

Phải nhớ ăn đủ 1 dạ dày khi thai 32 tuần và tuần 33 ăn thêm cái nữa. Cái này do ông bà mách bảo chứ cũng không biết rõ vì sao phải đủ 2 cái và đúng thời điểm các mẹ ạ. Chỉ có điều làm đúng thì thấy nghiệm hiệu quả cao. Còn một cách khác là dùng mật lợn nhưng cái này em thấy không an toàn cho mẹ bầu vì khó biết mật con lợn lành và con lợn bệnh.

Lúc sinh nở và chăm con nhỏ

hình ảnh

  • Để sinh con sạch: 2 tuần trước ngày dự sinh, nhớ công thức nước dừa + men cơm rượu. Uống đều ngày 1 lần thì khi sinh con sẽ sạch và thời gian sinh nở rút ngắn. Em cũng dùng cách này nhưng chỉ được 1 tuần thì con ra đời rồi. Hồi ấy con đón ra da không nhăn mà còn căng hồng, bác sĩ khen lắm ạ.
  • Để sinh con nhanh: 1 tháng trước sinh, mỗi tối rủ chồng đi dạo đều đặn lặp lại mỗi ngày. Đến khi nhắm còn 2 tuần nữa sinh thì bảo người nhà nấu chè mè đen cho ăn, hoặc như em không ăn được chè mè đen nên là tự tay nấu sữa mè đen đậu nành uống mỗi ngày. Nếu mệt, mẹ tìm địa chỉ sữa mè đen uy tín, sạch sẽ mua uống liền cho tiện. Đến khi sắp sinh, mẹ em ở quê gọi điện vào bảo húp ngay 2 cái trứng sống nhưng em thì sợ trứng sống nên mẹ lại sai chồng em ra mua bó tía tô nấu nước. Nấu xong thì rót vào chai thủy tinh mang đi. Uống trước khi sinh. Không biết do em dễ sinh hay gì nhưng đúng là đau bụng đầu hôm thì tới khuya sinh em bé các mẹ ạ.
  • Để sinh con bớt đau: Cái này cũng là mẹo nhưng có khoa học và các mẹ Tây hay làm hơn là mình. Đó là cầm theo một chiếc lược. Việc cầm một chiếc lược trong tay có hiệu quả như phương pháp châm cứu để giảm đau vì các đầu dây thần kinh đa số tập trung ở bàn tay nên các cảm giác gây ra trên đầu ngón tay sẽ đến được bộ não nhanh hơn. Phương pháp này đã được nhiều mẹ phương Tây áp dụng và ai cũng cho rằng hiệu quả như lời đồn. Riêng em thì hồi đi sinh cất kỹ quá nên khi cần lấy ra không biết cất ở đâu luôn.

hình ảnh

Sau khi sinh 

- Tìm người trải chiếu nằm lần đầu: Hồi mẹ em thì lúc sinh em trai em có lựa người sinh bọc điều, nhờ họ về trải chiếu cho nằm lần đầu ngay sau khi từ bệnh viện về. Ngoài ra có thể chọn người ăn khỏe ngủ tốt hoặc người được sinh ngược. Cái này các cụ xưa hay làm, còn giờ thì các mẹ đã lược đi nhiều. Chỉ có điều người đầu tiên bế con khi từ viện về là phải chọn lựa thật kỹ để trộm vía con sau này nuôi dễ, mạnh khỏe. 

- Khi đã từ viện về, sau bữa ăn trưa và tối khoảng nửa tiếng, mẹ rang 1kg muối hạt, bọc vào khăn hoặc túi vải và chườm lên bụng. Cách này giúp bụng mẹ săn lại và phẳng lì như thời còn son. Một số người khác chọn nằm lên túi vải thay vì đặt lên bụng nhưng làm gì thì làm phải thử độ nóng cẩn thận trước khi dùng nếu không sẽ gây bỏng sau sinh thì phiền phức lắm mẹ nha, nhất là với những mẹ nào sinh mổ.

- Xông phòng bằng bồ kết trước khi đón bé về: Đây gọi là cách xua trừ khí xấu của người xưa nhưng thực chất là xông hơ, diệt khuẩn và khử mùi trong phòng. Phòng ốc cho con ở sau sinh nhất thiết phải sạch, thơm và thoáng thì con và mẹ mới khỏe.

- Với vết mổ tầng sinh môn, dùng nước phụ khoa rửa trực tiếp sẽ gây kích ứng. Do đó mẹ chỉ cần rửa sạch vùng sinh với nước lạnh là được. Nước được làm lạnh một chút thì có tác dụng như thuốc giảm đau vậy đó. 

- Tống đẩy huyết ứ nhanh hơn: Ăn rau ngót sau sinh hoặc xay cùng với nước nóng dùng để uống sẽ giúp sản dịch ra nhanh hơn. Các mẹ sợ sót nhau sau sinh thì hay kháo nhau ăn rau ngót sau sinh.  

Nuôi con nhỏ từ 0 đến 6 tháng tuổi

- Để sữa thơm và con bú được nhiều:

  • Cách 1: Lá mít 7 lá, đun sôi, lấy nước uống là cách kích sữa mà người xưa hay làm. Không chỉ giúp sữa về nhiều mà cách này còn làm cho sữa thơm và đặc. Nhiều người có mách phải nhúng lược vào nước lá mít và chải nó lên ngực.
  • Cách 2: Ngoài sung ra, mẹ có thể dùng thay thế lá sung tật, tức lá sung nổi sần như u sữa trên bề mặt lá. Nếu dùng lá sung tật thì công thức như sau: 1 chân giò lợn, 1 góc quả đu đủ xanh, 100g lá sung tật 100g, 50g mít non, 10g lõi thông thảo, 5g hạt muồng, 1 nắm gạo tẻ, 1 nắm gạo nếp.

hình ảnh

- Kích sữa về nhanh cho cả mẹ sinh thường và sinh mổ:

  • Cách 1: Trộn rượu gạo nấu với men, ủ trong 20 phút, sau đó nhúng khăn và đắp lên ngực. Mỗi lần đắp, để trong khoảng 15 phút. Men và rượu sẽ làm nóng bầu ngực và kích thích sữa về nhanh hơn cách chườm nước. Cách này cũng kích sữa rất đều, không bị bên quá ít, bên quá nhiều. Để hiệu quả hơn, mẹ nên nhờ các bố mát-xa cho nha!
  • Cách 2: Luộc bó rau ngổ chung với rau lang và ăn hết một đĩa trong vài ngày đầu sau sinh. Cách này dùng được cho các mẹ mà không sợ dị ứng do cơ địa.

- Giúp bé ngủ sâu, ngon giấc: Mỗi tối, trước khi con ngủ, cho một ít tinh dầu oliu vào lòng bàn tay mẹ và thoa đều. Sau đó massage cho bé. Làm cách này bé sẽ được thư giãn thần kinh trước khi bước vào giấc ngủ đêm. 

hình ảnh

- Để con không bị đau bụng vặt: Canh sao lúc con vừa rụng rốn, tức là rốn đã khô và sạch hoàn toàn thì lấy bông chấm hỗn hợp phèn chua đã nướng với ít dầu dừa và để cho ráo khô. Cách này được cho là giúp chỗ rụng rốn mau se lại, sau này bé không bao giờ bị đau bụng vặt. Nhưng nói thật em cũng chưa dám thử cách này, chỉ nghe lại thôi. Các mẹ nào từng thử xin cho ý kiến ạ. 

- Chữa bé khóc dạ đề

Khóc dạ đề còn gọi là khóc đêm. Xuất hiện trong những tháng sau sinh hoặc trong thời kỳ nhũ nhi. Mẹ chữa cách sau:

Cách 1: Hơ lá trầu không trên bếp và đặt lên rốn con. Lưu ý phải đợi khi rốn đã rụng và khô hoàn toàn mới tiến hành. Sau khi đắp lên thì mẹ bế con lên, ấp vào người. 

Cách 2: Lấy 7-9 hạt bìm bìm, giã nát, trộn với nước ấm. Khi bé ngủ lấy bột nhão từ hỗn hợp trên đắp lên rốn bé.  

- Làm sạch lưỡi bé: Thường thì các cụ lấy mật ong nhưng trẻ nhỏ dưới 1 tuổi không may nuốt phải mật ong sẽ có nguy cơ ngộ độc, nguy hiểm lắm đấy. Thế nên mẹ thay bằng nước rau ngót, giã lấy nước cốt, dùng gạc rơ lưỡi chấm cho con. Sau đó vệ sinh sạch lại cho bé bằng nước sôi để nguội.

Nuôi con nhỏ từ 6 tháng trở đi

- Chữa nôn trớ: Bé nhà em không thường nôn trớ nhưng thỉnh thoảng có ọc sữa. Nhưng cháu bên chồng em thì có 2 bé bị nặng. Má chồng em thường dùng mẹo dân gian trị cho bé. Bà lấy đọt tre, đun cho uống thì khỏi hẳn. Theo dân gian thì con trai lấy 7 đọt, con gái 9 đọt. Cách này thấy miền nào cũng có người dùng nhưng em phải cẩn thận. Tốt nhất, mẹ cứ vỗ lưng cho con ợ hơi để khi đặt nằm bé không bị trớ.

- Mọc răng không sốt: Khi con đủ 3 tháng 10 ngày, giã giá sống với nước hẹ, nhúng gạc rơ lưỡi chấm vào lợi con. Nhớ là chấm chứ đừng nghĩ càng nhiều càng tốt mà để nước hẹ rơi vào họng con nhiều quá nhé!

- Bé bị rôm sẩy: Nhờ người nhà hái lá dền gai, ngũ trảo nấu cho nhừ bã rồi pha nước tắm cho bé mỗi ngày. Hoặc tiện hơn thì chọ lá trà xanh, mướp đắng nấu cùng. Bé nhà em hợp cách trên hơn. Tắm xong mấy tháng thay da đổi thịt hẳn. 

- Chữa đờm đặc: Nhà có bé hay ho đờm, ho hoài không thôi mẹ lấy cọng hẹ một nắm to, chưng cách thủy với đường phèn. Sau khi đường tan hết, lấy hẹ ra giã nát rồi trộn với nước đường vừa hấp cho bé uống ngay khi còn âm ấm. Cách này em từng làm cho con, uống sau 1 đêm dậy là khỏi luôn. Bài thuốc này rất đơn giản mà hiệu quả.

- Đầu phân cứng do bón: Khi con quá 3 hôm không đi ngoài được, mẹ dùng đọt mồng tơi, tước hết xơ vỏ bên ngoài và thụt hậu môn cho con. Nhớ đừng thụt sâu mà đau con nhé. Cứ nương theo và kích thích cho con đi ngoài. Nếu không dạn tay thì cho con uống nước nhiều, sau đó đưa tay xoa từng vòng ngược chiều kim đồng hồ để tăng nhu động ruột. 

- Con đi ngoài xì xoẹt: Hấp cà rốt cho thật mềm rồi cho con ăn chừng vài lần trong ngày sẽ cầm. Hoặc hiệu quả nhanh hơn nữa thì lấy lá ổi, nấu nước cho con uống.

- Đi tiêm không sốt: Trước hôm đi tiêm, cho bé ăn chục lá tía tô và cho con bú mẹ càng nhiều càng tốt. Trong lá tía tô và sữa mẹ có kháng sinh tự nhiên sẽ giúp con thoát khỏi phản ứng sốt sau tiêm.