1. Tự kỷ ám thị là gì?

Một ví dụ điển hình của tự kỷ ám thị xảy đến với phần lớn mọi người ngay từ thời học sinh (hoặc thậm chí sớm hơn nhiều). Đã bao giờ bạn có một buổi trình bày trước đám đông mà trước đó bạn cảm thấy vô cùng căng thẳng? Và rồi sau một khoảng thời gian trấn tĩnh: “Mình có thể làm tốt!”, bạn thật sự đã hoàn thành nó một cách tuyệt vời.

Một ví dụ khác về tự kỷ ám thị được trình bày bởi nhà tâm lý học Stephen R. Covey về một cô gái ảo tưởng mình là công chúa của một đảo quốc. Cô cư xử quá giống đến nỗi tất cả mọi người đều nghĩ cô là công chúa thật. Sau khi bị phát hiện, cô chỉ trả lời ngắn gọn: “Nhưng khi tôi nghĩ tới vị công chúa kia tôi thấy trở thành công chúa thật sự”.

Nói tóm lại, “người bệnh” tự kỷ ám thị có một ý tưởng, suy nghĩ về bản thân, và tự thuyết phục bản thân tin vào điều đó. Việc này dẫn đến hành động của họ biểu hiện ra ngoài như thể họ là con người trong suy nghĩ. Đôi khi tự kỷ ám thị đem lại những lợi ích, nhưng nó cũng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe tâm thần và chất lượng sống của người bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Nếu nhận thấy mình có các triệu chứng sau đây của tự kỷ ám thị và bệnh đang vượt khỏi tầm kiểm soát, bệnh nhân cần tìm đến sự trợ giúp của chuyên gia tâm lý.

2. Nguyên nhân và triệu chứng của tự kỷ ám thị?

Mục này xem xét tự kỷ ám thị dưới góc độ một bệnh tâm thần (bệnh để lại những tác động tiêu cực lên sức khỏe tâm thần và thể chất của bệnh nhân). Có 2 nhóm nguyên nhân chính dẫn đến tự kỷ ám thị:

  • Xuất phát từ tâm lý: Khi một người bình thường tự nhủ với mình một điều gì đó trong thời gian dài, họ sẽ tin vào điều đó. Với người mắc tự kỷ ám thị, phản ứng này rất mạnh mẽ.
  • Xuất phát từ nguyên nhân thực thể: Tại một số vùng não bị tổn thương, những tế bào thần kinh bị gián đoạn quá lâu sẽ phát triển thành một khối ức chế bền vững gây ra những suy nghĩ sai lầm và lệch lạc. Trong trường hợp này, việc tham vấn chuyên gia tâm lý là chưa đủ mà còn cần sự tham gia của nhiều chuyên khoa khác.

Về triệu chứng, bệnh nhân thường biểu hiện các triệu chứng sau:

  • Chứng nghi bệnh: Người mắc tự kỷ ám thị tưởng tượng rằng mình bị bệnh, luôn nghĩ hay nói về bệnh đó, có xu hướng “mong chờ” bệnh đến, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần.
  • Người bệnh sống khép mình, giảm chú ý, mất tập trung, kém giao tiếp xã hội.
  • Hay mơ mộng, suy nghĩ về những điều không tưởng và nghĩ nhiều về nó.
  • Hoàn toàn mất kiểm soát vào các suy nghĩ của bản thân, chỉ chăm chú làm những việc mà họ nghĩ là họ cần làm.

3. Điều trị tự kỷ ám thị

Khi tự kỷ ám thị vượt quá tầm kiểm soát và ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe tâm thần, thể chất và chất lượng sống, người bệnh cần tìm đến chuyên gia tâm lý để được tư vấn tâm lý kịp thời. Lúc này, người bệnh cần tuân thủ đúng phương pháp điều trị của chuyên gia tâm lý và học cách sống chung với bệnh để dễ dàng vượt qua các trở ngại, ổn định lại sức khỏe tâm thần. Liệu pháp tâm lý nhận thức hành vi là một trong những phương pháp thường được các chuyên gia tâm lý sử dụng để điều trị tự kỷ ám thị.

Xem chi tiết tại đây: https://tu-ky-am-thi-%E2%80%93-%C2%A0la-ma-quen