Bỏ quê lên phố mưu sinh, người đàn ông dành trọn 18 năm để làm nghề thu gom rác. Từng đồng tiền anh kiếm được đều gửi về cho vợ con quê nhà. Và rồi, sự nổi tiếng ập tới khiến cuộc đời anh thay đổi. Nhưng anh vẫn vậy, bình dị và đơn sơ.

Đây là câu chuyện tôi đọc trên VNE về anh Lập Quang Minh, 49 tuổi, từng nổi tiếng khắp đất nước tỷ dân, được gọi với biệt danh "Van Gogh Trung Quốc". Nhiều người đổ xô mua những bức tranh phong cảnh thơ mộng của anh. Dù có thể vẽ đến 30 bức tranh mỗi tháng, hiện Lập vẫn không đáp ứng được hết nhu cầu của khách.

Lớn lên trong một ngôi làng nghèo ở tỉnh An Huy, Lập thích vẽ từ nhỏ nhưng gia đình không có điều kiện. Anh bỏ học từ sớm, rong ruổi khắp các thành phố trong tỉnh kiếm tiền từ công việc chân tay. Cuối những năm 90, Lập bắt đầu trở lại với hội họa bằng nghề vẽ chân dung ký họa cho những người đi bộ trên đường phố Quảng Châu. Vì thu nhập ít ỏi nên anh phải bỏ dở sau vài tháng.

hình ảnh

Một trong những bức tranh của người đàn ông nhặt rác (Ảnh: Sohu)

Sau khi kết hôn, Lập chuyển tới Chiết Giang làm công nhân thu gom phế liệu. Vợ và 4 con trai đều sống ở quê ngoại ở tỉnh Hồ Bắc. Người đàn ông này gửi hầu hết tiền kiếm được cho gia đình, chỉ giữ lại chút tiền thuê nhà và chi tiêu cá nhân. Hiện người đàn ông này đang sống một mình trong căn phòng vỏn vẹn 15m2, không nhà tắm, ngay cả nước sinh hoạt cũng là một thứ xa xỉ.

Năm 2016, một người bạn nhờ Lập vẽ tranh. Dù trước đây chỉ vẽ phác họa nhưng Lập vẫn nhận lời. Từ lần tình cờ này, niềm yêu thích hội họa được nhen nhóm lại. Sau này nhớ lại, anh cho hay: "Có lẽ chính bức tranh "định mệnh" năm ấy đã thổi lên ngọn lửa đam mê trong tôi từ bé". Sau đó, những bức ảnh của Lập được chia sẻ lên mạng xã hội rồi gây sốt, anh được mọi người gọi là "chàng họa sĩ trong căn phòng tồi tàn".

Trước đây, vì công việc nhặt phế liệu vất vả, lại không có điều kiện kinh tế nên Lập Quang Minh tự học hội họa qua những quyển sách mỹ thuật sưu tầm được hoặc qua những video dạy vẽ trên Internet. Với những video của nước ngoài, dù không hiểu tiếng nhưng anh học được cách họ phối màu. "Tôi đã học được rất nhiều từ thời gian tự học đó", người đàn ông tự hào kể.

hình ảnh

Dù đã nổi tiếng nhưng anh Lập vẫn sống trong căn nhà trọ tồi tàn (Ảnh: Sohu)

Lập tiết lộ, hiện tại mỗi khi nhận được yêu cầu vẽ tranh từ khách, anh là người quyết định sẽ vẽ gì. "Tôi thích những tác phẩm theo trường phái tự nhiên và trường phái ấn tượng của Pháp". Anh cũng không nhận lời tất cả những đơn đặt hàng, mà thường chọn khách hàng bằng cách đánh giá tin nhắn xem họ có phải người học thức cao hoặc thực sự yêu thích tác phẩm của mình hay không. Theo Lập, nếu nhận vẽ quá nhiều sẽ không đảm bảo về mặt chất lượng.

Mỗi tháng, người đàn ông này kiếm được khoảng 5.000 tệ (gần 18 triệu đồng) từ nhặt phế liệu, trong khi tiền bán tranh là khoảng 7.000 tệ (gầm 25 triệu đồng). "Tôi vẽ vì nó là sở thích và cũng là vì tiền", Lập nói. "Ban đầu tôi vẽ vì tôi luôn thích vẽ tranh. Sau này tôi phát hiện nó có thể giúp mình kiếm tiền. Đến nay tôi đã vẽ được khoảng 400 bức".

Trên các trang mạng xã hội, nhiều người tỏ lòng mến mộ với "họa sĩ đồng nát" Lập Quang Minh. "Anh ấy là một người có tâm hồn phong phú, yêu cái đẹp", một người bình luận. Trong khi đó, người khác viết: "Nỗ lực của anh ấy tiếp thêm niềm tin để tôi hiện thực hóa ước mơ của mình".

hình ảnh

Những bức tranh có giá tiền khá lớn (Ảnh: Sohu)

Có lẽ khi biết tới câu chuyện của anh Lập Quang Minh, nhiều chị em sẽ gật gù khen ngợi, đàn ông đích thực là đây chứ đâu! Dù khó khăn, anh vẫn không từ bỏ niềm đam mê hội họa của mình, thậm chí trong con mắt của người đời, họa sĩ là nghèo rớt mùng tơi. Nhưng anh đã chứng minh điều ngược lại, nếu có đam mê, tâm huyết và mong ước thì dù bạn là ai, trong hoàn cảnh nào cũng có thể tỏa sáng.

Tất nhiên, cũng có người đặt câu hỏi, phải chăng anh Lập chỉ là may mắn nhất thời mà thôi? Chứ biết bao người đi theo đam mê nghệ thuật mà có thành công đâu, thậm chí còn tán gia bại sản vì không lượng sức mình. Thật ra, đam mê nào thì cũng cần sự thực tế. Anh Lập khi mới bắt đầu cũng đâu có thành công, thậm chí anh phải làm nghề công nhân dọn rác để nuôi gia đình, không dám mơ có ngày mình sẽ là họa sĩ nổi tiếng.

Nhưng nếu các mẹ để ý kỹ một chút, anh Lập chưa bao giờ ngừng học hỏi với đam mê của mình, anh thường xuyên lên mạng để xem các họa sĩ thế giới vẽ như thế nào, anh đọc sách, tìm tòi trong lĩnh vực mình yêu thích, kể cả không có vốn ngoại ngữ, anh vẫn tìm tới “thế giới” bằng cách riêng của mình.

hình ảnh

Anh Lập thành công nhờ biết theo đuổi niềm đam mê của mình (Ảnh: Sohu)

Một người có đam mê khác với một người biết cách theo đuổi đam mê. Mơ ước là họa sĩ mà không chịu vẽ, không hịu cải tiến bản thân thì bao giờ mới thành công và câu chuyện của anh Minh đã chứng minh chân lý ấy. Đặc biệt, chúng ta phải nể phục anh ở khía cạnh là trụ cột gia đình. Dù bỏ quê lên phố mưu sinh nhưng anh không sa vào cám dỗ, dù lao động chân tay đầy mệt nhọc nhưng anh vẫn dành gần hết số tiền lương ít ỏi cho vợ con ở nhà.

Đàn ông trên đời hiếm ai có thể hy sinh nhiều như thế cho gia đình, đã vậy anh còn chăm chỉ cần cù, chấp nhận làm những công việc bị chê bai là "bẩn thỉu" chỉ cần có thêm tiền. Một người cha, một người chồng vừa có tài vừa có đức như thế thì tất nhiên sẽ sớm hái được quả ngọt.